Tình hình Covid-19 tại Việt Nam diễn biến phức tạp trong vài ngày qua với một số ca nhiễm cộng đồng mới, khiến nhiều trường học đóng cửa và cả nước được huy động để chống dịch.
Báo chí trong nước hôm 6/5 tràn ngập những tin tức về các ca nhiễm mới xuất hiện tại nhiều thành phố, tỉnh thành trên khắp Việt Nam, ngay cả tại Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương, nơi được coi là “thành trì chống Covid-19” của Việt Nam, nay được coi như một ‘ổ dịch’.
Báo Tuổi Trẻ trích dẫn thông tin của CDC Hà Nội cho biết là cho tới chiều ngày 6/5, có ít nhất 52 bệnh nhân Covid-19 ở 15 tỉnh thành lây lan từ Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương cơ sở 2 ở huyện Đông Anh. Bệnh viện này đã phải cách ly từ chiều ngày 5/5 cho tới ngày 19/5. Con số các ca lây nhiễm thay đổi từng giờ.
Trước đó, trang mạng VTC dẫn lời CDC Hà Nội cho biết trong số 42 ca dương tính với Sars CoV2 – tính cho tới lúc bài báo được đăng trong ngày 6/5, có 22 ca được công bố là ca mắc Covid-19, và số còn lại do địa phương làm xét nghiệm.
Nhưng bản tin tối của Bộ Y tế Việt Nam cho biết tính từ 6h đến 18h ngày 6/5 lại có thêm 56 ca mắc COVID-19 cộng đồng trên toàn quốc. Sở Y tế Hà Nội cho biết có hơn 2.600 người có liên quan tới Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương và vì vậy nguy cơ lây nhiễm ra cộng đồng rất cao và trong những ngày tới số ca bệnh tại Hà Nội có thể tăng.
Theo thông tin từ Bộ Y tế Việt Nam, 56 ca nhiễm ghi nhận trong nước gồm Vĩnh Phúc (11 ca), Thái Bình (5), Bắc Ninh (12), Hà Nội (4), Hải Dương (1), Hưng Yên (2), Quảng Ngãi (1), Bệnh viện Bệnh nhiệt đới trung ương (16), Đà Nẵng (3), Lạng Sơn (1).
Một trường hợp được truyền thông đề cập tới nhiều là ca một bác sĩ của Bệnh viện Quân y 105 ở Sơn Tây, Hà Nội, mắc Covid-19, đã đi nhiều tỉnh và tiếp xúc với nhiều người.
Một bác sĩ làm việc tại Bệnh viện Việt-Đức đã xét nghiệm dương tính với Covid-19 sau khi chữa trị cho một bệnh nhân, cô M.T.M.H., được chuyển sang từ Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương ngày 4/5. Tờ Tuổi Trẻ dẫn lời Giám đốc Bệnh viện Việt-Đức Trần Bình Giang cho biết hoạt động của Bệnh viện Việt-Đức đã trở lại bình thường sau khi tất cả những người có tiếp xúc đều có kết quả âm tính.
Một trường hợp đang được quan tâm xảy ra ở Đà nẵng có liên quan tới một nhân viên ở vũ trường New Phương Đông, xét nghiệm dương tính với Covid-19, mà theo báo chí cho biết, cũng đã đi nhiều nơi và tiếp xúc với nhiều người.
Nhìn tổng quát thì từ Hà Nội, Đà Nẵng, cho tới TPHCM, rất nhiều thành phố và tình thành đã có các biện pháp khẩn cấp phong tỏa nhiều khu vực để dập dịch, các trường học tạm thời đóng cửa hoặc chuyển sang học trực tuyến để kiềm hãm đợt bùng phát mới nhất.
Từ chiều ngày 5/5, Bộ Y tế Việt Nam đã quyết định kéo dài thời gian cách ly thêm một tuần, tức 21 ngày, áp dụng cho bất cứ ai nhập cảnh Việt Nam, và những người tiếp xúc gần với các ca dương tính trong nước.
Con số những người tiếp xúc cần theo dõi có phần chắc sẽ tăng trong bối cảnh ngay sau tuần nghỉ lễ 30/4–1/5, khi đông đảo người dân trong nước di chuyển tới nhiều địa phương trước khi trở về thành phố. Tại Hà Nội, tất cả những người trở về đều phải khai báo y tế để giới hữu trách theo dõi. Tuy nhiên, không như ở Thái Bình, thành phố Hà Nội không bị phong tỏa. Báo Thanh niên vào chiếu tối 6/5 dẫn lời Bí thư Thành ủy Hà Nội Đinh Tiến Dũng phản bác các tin đồn, khẳng định rằng ‘không có chuyện phong tỏa thủ đô’ của Việt Nam.
Việt Nam đã huy động cả quân đội tham gia công tác dập dịch, báo chí đăng ảnh quân đội sử dụng thiết bị phun xịt khử trùng ở các bệnh viện, và ở những nơi khác công tác khử trùng cũng được tiến hành tại các hàng quán, cơ sở liên quan và cả chung cư nơi cư ngụ của các bệnh nhân.
Việt Nam hôm thứ Tư quyết định kéo dài thời gian phong tỏa lên tới 3 tuần đối với bất cứ ai nhập cảnh Việt Nam, sau một vụ bộc phát Covid-19 mới.
Trong phần lớn năm 2020 cho tới giờ, giữa lúc Covid-19 lây lan và hoành hành tại nhiều nơi trên thế giới, Việt Nam vẫn trụ vững như một trong các nước “dập dịch” thành công nhất. Nhờ thành tích này mà Việt Nam là nước duy nhất ở Đông Nam Á có đà tăng trưởng kinh tế dương trong năm 2020, năm đại dịch hoành hành trên toàn cầu, tác động tới các nền kinh tế trên khắp thế giới.
Một bài báo đăng trên The Diplomat ngày 4/5 cảnh giác rằng kế hoạch của nhà nước Việt Nam, tuần tự cởi trói kinh tế, đẩy mạnh du lịch trở lại, có thể bị đe dọa bởi loạt lây nhiễm cộng đồng mới, tuy đang trong vòng kiểm soát nhưng khá đáng lo ngại.
Tác giả Sebastian Strangio, chủ biên Đông Nam Á của The Diplomat nói rằng Việt Nam đã tạm ngưng kế hoạch mở lại các hoạt động du lịch cho khách quốc tế từ tháng Bảy tới tháng 9, và lệnh cấm cửa du khách nước ngoài ban hành vào tháng Ba năm 2020, chỉ miễn trừ một số thành phần đặc biệt như các chuyên gia chẳng hạn, có lẽ sẽ kéo dài thêm một thời gian nữa.