Từ vấn đề dịch bệnh - ngẫm chuyện giáo dục ở quê hương mình

Hình minh họa.

Trần An-Bee

Chẳng ai muốn dịch bệnh xảy ra nhưng nó vẫn xảy ra. Vấn đề là từ ngày dịch bệnh Corona xảy ra, biết bao bài báo mang tính thông tin, hướng dẫn và giải pháp để giúp quý phụ huynh có cách hiểu và dần tổ chức cuộc sống của gia đình, con cái thế nào cho phù hợp. Tuy vậy, như ông bà xưa có nói “mất bò mới lo làm chuồng”, quả thật không sai trong những ngày hoang mang vì dịch bệnh này. Rất nhiều người đã chẳng biết phải làm gì với thời gian rãnh rỗi không đi học, không đi làm của con cái và của chính mình. Con bò dịch bệnh đã hiển nhiên, còn cái chuồng giải pháp thì vẫn chưa có gỗ, gạch hay vật liệu gì đó để làm.

Về vấn đề dịch bệnh, đã có nhiều người có chuyên môn phân tích và chỉ dẫn cách tăng cường sức khỏe và cách phòng ngừa. Việc cốt lõi của “mất bò và làm chuồng” là vấn đề, khi xảy ra dịch bệnh, trẻ em phải ở nhà, thầy cô phải nghỉ dạy và còn nhiều những ngành nghề khác bị ảnh hưởng nữa. Vậy thì phụ huynh sẽ phải làm gì đây với những đứa trẻ khi chúng ở nhà và không thể ngồi yên. Phụ huynh, thầy cô và mọi người sẽ làm gì khi không thể đi làm hay đi làm mà vẫn không kiếm được thu nhập?

Có dịp chứng kiến, có dịp tiếp xúc với các phụ huynh, với học sinh và với thầy cô, cùng với một số những bạn làm trong những lãnh vực như du lịch, nhà hàng, khách sạn, mới thấy ở Việt Nam mọi người đang rất lúng túng trong việc tổ chức cuộc sống như thế nào cho hợp lý. Vì trẻ em ở nhà, ngoài việc đợi chờ nhà trường gửi bài vở về để tự học, tự làm, các em thường không biết làm gì cả ngoài việc coi ti vi, vào Internet để coi, để lướt hết chương trình này đến chương trình khác. Phụ huynh cũng thế, nếu đi làm mà công việc ít đi, khách hàng ít tới mua sắm ăn uống, việc còn lại của họ là lướt Facebook hay xem hết chương trình này đến chương trình khác trên mạng. Còn ở nhà, ngay cả việc dạy con học cũng khó. Có rất nhiều người than thở rằng họ ngồi cho con học và làm bài thầy cô gửi về thôi đã toát hết cả mồ hôi hột. Con làm xong rồi thì chẳng biết làm gì khác nữa. Cả nhà cùng lướt mạng.

Có nhiều thầy cô ở Việt Nam chia sẻ rằng, nghỉ dạy ở nhà, đi ra đi vô quét dọn thu vén vườn tược rồi cũng chẳng có gì để làm. Một vài ngày trong tuần thì nhà trường bắt buộc giáo viên phải lên trường để...nghe dặn dò và để tán chuyện cho có hội họp rồi lại ra về. Mãi một điệp khúc và một người đơn ca là hiệu trưởng.

Thế mới thấy cả một hệ thống đào tạo và tự đào tạo đã hụt hẵng thế nào trong nhiều năm qua.

Giáo dục mà chỉ chú trọng đến việc dạy bộ môn và không mang tính toàn thể thì đó không phải là giáo dục. Một đứa trẻ không thể chỉ học giỏi môn toán, lý, hoá, văn hay khoa học thì sẽ trở nên người giỏi người tài, người có ích. Đứa trẻ ấy cần có sự giáo dục từ gia đình, nhà trường, xã hội trong việc giúp nó nhận ra những gì nó học có liên quan thế nào trong thực tế cuộc sống. Nó cần được dạy phương pháp để tìm tòi, để sáng tạo và để phân tích, phán đoán hay dở, đúng sai. Nó cũng cần học được phương pháp để ứng dụng và để tự đề ra những cách thức mới cho riêng mình trong các vấn đề của học thuật và thực tiễn. Nếu trẻ không được huấn luyện tất cả những điều ấy, thì khi làm ‘người lớn’, nó cũng chỉ là đứa trẻ với vóc dáng lớn mà thôi. Phương tiện thời nay không thiếu để tự học, nhưng thiếu phương pháp, thiếu tính kỷ luật, sự kiên trì và lòng đam mê học hỏi thì phương tiện thật nhiều có thể sẽ trở thành những công cụ hủy hoại tương lai.

Từ những ngày còn đang đi thực tập dạy học tại Úc, nhiều lần tôi đã ngạc nhiên vì thấy các em lớp mẫu giáo, lớp một và lớp hai đã có thể tự quản lý lớp, quản lý quỹ thời gian của mình trong các hoạt động khi giáo viên có việc bận đôi chút. Giáo viên chỉ cần nói với các em là thầy/cô cần qua phòng bên cạnh để lấy đồ hay trao đổi gì đó với giáo viên bên lớp kế bên, các em có thể tập trung và làm những gì giáo viên giao được không? Thông thường, giáo viên cho các em được phép vừa thực hiện các bài của mình, vừa trò chuyện với bạn bên cạnh với âm lượng vừa đủ nghe cho cả hai. Các em làm rất tốt tất cả những lần như thế. Hay khi các em làm bài xong sớm, để tránh tình trạng phá bĩnh các bạn khác, giáo viên thường cho các em một hoặc hai lựa chọn, một là ngồi đọc sách, hai là sắp xếp lại một cái gì đó, một khu vực nào đó trong lớp trong tầm nhìn của giáo viên. Hoặc cũng có thể là lựa chọn thứ ba, các em có thể thử tìm một cách làm khác để giải quyết bài làm vừa rồi của mình. Cách nào và lựa chọn nào cũng giúp các em làm việc đó với một mục đích nhất định. Nếu chọn đọc sách, các em sẽ tự mình nâng cao kiến thức, kỹ năng nào đó, hay đó cũng chính là việc giúp các em ngày càng yêu thích việc đọc sách hơn. Đọc chính là học. Chọn lựa thứ hai là sắp xếp một cái gì đó hay khu vực nào đó, với chọn lựa này, các em cũng có thể học cách thu xếp gọn gàng hay sắp xếp cách có tổ chức những vật dụng cá nhân của mình hay của lớp. Với lựa chọn thứ ba, các em sẽ được tự sáng tạo, tự thử thách bản thân mình với kiến thức vừa học được và nhiều lúc đem lại cho bản thân một sự hứng thú mới, mục tiêu mới trong những bước tiếp theo.

Sử dụng thời gian rảnh rỗi để thư giãn, tĩnh lặng, suy nghĩ và sáng tạo hay tự tạo khoảng không gian cho riêng mình để làm điều mình yêu thích là điều luôn được khuyến khích thực hiện trong các lớp học ở Úc. Nhất là sau giờ ra chơi buổi trưa, các em vào lớp và thường có khoảng 5-10 phút để nghe nhạc hoà tấu êm dịu, hay để các em tự chọn một góc nào đó để nhắm mắt lại thư giãn, để nằm duỗi ra và đọc sách, để tô màu, để vẽ vời hay viết lách một chút gì đó. Khi đã hình thành được thói quen sử dụng quãng thời gian này, các em thường rất thích nó, không ai muốn bị quấy rầy và thường thì các em sử dụng nó một cách rất hiệu quả. Làm việc với các em những năm qua, tôi thấy từ lớp nhỏ nếu các em đã làm được những điều nho nhỏ ấy, khi lên tới cấp 3, các em cũng có rất nhiều sáng kiến trong việc tạo ra những khoảng không và thời gian cho riêng mình. Các em biết tổ chức quỹ thời gian của mình cách hợp lý hơn và các em cũng có nhiều sáng tạo hơn khi biết dùng thời gian và phương tiện trong tay để đi xa hơn trong việc tìm kiếm thông tin và học hỏi kỹ năng, kiến thức trong lãnh vực mà mình yêu thích.

Những trang web, những tài liệu, và trò chơi trí tuệ được chia sẻ rất nhiều để giúp phụ huynh, con trẻ cũng học, cùng chơi, cùng khám phá và cùng gần gũi hơn trong mối liên hệ của mình. Những tài liệu cũng thật nhiều trên mạng để giúp giáo viên, giúp mọi người ở mọi lãnh vực nghề nghiệp để trau dồi cho mình thêm kiến thức, kỹ năng và làm giàu có hơn tâm hồn của mình bằng những cảm xúc và suy nghĩ tích cực, sáng tạo hơn, sâu sắc hơn trong nghề nghiệp của mình. Thế nhưng dường như chúng ta vẫn loay hoay và lúng túng rất nhiều trong việc xác định mục tiêu, lý tưởng cho bản thân, tìm kiếm phương pháp cho mình, và không thể tự mình thiết lập những thời gian biểu một cách khoa hợp, hợp lý. Điều đó có lẽ cũng chính là việc thiếu hụt rất nhiều trong việc rèn luyện ý chí và tính kiên nhẫn của ta. Cái gì cũng chỉ mong theo đúng một phương pháp,một cách thức là “ăn xổi ở thì”, là “mì ăn liền” thì khó có thể đủ sức, đủ năng lượng để đi xa và bền bỉ được. Giáo trình, giáo khoa dù có hay tới đâu mà không giúp được người học trang bị những phương pháp học và tự đào tạo, không giúp được người học xây dựng mục đích cho bản thân mình, và cũng không giúp người học biết ứng dụng cách hợp lý trong thực tiễn, thì giáo trình, bài giảng đó cũng chỉ có thể dừng lại ngay tại cửa lớp học mà thôi.

Cần lắm một sự biến đổi thực sự trong nếp sống, trong hệ thống giáo dục của chúng ta. Vâng, biến đổi chứ không phải thay đổi. (Transformation is change, but not every change is transformation).

Nhìn vào tình hình dịch bệnh đang diễn ra ngày càng phức tạp, lại thấy đau đáu trong lòng những vấn nạn giáo dục nơi quê hương.

(11/3/2020)