Ông Huỳnh Trương Ca, một blogger và cựu tù nhân chính trị Việt Nam, vừa bị cơ quan an ninh ở tỉnh Đồng Tháp mời “làm việc” liên quan đến việc ông bày tỏ quan điểm ủng hộ kiến nghị của giới trí thức trong nước nhằm kêu gọi Tổng Bí thư Tô Lâm khẩn cấp cải cách thể chế, điều mà chính ông Tô Lâm đã nêu ra trước đó.
“An ninh Đồng Tháp có mời tôi xuống làm việc. Họ chụp hình ra những thư tay, mà thực ra là thư tình nguyện tôi ký tên vào bản kiến nghị khẩn cấp về việc thay đổi thể chế của giới nhân sĩ trí thức gửi cho chính phủ Việt Nam”, ông Huỳnh Trương Ca thuật lại việc ông bị an ninh huyện Hồng Ngự mời “làm việc” hôm 4/12.
Ông cho biết rằng các cán bộ an ninh nói lẽ ra ông không nên đăng lên mạng xã hội bức thư tình nguyện và bản kiến nghị đó.
Vào đầu tháng trước, nhiều nhân sĩ, trí thức tại Việt Nam, trong đó có Giáo sư Nguyễn Khắc Mai, Tiến sĩ Nguyễn Quang A, Giáo sư Nguyễn Huệ Chi, Giáo sư Nguyễn Đình Cống và đại diện các tổ chức xã hội dân sự trong nước, đã thu thập chữ ký và gửi bản kiến nghị cho giới lãnh đạo Việt Nam nhằm tháo gỡ “điểm nghẽn của điểm nghẽn” về thể chế, sử dụng ngôn từ của Tổng Bí thư Tô Lâm phát biểu trước đó.
Ông Tô Lâm, nhà lãnh đạo cao nhất Việt Nam, phát biểu trước Quốc hội hôm 21/10 rằng “thể chế là điểm nghẽn của điểm nghẽn”.
Ông Tô Lâm chỉ ra rằng “Trong 3 điểm nghẽn lớn nhất hiện nay là thể chế, hạ tầng và nhân lực, thì thể chế là ‘điểm nghẽn’ của ‘điểm nghẽn’”. Hàng loạt báo chí trong nước trích dẫn, thậm chí nêu bật trong tít bài trên một số trang tin về câu nói này của ông.
Ông Huỳnh Trương Ca cho VOA biết rằng ông đồng tình với bản kiến nghị nói trên và bày tỏ sự hưởng ứng của ông qua trang Facebook cá nhân có tên “Thằng Nhà Quê”.
“Tôi nói với họ rằng tôi ký vô bản kiến nghị đó cũng tốt, chứ không có điều gì sai. Tôi cũng nói rằng bản kiến nghị đó xuất phát từ phát biểu của Tổng Bí thư Tô Lâm. Ông là người có dũng khí, đã nhìn nhận và đánh giá đúng hiện trạng đất nước”, ông Ca thuật lại nội dung ông trao đổi với an ninh Đồng Tháp.
“Các nhân sĩ, trí thức kiến nghị tháo gỡ “điểm nghẽn” đó bằng cách thực hiện nghiêm túc Điều 25 (Quyền tự do ngôn luận, tự do báo chí, tiếp cận thông tin, hội họp, lập hội, biểu tình) và Điều 27 (Quyền bầu cử, ứng cử) của Hiến pháp. Tôi thấy hai điều này là rất phù hợp, thể hiện ý chí của người dân trong hoàn cảnh đất nước hiện nay”, ông Ca cho hay.
XEM THÊM: Trí thức, doanh nhân: ‘Phe cầm quân’ cần cải cách, lắng nghe, trọng dụng giới kỹ trịÔng Huỳnh Trương Ca, 53 tuổi, một blogger, nhà tranh đấu cho quyền hiến định của người dân, mãn hạn 5 năm 6 tháng tù vào tháng 3/2024 về tội “tuyên truyền chống nhà nước”. Ngoài ra, ông còn phải chịu thêm hình phạt 3 năm quản chế.
“Buổi làm việc (có thể gọi là thẩm vấn cũng không sai) kéo dài gần 3 giờ liên tục, mình bị nhức đầu khủng khiếp!”, cựu tù nhân chính trị viết trên Facebook sau buổi “làm việc” với an ninh ở Đồng Tháp hôm 4/12, đồng thời ông đăng kèm ảnh giấy mời của cơ quan này với nội dung “trao đổi một số vấn đề có liên quan”.
Ông Ca thuật lại lời của viên chức an ninh cho rằng những người khởi xướng và ký tên trong bản kiến nghị đó là “thế lực phản động”, “chống phá Đảng, Nhà nước”.
VOA đã liên lạc với công an Huyện Hồng Ngự qua điện thoại để tìm hiểu về sự việc nêu trên và được một cán bộ trực trả lời rằng phóng viên phải trực tiếp liên lạc tại trụ sở thì mới được lãnh đạo có thẩm quyền phản hồi.
Bộ Ngoại giao Việt Nam và công an Đồng Tháp không trả lời ngay khi VOA đề nghị họ đưa ra bình luận.
Bản kiến nghị đề ngày 3/11 được đăng trên trang Bauxite Việt Nam mở đầu: “Nhất trí với nhận định của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm phát biểu sáng 21/10/2024 trước Quốc hội khóa XV về thể chế, nhân sự và cơ sở hạ tầng, trong đó thể chế là ‘điểm nghẽn’ trọng yếu cho sự phát triển. Chúng tôi, các cá nhân và tổ chức xã hội dân sự, ký tên dưới đây, gửi tới Quốc hội và Chính phủ kiến nghị khẩn cấp nhằm kêu gọi sự tôn trọng tối đa pháp quyền”.
Theo quan sát của VOA, lời phát biểu kể trên của ông Tô Lâm cũng được nhiều người chia sẻ và bàn luận trên mạng xã hội, trong đó không ít người tỏ ý hy vọng về sự thay đổi theo hướng cởi mở, thông thoáng hơn ở Việt Nam.
Ngoài việc kêu gọi thực hiện Điều 25 và Điều 27 Hiến pháp 2013, bản kiến nghị của nhóm các trí thức trong nước còn hối thúc giới lãnh đạo Hà Nội tôn trọng cam kết về quyền con người; rà soát và sửa đổi các quy định vi hiến và vi phạm cam kết quốc tế; thực hiện lộ trình Đổi mới lần thứ hai; và cải cách hệ thống bầu cử để bảo đảm tính công bằng và minh bạch.