Ngay trước ngày đánh dấu tròn 42 năm kể từ khi Trung Quốc bất ngờ tấn công các tỉnh của Việt Nam, nhiều người Việt bày tỏ trên mạng rằng ngày 17/2 không chỉ gợi nhớ đến “cuộc xâm lược man rợ” của Trung Quốc mà còn nhắc nhở về hiểm họa lâu dài từ nước láng giềng phương bắc.
Nguyên Thứ trưởng thường trực Bộ Ngoại giao Việt Nam Nguyễn Đình Bin nhấn mạnh trên trang Facebook cá nhân hôm 16/2 rằng nhà cầm quyền Bắc Kinh đã tiến hành cuộc chiến tranh xâm lược cực kỳ man rợ khi điều động hàng vạn quân Trung Quốc tấn công toàn tuyến biên giới phía bắc Việt Nam.
Ghi nhận rằng Việt Nam và Trung Quốc nay có quan hệ hợp tác chiến lược toàn diện, song Trung Quốc vẫn vi phạm trắng trợn luật pháp quốc tế thể hiện qua những vụ vi phạm, xâm lấn chủ quyền Việt Nam, nhất là ở Biển Đông, ông Nguyễn Đình Bin nêu ý kiến rằng việc nhắc lại sự kiện chiến tranh Việt-Trung không phải để nuôi hận thù mà chỉ để ghi nhớ, rút ra bài học cần thiết trong mối quan hệ hai nước.
Bài học đó là thực sự tôn trọng độc lập, chủ quyền của nhau theo luật pháp quốc tế, và không can thiệp vào công việc nội bộ của nhau, nguyên Thứ trưởng Nguyễn Đình Bin viết.
Nhà báo Hoàng Hải Vân, Facebooker có khoảng 110.000 người theo dõi, cho rằng tội ác do phía Trung Quốc gây ra dọc biên giới Việt Nam trong những ngày của nửa cuối tháng 2/1979 là tội ác man rợ nhất.
Đồng thời, ông Vân đánh giá rằng dù còn đang nghèo đói vì những cuộc chiến trước đó, Việt Nam vẫn đánh thắng quân xâm lược Trung Quốc năm 1979, và đó hẳn là chiến thắng vang dội nhất.
Nhà báo kỳ cựu này xác nhận thực tế rằng ngày nay, người Việt vẫn giao thương làm ăn thuận mua vừa bán với người Trung Quốc, song ông Vân đưa ra quan điểm rằng “chừng nào nhà cầm quyền Bắc Kinh vẫn ấp ủ mưu đồ thôn tính biển đảo của ta, lũng đoạn kinh tế nước ta, thì mối thù kia vẫn là mối thù truyền kiếp”.
Trong bối cảnh hai nước vừa là láng giềng, vừa chung ý thức hệ cộng sản, ông Hoàng Hải Vân bày tỏ lo ngại về một nước Trung Quốc đang ngày càng lớn mạnh có thể gài bẫy để khống chế Việt Nam về nhiều mặt.
Theo nhà báo có lượng người theo dõi đông đảo trên Facebook, có những biểu hiện là giới chức các cấp của Việt Nam bị Trung Quốc thao túng, gây tác hại đến chủ quyền Việt Nam.
Những ví dụ ông Vân nêu ra bao gồm: Giao đất cho các doanh nghiệp Trung Quốc tại những vị trí phòng thủ bờ biển; vay nợ và chấp nhận các điều kiện của Trung Quốc; nhập ào ạt các phương tiện, thiết bị lạc hậu của Trung Quốc; hạ thấp các tiêu chuẩn kỹ thuật và an toàn, tạo điều kiện cho hàng hóa kém chất lượng của Trung Quốc được nhập tràn lan.
Với thực trạng như vậy, trong con mắt nhà báo Hoàng Hải Vân, 42 năm trôi qua nhưng “cuộc chiến vẫn đang tiếp diễn”.
Chúng tôi thấy có trách nhiệm tưởng nhớ hàng vạn đồng bào, chiến sĩ đã hy sinh và đó là một cuộc chiến tranh oai hùng. Cuộc chiến lẽ ra phải được nói đến, phải được vinh danh. Nhưng suốt mấy chục năm qua, chính quyền cộng sản đã lãng quên ngày đó.Nhà hoạt động Nguyễn Thúy Hạnh
Giới hoạt động vì đất nước Việt Nam tự do, tiến bộ hơn, bao gồm các ông bà Nguyễn Thúy Hạnh, Vũ Quốc Ngữ, Lê Thăng Long, Trần Bang, Chu Vĩnh Hải, Bùi Văn Thuận, v.v… đều đăng bài trên Facebook để tưởng nhớ các chiến sĩ và người dân Việt Nam đã ngã xuống trong cuộc chiến do Trung Quốc gây ra bắt đầu từ ngày 17/2/1979.
Bà Nguyễn Thúy Hạnh cho VOA biết rằng trong ngày 16/2 bà cùng 10 nhà hoạt động khác đến một nghĩa trang liệt sỹ ở phường Tây Tựu, quận Bắc Từ Liêm, Hà Nội, để cắm hoa và thắp hương tưởng niệm các liệt sỹ hy sinh trong cuộc chiến chống “quân xâm lược Trung Quốc”.
Bà Hạnh chia sẻ với VOA về hoạt động này: “Chúng tôi thấy có trách nhiệm tưởng nhớ hàng vạn đồng bào, chiến sĩ đã hy sinh và đó là một cuộc chiến tranh oai hùng. Cuộc chiến lẽ ra phải được nói đến, phải được vinh danh. Nhưng suốt mấy chục năm qua, chính quyền cộng sản đã lãng quên ngày đó, thậm chí còn ngăn cấm mọi người đi thắp hương tưởng niệm. Thậm chí nhiều cháu học sinh không biết có cuộc chiến năm 1979 đó”.
Đưa ra nhận định về quan hệ Việt Nam-Trung Quốc hiện nay, nhà hoạt động nữ này lưu ý rằng Việt Nam lâu nay vẫn bị lép vế và có phần nhu nhược trong mối quan hệ với nước láng giềng phương bắc, và nếu tình trạng này tiếp tục sẽ mang lại nguy hiểm cho vận mệnh của Việt Nam, cũng như gây đau khổ cho người dân Việt.
Về lý do việc tưởng niệm được tiến hành sớm một ngày, bà Hạnh cho VOA biết bà và các nhà hoạt động khác lo ngại rằng bộ máy an ninh Việt Nam có thể canh gác, không cho họ ra khỏi nhà vào đúng ngày 17/2.
“Hôm nay, chỉ có một viên an ninh xuất hiện nhưng không ngăn cấm chúng tôi, thậm chí còn chụp ảnh giúp chúng tôi nữa. Thái độ của viên an ninh rất tạo điều kiện cho chúng tôi”, bà Hạnh nói.
Theo quan sát của VOA, trưa ngày 16/2, báo Thanh Niên online thuộc Hội Liên hiệp Thanh niên Việt Nam đăng xê-ri ảnh tư liệu về cuộc chiến dưới hàng tít “42 năm cuộc chiến đấu bảo vệ biên giới phía Bắc: Đánh trả quân xâm lược Trung Quốc”.
Nhiều người sử dụng mạng xã hội ở Việt Nam chia sẻ loạt ảnh đó và tỏ ý khen ngợi báo Thanh Niên cho việc báo nêu đích danh cuộc chiến xâm lược của Trung Quốc.
Nhận xét về diễn biến này, nhà hoạt động Nguyễn Thúy Hạnh cho rằng việc báo Thanh Niên nói riêng hay báo chí nói chung đăng bài về chiến tranh biên giới Việt Nam-Trung Quốc là “có chỉ đạo của bên Tuyên giáo”.
Bà Hạnh cho biết thêm vào hôm 15/2 một kênh truyền hình ở Việt Nam chiếu một phim tài liệu về cuộc chiến, điều hiếm thấy trong mấy chục năm qua, và bà bày tỏ rằng “Chúng tôi có một chút nào đấy hy vọng rằng chính quyền Việt Nam sẽ cải thiện lại thái độ của mình đối với Trung Quốc”.