Foxconn, nhà sản xuất iPhone lớn nhất thế giới, đang đối mặt với sự cạnh tranh từ các đối thủ Trung Quốc trong việc thu hút lao động giá rẻ ở Việt Nam trong lúc hãng lắp ráp lớn nhất của Apple tiếp tục chuyển dây chuyền sản xuất từ Trung Quốc sang Việt Nam trong bối cảnh căng thẳng kéo dài giữa Washington và Bắc Kinh.
Giám đốc điều hành và Chủ tịch Foxconn, Young Liu, nói với các phóng viên hôm 11/6 rằng ông nhận thấy các đối thủ Trung Quốc đang thiết lập các cơ sở gần cơ sở của Foxconn ở Việt Nam để tiếp cận gần hơn công nhân của họ, theo Bloomberg và Business Insider.
“Khi các đối thủ của chúng tôi phát hiện ra nơi Foxconn xây nhà máy, họ đã mua mảnh đất ngay bên cạnh để họ có thể hưởng lợi từ thành công của chúng tôi cũng như săn lùng nhân tài của chúng tôi với mức lương cao,” ông Liu được Bloomberg trích lời nói với các phóng viên tại Đài Bắc.
Chủ tịch Foxconn cho biết cơ sở của công ty của Đài Loan ở thành phố Bắc Ninh, Việt Nam, hiện sử dụng khoảng 60.000 công nhân và có kế hoạch tăng “đáng kể” con số đó trong hai năm tới.
Một báo cáo đầu tư của AXA Investment Management công bố vào tháng 9 năm ngoái được Business Insider trích dẫn cho biết rằng các nhà sản xuất ở Trung Quốc đang phải vật lộn với chi phí sản xuất trong nước và nhiều trong số họ bị thu hút bởi Việt Nam do có nguồn lao động dồi dào và tay nghề cao.
Ba trong số các đối thủ cạnh tranh của Foxconn có trụ sở tại Trung Quốc hiện đang có mặt ở Việt Nam là Luxshare Precision Industry Co. và GoerTek Inc., cùng đang sản xuất AirPods – tức tai nghe không dây, trong khi BYD đang chuẩn bị cho việc sản xuất iPad, theo Bloomberg.
Đầu tháng này, Nikkei Asia cho biết rằng công ty Apple của Mỹ đã yêu cầu các nhà cung cấp chuyển sản xuất iPad từ Trung Quốc sang Việt Nam. Trước đó vào năm 2020, Apple cũng đã yêu cầu Foxconn chuyển sản xuất iPad và MacBook Pro từ quốc gia này sang nước láng giềng nhỏ hơn ở Đông Nam Á với lý do cần giảm thiểu tác động của căng thẳng thương mại Mỹ-Trung.
Dưới thời chính quyền của Tổng thống Donald Trump, Mỹ đã thực hiện nhiều biện pháp khác nhau bao gồm thuế quan đối với nhiều sản phẩm nhập khẩu từ Trung Quốc nhằm định hình lại chuỗi cung ứng toàn cầu. Chính quyền của Tổng thống Joe Biden đang tìm cách điều chỉnh lại thuế quan áp lên hàng hóa Trung Quốc nhưng cho đến nay vẫn chưa có sự thay đổi lớn nào.
Lập trường cứng rắn của Trung Quốc trong việc theo đuổi chính sách “Zero COVID” là một lý do khác khiến Apple đẩy mạnh việc dịch chuyển sản xuất sang Việt Nam, theo Wall Street Journal đưa tin vào tháng trước.
Apple gần đây cho biết các hạn chế vì dịch COVID-19 của Trung Quốc có thể khiến họ mất đi từ 4 tỷ đến 8 tỷ USD doanh thu trong quý 2 này. Theo Business Insider, Foxconn đã phải đóng cửa các hoạt động sản xuất ở Thâm Quyến trong vài ngày trong tháng 3 khi thành phố này phong tỏa để đối phó với sự gia tăng đột biến các ca lây nhiễm COVID trong cộng đồng.