Bộ Công an Việt Nam vừa xác nhận rằng họ đang truy nã quốc tế cựu Thứ trưởng Bộ Công thương Hồ Thị Kim Thoa vì cáo buộc “tham nhũng” và kêu gọi quan chức này về “đầu thú để hưởng khoan hồng.”
Bà Thoa và cựu Bộ trưởng Bộ Công thương Vũ Huy Hoàng bị Cơ quan Cảnh sát Điều tra của Bộ Công an khởi tố từ tháng 7 với tội danh “Vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản nhà nước gây thất thoát, lãng phí.” Tuy nhiên sau khi xin nghỉ việc vì “lý do cá nhân”, theo truyền thông trong nước, cựu quan chức Bộ Công thương được cho là đã ra nước ngoài và hiện không biết “đang ở đâu.”
Một vị đại tá của ngành Công an hôm 7/12 cho biết bộ này “đang phối hợp với các nước, các cơ quan ngoại giao để truy bắt bị can” là bà Thoa, theo báo Pháp Luật.
Đại tá Trữ Văn Dũng, Phó Chánh văn phòng Cơ quan CSĐT Bộ Công an, nói với báo chí trong nước tại cuộc họp báo sau Hội nghị toàn quốc ngành Công an hôm 7/12 rằng tổ chức Cảnh sát Hình sự Quốc tế đã ban hành lệnh truy nã quốc tế đối với bà Thoa vào ngày 4/9 năm nay.
“Hiện nay, cơ quan Cảnh sát Điều tra Bộ Công an đã liên hệ gia đình động viên bị can Thoa sớm về nước trình diện, thành thật khai báo về hành vi phạm tội để được hưởng chính sách khoan hồng của pháp luật,” ông Dũng nói tại buổi họp báo.
Vào tháng trước, khi có thông tin từ báo chí nước ngoài cho rằng bà Thoa hiện đang sống tại Paris, có quốc tịch Pháp và đã bị bắt tại đây, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Lê Thị Thu Hằng cho phóng viên biết rằng bộ này “không có thông tin về việc bà Hồ Thị Kim Thoa bị bắt giữ tại Pháp.”
Chánh văn phòng Bộ Công an, Thiếu tướng Tô Ân Xô, hôm 2/12 nói rằng Bộ Công an “chưa biết bà Thoa đang ở đâu.”
XEM THÊM: Việt Nam ‘xác minh’ tin đại biểu quốc hội 'mua' hộ chiếu châu ÂuTheo cáo trạng vụ Bộ trưởng Công thương “Vũ Huy Hoàng và đồng phạm làm thất thoát 2.700 tỷ đồng xảy ra tại Sabeco”, Viện Kiểm sát Nhân dân Tối cao cáo buộc cựu Thứ trưởng Thoa “là đồng phạm giúp sức.”
Bà Thoa bị cáo buộc đã phê duyệt cho tổng công ty Bia – Rượu – Nước giải khát Sài Gòn (Sabeco), một đơn vị trực thuộc Bộ Công thương, thoái vốn trong dự án tại khu “đất vàng” số 2-4-6 Hai Bà Trung ở quận 1, TPHCM, rộng 6.000m2 và hành vi này “khiến tài sản của Nhà nước rơi vào tay tư nhân với giá rẻ,”, theo VnExpress.
Truyền thông trong nước cho biết, “sai phạm” của bà Thoa bị phát hiện vào tháng 11/2018 và sau đó vài tuần, cựu thứ trưởng Công thương bị khai trừ Đảng. Trước đó bà Thoa xin nghỉ hưu và được cho là đã xuất cảnh ra nước ngoài qua cửa khẩu Cảng Hàng không Quốc tế Tân Sơn Nhất vào ngày 22/10/2018.
Trước bà Thoa, từng có các quan chức Việt Nam bỏ trốn ra nước ngoài như cựu Phó Chủ tịch tỉnh Hậu Giang Trịnh Xuân Thanh và cựu Thượng tá Công an Phan Văn Anh Vũ. Tuy nhiên, hai người này đều bị đưa trở lại Việt Nam và hiện đang thụ án tù.
Vụ việc ông Thanh, một cựu quan chức ngành dầu khí, đã gây ra một sự khủng hoảng trong quan hệ ngoại giao giữa Việt Nam và Đức khi Hà Nội cho rằng ông Thanh về nước đầu thú còn phía Đức lại cáo buộc người của Bộ Công an Việt Nam “bắt cóc” ông Thanh tại Berlin.
Công an Việt Nam hiện cũng đang truy nã ông Bùi Quang Huy, tổng giám đốc công ty Nhật Cường Mobile, hiện cũng đang bỏ trốn sau khi bị khởi tố về tội buôn lậu, trốn thuế, rửa tiền và vi phạm quy định về đấu thầu, gây hậu quả nghiêm trọng.
Tại Việt Nam gần đây cũng rộ lên hiện tượng người Việt mua quốc tịch nước ngoài, trong đó có quan chức chính phủ như trường hợp của Đại biểu Quốc hội Phạm Phú Quốc. Sau khi bị báo chí nước ngoài phanh phui, ông Quốc thừa nhận có quốc tịch Cộng hoà Síp “nhưng do gia đình bão lãnh chứ không phải ông mua.”
Chiến dịch chống tham nhũng, được gọi là “đốt lò”, do Tổng bí thư-Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng phát động trong hai năm qua đã đưa nhiều lãnh đạo cấp cao và quan chức của cả ngành công an và ngân hàng ra trước “vành móng ngựa”. Trong số đó có cựu Bộ trưởng Giao thông Vận tải Đinh La Thăng, người trở thành uỷ viên Bộ Chính trị đầu tiên của Việt Nam bị đưa ra xét xử và kết án tù.