Sau Thế Chiến II, nhiều người mới nhận ra rằng tất cả mọi con người, và mọi quốc gia, đều tương thuộc nhau. Xung đột của một nơi lạ hoắc hoặc xa lắc vẫn có thể tác động lên các vấn đề con người (human affairs) ở bình diện vùng và toàn cầu.
Hoa Kỳ, vì thế, đã cùng các đồng minh nỗ lực thiết lập Liên Hiệp Quốc và các định chế quốc tế khác để đối phó với an ninh, tài chánh, kinh tế, thương mại cũng như các Tổ chức Y tế Thế giới (World Health Organization) v.v… để giải quyết các vấn đề này trên bình diện vùng và toàn cầu.
Trước khi Tuyên ngôn Quốc tế Nhân quyền ra đời khoảng 7 tháng, Tổ chức Y tế Thế giới WHO đã bắt đầu hoạt động kể từ ngày 7 tháng Tư năm 1948 với một cam kết chung là “để đạt được sức khỏe tốt hơn cho mọi người, ở mọi nơi.”
Nhưng từ đó đến nay, vai trò và trách nhiệm của WHO chưa bao giờ bị thử thách nặng nề như vào lúc đại dịch Covid-19 này.
Hiện nay, đã có gần 2 triệu người nhiễm bệnh trên toàn cầu với gần 130 ngàn người chết. Trong số này, Mỹ bị nặng nhất, nhiều hơn tất cả các nước khác, kể cả Ý, Tân Ban Nha, và Trung Quốc, về số ca nhiễm và số ca chết.
Với tình hình đại dịch như thế, chính phủ Hoa Kỳ - nước giàu nhất thế giới - đã thông qua 2 ngàn tỷ đô la (2 trillion) gói kích thích kinh tế - lớn chưa từng thấy - để cố gắng duy trì các hoạt động kinh tế căn bản trong quốc gia, và hỗ trợ cho các doanh nghiệp lớn nhỏ, các tổ chức và cá nhân để duy trì và cầm cự trong thời gian ngắn tới hầu có sau đó thể vực dậy được [1].
Tuy có được gói kích thích kinh tế như thế, tình trạng quan ngại của đại dịch Covid-19 hiện nay không phải vì thế mà giảm đi. Sau đây là một số yếu tố chính: một, không đóng cửa biên giới sớm hơn, một phần vì Hoa Kỳ là nước mà quyền tự do cá nhân và chủ nghĩa cá nhân là trên hết; hai, không có đủ dụng cụ để thử nghiệm, điều mà mọi quốc gia đều gặp phải trong giữa đại nạn này; ba, gói kích thích này có phải là giải pháp hiệu quả và lâu dài cho Hoa Kỳ không vẫn còn là một câu hỏi lớn [2].
Những nguyên do nêu trên, cùng với hệ thống y tế bất toàn, nên các chuyên gia hàng đầu tại Mỹ ước đoán số người bị nhiễm có thể lên cả triệu và số người bị chết từ 100 đến 240 ngàn người [3]. Bác sĩ Anthony Fauci cũng thừa nhận rằng đóng cửa biên giới sớm hơn và nếu có sự chuẩn bị sớm hơn thì đã có thể cứu sống nhiều mạng người.
Một số lãnh đạo chính trị đổ lỗi cho Trung Quốc và WHO gây tác hại nặng nề do sự quản lý Covid-19. Điều này có chính đáng không?
Trước hết, rõ ràng là Trung Quốc đã ém nhệm, dấu giếm, không công bố với người dân của mình và với bên ngoài nạn dịch này, mặc dầu các chính quyền địa phương đều biết đến dịch bệnh này vào tháng 11 năm 2019 tại thành phố Vũ Hán truyền từ người sang người [4]. Các báo cáo từ giữa tháng Giêng bởi một số cơ quan truyền thông như tờ The Guardian vào ngày 21 tháng Giêng năm 2020 đã cho thấy được mức độ quan ngại truyền bệnh từ người sang người của coronavirus này, trong khi WHO vẫn chưa thừa nhận hoàn toàn. Sau đó, khi mức độ lan truyền đã gia tăng đáng kể trong Trung Quốc và lan ra ngoài nước, WHO vẫn một mực không công nhận covid-19 là đại dịch. Vì sao?
Một phần, vì một định nghĩ thế nào là một đại dịch (pandemic) là điều vẫn chưa rõ ràng và đang còn nhiều tranh cãi [5]. Có người cho rằng để gọi là một đại dịch thì cần có ba yếu tố: một, nó lan truyền từ người này sang người khác; hai, nó giết hại; và ba, nó lan rộng toàn cầu [6]. Mãi cho đến ngày 11 tháng Ba, Dr. Tedros Adhanom Ghebreyesus, Tổng Giám đốc của WHO, mới công bố tình trạng này là đại dịch. Lúc đó đã có 118.000 ca nhiễm trên 110 quốc gia [7]. Trước đó, ngay từ đầu tháng Hai, ông Ghebreyesus đã phản đối các quốc gia, từ Mỹ đến Úc đến Singapore, đã đóng cửa biên giới và cho rằng họ đã có phản ứng quá thái khi tình hình chưa đến nỗi quan ngại như sự đánh giá của WHO.
Trong khi đó, WHO vẫn nhìn nhận rằng sự lây lan của Covid-19 hiện nay là đáng quan ngại, nên tuyên bố “nạn dịch là một trường hợp khẩn cấp về sức khỏe cộng đồng thế giới” trong Bản Báo cáo Tình huống số 11 ngày 31 tháng Giêng. Thế nhưng WHO vẫn tin rằng Covid-19 có thể được ngăn chặn nếu áp dụng các biện pháp phát hiện, cách ly, chữa trị, tìm ra nguồn mối và đề cao cách ly xã hội [8].
Vì WHO không có quyền hạn gì lên chủ quyền của các quốc gia khác, nên các quốc gia như Mỹ, và Úc, cùng nhiều nước khác đã gạt qua đề nghị này và liền lập tức cấm các chuyến bay từ lục địa Trung Quốc kể từ ngày 1 tháng Hai [9]. Khi nghe tin này, WHO liền phản đối mạnh mẽ và tuyên bố: “Hạn chế đi lại có thể gây hại nhiều hơn lợi vì cản trở chia sẻ thông tin, chuỗi cung ứng y tế và gây hại cho nền kinh tế” [10]. Trung Quốc, qua các viên chức ngoại giao của họ, cũng lên án các quốc gia không theo đề nghị của WHO: “Đúng như WHO khuyến nghị chống lại các hạn chế đi lại, Mỹ đã chạy theo xu hướng ngược lại”. Ông Ghebreyesus lại quả quyết rằng 151 trường hợp mắc bệnh và một trường hợp tử vong được xác nhận tại 23 quốc gia ngoài Trung Quốc là số lượng nhỏ và các trường hợp này có thể được quản lý mà không cần các nước sử dụng các biện pháp cực đoan [11].
Trong những tuần sau đó cho đến ngày 11 tháng Ba, khi tình hình ngày càng trầm trọng, WHO mới chính thức tuyên bố Covid-19 là đại dịch. Cũng vì nghe lời khuyên của WHO trước đó nên nhiều quốc gia không sử dụng các biện pháp cứng rắn mạnh mẽ, trong đó không đóng cửa biên giới. Và kết cuộc, như chúng ta thấy, là một nạn đại dịch toàn cầu có nguy cơ tàn phá và thay đổi khủng khiếp nhất đời sống con người trong thời gian tới.
Nếu WHO là một tổ chức y tế toàn cầu với nhiệm vụ vô cùng trọng yếu như trên nhưng vì bị áp lực của Trung Quốc, hay vì không làm đúng chức năng của mình, thì những người trách nhiệm của WHO phải chịu trách nhiệm các tác động sâu sắc của Covid-19 lên mọi mặt sống trên toàn cầu hiện nay. Cho dù thật sự WHO không chịu áp lực từ Trung Quốc, WHO phải nhìn ra được xu hướng dịch bệnh gia tăng một cách quan ngại trong thời gian đó và cần đưa ra các đề nghị thích hợp, tùy theo tình hình và khả năng của quốc gia, để họ lấy quyết định đóng cửa biên giới và để bảo vệ và ngăn chặn tình trạng lây lan, thay vì lên án hành động đó là cực đoan hay không cần thiết.
Giả sử nhiều quốc gia khác, như Úc chẳng hạn, cũng nghe theo thời WHO, thì hình hình đã tồi tệ hơn rất nhiều lần.
Điều này cho thấy WHO đã thất bại hoàn toàn trong việc thao dõi, nghiên cứu, điều hướng và lãnh đạo thế giới đối phó với đại dịch Covid-19 này.
Nó cũng cho thấy rằng việc rà xét lại cung cách làm việc, tiến trình lấy quyết định, và đâu là những nguyên nhân làm cho WHO không đi đến những quyết định sớm hơn và quyết đoán hơn, qua vụ Covid-19, sẽ giúp cho tổ chức này hoạt động hiệu quả hơn trong thời gian tới, và sa thải những cá nhân nào đã tất trách trong công việc của mình trong thời gian qua.
Tài liệu tham khảo:
1. Jordan Fabian and Justin Sink, “Trump Signs $2 Trillion Virus Bill, Largest Ever U.S. Stimulus”, Bloomberg; 28 March 2020.
2. Stephanie Denning, “Why The $2 Trillion Stimulus Package Is Putting Dollars In The Wrong Place”, 8 April 2020.
3. Michael D. Shear, Michael Crowley and James Glanz, “Coronavirus May Kill 100,000 to 240,000 in U.S. Despite Actions, Officials Say”, The New Yotk Times, 31 March 2020.
4. Lily Kuo, in Beijing, “China confirms human-to-human transmission of coronavirus”, 21 January 2020.
5. Manfred S. Green, “Did the hesitancy in declaring COVID-19 a pandemic reflect a need to redefine the term?”, The Lancet, 13 March 2020.
6. Debora Mackenzie, “Covid-19: Why won't the WHO officially declare a coronavirus pandemic?”, 26 February 2020.
7. Jamie Ducharme, “World Health Organization Declares COVID-19 a 'Pandemic.' Here's What That Means”, Time, 11 March 2020.
8. WHO, “Novel Coronavirus(2019-nCoV) Situation Report – 11”, 31 January 2020.
9. Australia Prime Mister and Minister for Heatlh, “Extension Of Travel Ban To Protect Australians From The Coronavirus”, Media Release, 13 Feburary 2020.
10. BBC correspondents, “Coronavirus: US and Australia close borders to Chinese arrivals”, 1 February 2020.
11. Lisa Schlein, “WHO Chief Urges Countries Not to Close Borders to Foreigners From China”, VOA, 3 February 2020.