Corona: Người Việt đối mặt với tháng Tư đen kép

Tháng Tư đối với người Việt hải ngoại vẫn là một dịp kỷ niệm buồn trong 45 năm qua. Với hàng triệu người đó là ngày “nước mất, nhà tan”. Nhưng năm nay người Việt ở Hoa Kỳ, châu Âu, Úc và nhiều nơi khác còn đối mặt với một tháng Tư đen về bệnh dịch.

Hoa Kỳ là nơi có đông người Việt tị nạn nhất và cũng lại là nơi có số người nhiễm vi-rút corona mới lớn nhất thế giới. Cho tới hết tháng Ba, số ca nhiễm ở Hoa Kỳ đã vượt quá 185.000 trong đó hơn 3.800 người tử vong theo Trung tâm kiểm soát và phòng ngừa dịch bệnh CDC. Bang California, nơi có thủ phủ Little Saigon của người Việt tại Hoa Kỳ cũng lại nằm trong năm bang đứng đầu về số trường hợp nhiễm dịch với số thống kê tiến gần tới 7.000. Tuy nhiên con số này còn thua xa số gần 76.000 ca ở New York và gần 19.000 ở New Jersey, hai bang đứng đầu danh sách. Điều đáng lo ngại là số ca nhiễm ở Hoa Kỳ được dự đoán sẽ lên tới hàng triệu trong những tuần tới đây và số người chết thậm chí có thể lên tới 100.000, theo chuyên gia về bệnh truyền nhiễm hàng đầu của Hoa Kỳ, Tiến sỹ Anthony Fauci. Nhưng ông Fauci cũng nói khó mà có thể dự đoán chính xác vì tất cả các dự đoán đều dựa trên những mô hình mà người ta dựng lên từ nhiều dự đoán.

Dịch bệnh hiện nay cũng đã khiến cho đám tang của một trong những người hùng của tháng Tư 45 năm về trước, Thiếu Tướng Lê Minh Đảo, diễn ra chỉ với sự tham dự của những người trong gia đình. Một lần nữa con vi-rút gốc cộng sản lại gây ra sự hoang mang và đảo lộn hiếm có trong lịch sử.

Nếu Trung Quốc để sổng vi-rút từ Vũ Hán vì thói quen kiểm duyệt và trấn áp thì Hoa Kỳ và phương tây nói chung lúc đầu đã dùng cách chặn dịch với những “kẻ thù cũ” trong khi con corona mới nguy hiểm hơn nhiều. Trong trận chiến này, cũng giống như từng xảy ra ở Vũ Hán, một trong những vũ khí thiếu hụt chính là máy thở và phòng cấp cứu bên cạnh các bộ xét nghiệm. Dù đa số người nhiễm corona không gặp vấn đề gì nghiêm trọng, trong nhiều trường hợp corona mới tấn công thẳng vào phổi khiến nhiều bệnh nhân mất khả năng tự lấy dưỡng khí để duy trì sự sống. Việc thiếu máy thở đã khiến ngành y tế ở một số nơi phải ưu tiên máy cho những người có nhiều khả năng sống sót. Số người cần được hỗ trợ y tế và số người tử vong lớn đã khiến Tổng thống Trump và nhiều lãnh đạo phương Tây khác buộc phải đưa ra những biện pháp hạn chế tự do đi lại của người dân dù họ cực chẳng đã mới phải làm như vậy. Tại Florida, bang có số ca nhiễm lớn thứ năm ở Hoa Kỳ với hơn 6.700 người, một mục sư đã bị bắt giữ vì tổ chức hai thánh lễ hôm 29/3 với sự tham gia của hàng trăm người.

Cũng tại Florida, một phụ nữ mất chồng 39 tuổi vì corona nói rằng chồng bà không có bệnh nền nào khác và đã muốn được xét nghiệm ngay từ đầu. Nhưng chính vì không có bệnh nền, mới 39 tuổi và không đi đâu xa trong thời gian gần đây nên không ai xét nghiệm cho ông. Dù vậy, bốn ngày sau ông đã được xét nghiệm tại một trạm mà người ta có thể lấy mẫu khi lái xe qua. Kết quả dương tính và các bác sỹ khuyên ông ở nhà và chỉ tới viện khi khó thở. Chín ngày sau khi có triệu chứng đầu tiên, nhịp tim của ông Conrad Buchanan xuống thấp và rất khó thở. Gia đình đưa ông tới bệnh viện và người ta đã gắn máy trợ thở cho ông, điều mà người vợ nói bà không được tham vấn và bà cũng tin rằng ông Buchanan sẽ không bao giờ đồng ý nếu ông đủ tỉnh táo. Đêm đó ông bị tắc động mạch phổi và đã ra đi bốn ngày sau đó. Bà Buchanan giờ đang muốn điều tra những quyết định của các bác sỹ đối với chồng bà vì nghi rằng họ không thực sự hiểu những gì họ làm.

Một trong những điều gây lo ngại hiện nay ở Hoa Kỳ và cũng như ở 180 nước đã có bệnh dịch là vi-rút corona mới có thể tồn tại trên bề mặt sắt và nhựa tới vài chục tiếng. Có những nhóm trên Facebook chia sẻ đường dẫn tới lời khuyên của một bác sỹ ở Michigan rằng thậm chí cần phải tẩy trùng các đồ ăn mua từ siêu thị.

Hiện tại cách chống dịch và công nghệ chống dịch của mỗi nước mỗi khác. Hàn Quốc được ca ngợi vì có công nghệ xét nghiệm hàng đầu và quan chức nước này nói hơn 120 nước đã đề nghị Seoul trợ giúp. Chỉ riêng chuyện có cần đeo khẩu trang hay không thì châu Á cũng đi đầu và giờ số người ở phương tây đeo khẩu trang dần nhiều lên. Lời khuyên ở Hoa Kỳ và châu Âu là chỉ những người đã nhiễm Covid-19 mới phải đeo khẩu trang. Nhưng nhiều người nhiễm corona mới lại không hề có triệu chứng gì và có thể lây lan cả khi không có triệu chứng. Bởi vậy thật khó biết ai nên đeo khẩu trang, ai không và có lẽ vì vậy nhà nhà ở châu Á đeo khẩu trang. Trong những ngày vừa qua một nhóm Facebook của người Việt ở Tacoma cũng chia sẻ hình ảnh một cụ già hơn 90 tuổi may khẩu trang để đem tặng cho những ai cần. Còn nhóm của Người Việt ở Massachusetts đăng lại tin một cặp vợ chồng gốc Việt tăng cả kho thiết bị y tế cho bệnh viện địa phương. Tháng Tư này sẽ còn nhiều tin xấu nhưng những tin tốt lành này sẽ làm cho người ta có chỗ bấu víu trong lúc khó khăn.