COVID-19 và những trăn trở về tư chất

Một phòng cách ly của Trung đoàn 59 thuộc Sư đoàn bộ binh 301, đóng trên địa bàn huyện Chương Mỹ, Hà Nội. Photo Tuổi Trẻ Online. Hình minh họa.

Tuần này, những thông tin, sự kiện liên quan đến đợt dịch COVID-19 lần thứ tư tại Việt Nam tiếp tục là chủ đề chính cả trên hệ thống truyền thông chính thức ở Việt Nam lẫn mạng xã hội Việt ngữ.

Người Việt không chỉ chia sẻ thông tin, suy tư về phương thức, hiệu quả phòng – chống dịch của hệ thống chính trị, hệ thống công quyền mà còn bày tỏ suy tư, thậm chí tranh luận về cách thức ứng xử với nhau trong bối cảnh số ca lây nhiễm càng ngày càng nhiều, mức độ gò bó trong sinh hoạt của cả cá nhân lẫn xã hội càng ngày càng cao, đời sống càng lúc càng khó khăn, tương lai càng nhìn càng hoang mang vì quá nhiều yếu tố bất định, đầy rủi ro…

Thời nào cũng thế và ở đâu cũng vậy, nghịch cảnh luôn là dịp phát lộ những khác biệt trong nhận thức, hành xử của mỗi cá nhân, mỗi cộng đồng để có thể phân tích, đánh giá về hay – dở…

Trong số những thông tin đã được chia sẻ, những suy tư đã được bày tỏ trên mạng xã hội từ đầu tuần đến nay, thay vì tổng hợp – giới thiệu ý kiến của nhiều người về một hay một vài vấn đề vốn là chủ đề nóng nhất, đáng chú ý nhất của cả tuần, lần này, Thiên hạ luận chọn giới thiệu một status của Facebooker Anh Van (*) bởi ngoài những điểm chung còn có những ý riêng, đáng ngẫm nghĩ và hy vọng độc giả sẽ góp thêm suy tư của chính quí vị về những trăn trở của Facebooker Anh Van…

***

Thép Krupp

20 tháng 12 năm 1943.

Trung uý Charlie Brown, 21 tuổi, phi công lái oanh tạc cơ B17, bay phi vụ đầu tiên với không đoàn để dội bom xưởng chế tạo chiến đấu cơ Focke-Wulf FW190 của quân đội Quốc Xã ở thành phố Bremen, Đức Quốc. Sau khi bỏ bom, phi cơ trúng đạn phòng không. Trong bốn máy thì ba liệt, chỉ còn một hoạt động. Bay chậm nên trên đường trở về không theo kịp không đoàn. Đơn độc, phi cơ của Brown lại bị 15 chiến đấu cơ Quốc Xã bâu lại cấu xé trên trời. Khi phi cơ của Brown chúi mũi đâm thẳng xuống đất, đoàn chiến đấu cơ Quốc Xã bỏ đi vì nghĩ rằng nó sẽ rớt…

Charlie Brown bị thương và ngất đi, tỉnh lại chỉ kịp nâng mũi tàu lên khi phi cơ cách mặt đất một ngàn bộ (khoảng hơn 300 mét). Brown ráng bay ra biển về phía bờ Anh Quốc.

Dưới đất, trung úy Franz Stigler, 26 tuổi, phi công Không quân Quốc Xã đang chờ chiến đấu cơ BF109 bơm đầy xăng và nạp đạn thì nghe tiếng ầm ĩ khi phi cơ của Brown là là bay qua đầu. Sigler vứt thuốc lá, leo lên chiếc Messerschmitt cho cất cánh với ý định kết liễu oanh tạc cơ của địch… Khi đến gần đuôi phi cơ của Brown, Stigler ngạc nhiên vì không thấy ánh sáng lập lòe (dấu lửa khi xạ thủ chiếc B17 khai hoả đại liên). Đến gần hơn, Stigler thấy xạ thủ đã chết, máu đã đông trên nòng súng... Vòng ra phía trước, Stigler thấy thân phi cơ nát bươm vì đạn, vòm kính ở mũi B17 vỡ nát. Gió luồn từ trước đến sau, với thời tiết và tốc độ đó, nhiệt độ trong khoang tàu phải lạnh cỡ âm 60 độ, trừ phi công, phi hành đoàn không còn khả năng kháng cự. Stigler tự hỏi làm sao chiếc oanh tạc cơ này chưa rớt?

Khi Stigler nhìn vào khoang lái chiếc B17 thì cũng là lúc Brown nhìn qua. Brown biết, nếu Stigler vòng ra sau lưng và bắn thì… hết nhưng Stigler không bắn mà lấy tay chỉ lia lịa xuống đất, ra dấu hãy hạ cánh, không phải để bắt phi hành đoàn làm tù binh mà chỉ để giúp họ sống… Brown không biết thiện ý đó nên lắc đầu. Stigler cố gắng lập lại ý mình, la hét trong khoang lái, chỉ tay về phía Bắc - hướng Thuỵ Điển, một quốc gia trung lập song Brown bất ngờ cho phi cơ ngoặt sang trái hướng về Anh Quốc...

Stigler là ngôi sao sáng của Không quân Quốc Xã, từng bắn hạ hơn hai mươi phi cơ của phe Đồng minh, nhiều lần bị thương, nếu hạ thêm chiếc B17 của Brown, Stigler sẽ được tưởng thưởng Huy chương Thập tự sắt nhưng sau này, Stigler kể là lúc đó, anh chợt nhớ tới điều Gustav Roedel, Không đoàn trưởng của mình từng đặt ra trước khi Stigler thực hiện phi vụ đầu tiên ở Bắc Phi.

Hồi ấy, Roedel từng nhấn mạnh: Hãy nhớ cảnh báo này. Tại đây, danh dự phải được đặt trên tất cả mọi chuyện. Mỗi lần đụng địch trên không chúng sẽ đông hơn ta nhiều lần. Roedel hỏi Stigler: Cậu sẽ làm gì nếu thấy một phi công địch nhảy dù? Stigler trả lời: Tôi chưa bao giờ nghĩ xa như vậy. Roedel nói tiếp: Nếu chẳng may tôi thấy hoặc nghe nói cậu bắn một phi công địch đang lơ lửng trong dù, chính tôi sẽ bắn hạ cậu. Cậu chiến đấu trong danh dự và giữ tinh thần mã thượng là giữ cho chính cậu chứ không phải vì kẻ thù của cậu. Cậu phải sống theo quy luật đó để bảo toàn nhân tính của cậu…

Đó là lý do khi nhìn thấy phi hành đoàn của chiếc B17 không ai nhảy dù, Stigler đi đến một quyết định táo bạo: Chiếc B17 sắp đến bờ biển phía Bắc của Đức Quốc - nơi lưới cao xạ phòng không rất dày. Stigler đã bay sát oanh tạc cơ của Brown để dưới đất không dám khai hỏa vì sợ bắn trúng chiến đấu cơ của Đức… Stigler tiếp tục bay như thế cho đến khi oanh tạc cơ của Brown bay ra đến biển…

Brown không biết tại sao Stigler cứ lởn vởn quanh mình nên ra lệnh cho xạ thủ còn lại bắn vào Stigler. May mắn là trước khi xạ thủ siết cò thì Brown thấy Stigler bay lên ngang tầm, đưa tay chào anh rồi rẽ trái để quay trở về bờ biển Đức. Đến lúc đó Brown mới hiểu… 40 năm sau chiến tranh, Brown tìm được Stigler. Họ kết nghĩa anh em và liên lạc với nhau cho đến cuối đời.

Sau khi kể lại câu chuyện giữa Brown và Stigler, Anh Van viết thêm như thế này: Stigler không có hành động anh hùng nào cả và cũng không tự nhận là anh hùng vì trong chiến tranh anh hùng làm việc khác người để có lợi cho phe mình, hoặc ít nhất gây hại cho đối phương. Không những không làm điều có lợi cho nước Đức mà Stigler còn làm ngược lại. Stigler cũng không nhận là đã can đảm bởi can đảm trong chiến tranh mang nghĩa tương tự như anh hùng. Nếu hành động của Stigler bị lộ, anh ta sẽ phải ra Tòa án Quân sự vì phản quốc và sau đó ra pháp trường - kỷ luật của quân đội Quốc Xã không phải chuyện đùa. Stigler chưa từng kể không chỉ tha mà còn giúp phi công địch.

Có lẽ cũng không phải vì nhớ đến những gì thượng cấp từng nhắc mà Stigler quyết định làm như vậy. Có lẽ khi nhìn thấy chiếc B17 và những người dở sống, dở chết, Stigler quyết định như đã biết là những điều phát xuất từ sâu bên trong của anh và sau đó anh mới liên liên tưởng đến Roedel.

Stigler lọc lựa hành động theo bậc thang giá trị của chính anh. Một người chỉ có thể suy nghĩ, lựa chọn và đưa ra quyết định cho hành động của mình trong một môi trường xã hội công nhận và nuôi dưỡng khái niệm “cá nhân” cũng như sự độc nhất của cá nhân đó. Xã hội Quốc Xã khắc nghiệt về ý thức hệ nhưng tuyên bố của Roedel và hành vi của Stigler cho thấy xã hội đó vẫn còn chỗ cho sự hiện hữu của cá nhân độc lập. Có thể vì lý do lịch sử (Đức phát triển cao độ về minh triết) hay phong thổ (Đức được bao quanh bởi những quốc gia có văn hoá phát triển nhất trong vòng 400 năm gần đây), hay cả hai. Đây là điều kiện tiên quyết cho sự phát triển và duy trì của con người.

Ở khía cạnh khác, tâm tư của Stigler có kích thước hướng thượng ngay cả trong hoàn cảnh dã man và tàn bạo nhất là chiến tranh. Anh vẫn không quên con người là cứu cánh cho mọi việc. Việc Stigler nhớ ra nhân tính của mình đưa đến việc nhận ra nhân tính của kẻ thù ngã ngựa và sự đồng cảm đó thúc đẩy anh đưa ra bàn tay để cứu vớt và chung tay bảo toàn đời sống, hợp tác và xây dựng dù không cố ý. Sau chiến tranh, hành vi của Stigler được nhớ đến sau là một nhắc nhở cho cả nhân loại chứ không phải chỉ giữa hai cá thể đơn lẻ.

Trong chiến tranh Việt Nam, tôi đã từng nghe từ người lính miền Nam vài ứng xử tương tự như vậy với bại binh. Phía bên kia tôi không biết nhưng đoán là phải có những tâm tư tương đương ở cán binh Bắc Việt dù từ nghĩ đến làm sẽ khó khăn hơn người lính miền Nam do ý thức hệ và sự căm thù không đội trời chung mà bề trên nhồi nhét.

Đấy lẽ ra là một tâm trạng phải hiện hữu nơi con người trong cả thời chiến lẫn thời bình vì nhân tính phải xuyên suốt kiếp người. Lẽ ra nó phải thịnh hành hơn ở thời bình vì không như trong chiến tranh, trong hòa bình người ta có giờ để chiêm nghiệm về mình và cuộc sống nhiều hơn. Nhưng từ khi chiến tranh Việt Nam chấm dứt, tôi thấy tâm tư đồng cảm, vị tha, có nguồn gốc nhân tính đó ngày càng khan hiếm. Cho đến nay thì nó có vẻ khô kiệt.

Ở quốc gia nọ, trong tình cảnh bi đát do dịch bùng phát ảnh hưởng liên đới đến mọi người, trong đó không ai có thể tự bảo vệ được mình mà không cần sự hợp tác và chung cùng của tha nhân xung quanh như hiện nay, tôi chỉ nhìn thấy khắp nơi sự chia cách, sân hận, vung tay đổ lỗi, và thù oán với người chẳng may vướng bệnh, dù do rủi ro hay vô ý. Thậm chí người ta còn tỏ ý muốn sát hại những con bệnh mang mầm lây lan này. Người ta không có nổi sự thông cảm tối thiểu, một giá trị tinh thần như người sĩ quan thuộc một thể chế cả thế giới nguyền rủa là tàn bạo bất nhân, để từ đó có những biện pháp tốt cho mọi người hơn. Dù hoàn cảnh dịch bệnh chỉ rõ là mình phải vì cộng đồng bởi số phần mình không thể tách rời khỏi cộng đồng trong tai hoạ. Sự sinh tồn của cộng đồng gắn liền sự sinh tồn của mình.

Nhiều người đến nay vẫn tìm mọi cách chứng minh dịch phát xuất từ Trung Hoa để hài tội hay đổ lỗi. Tôi tự hỏi nếu quả thật xác định được nguồn gốc (điều tôi không tin có thể làm được ít nhất vì lý do quốc phòng) thì nó có làm cho COVID sợ, biết lỗi mà ngưng hoành hành chăng? Nếu cuối cùng nước Tàu có chịu trách nhiệm và bồi thường thì những đổ vỡ có hàn gắn, người chết có hồi sinh được bằng… nhân dân tệ không?

Một nét văn hoá rẻ rúng tính mã thượng, bao dung, trọng danh dự như là điều ngu xuẩn, đặt quyền lợi riêng tư trên hết, sống chết mặc người, luôn phải đố kỵ, phải có thù địch, phản động, bọn xấu để nuôi dưỡng lòng căm thù bất cứ một thứ gì, thật hay tưởng tượng, như một thứ nhu yếu phẩm tâm lý bất thường, phải đối đầu mọi thứ, phải lừa lọc bởi lừa lọc được chứng tỏ mình giỏi, hoá ra có thể thiếu cả khôn lẫn ngoan. Tất cả chỉ vì sự sợ hãi không nguồn gốc bị áp đặt quá lâu, đã in sâu vào tâm thức mọi người.

Tại sao cả một lượng bao người chỉ có thể nhìn đến chừng đó, lại có thể vừa soi gương vừa vỗ ngực tự hào? Những thằng bờm đã tự nguyện bịt mõm bao nhiêu phần trăm nhân tính để đổi lấy nắm xôi hẩm của phú ông giả hiệu trong trăm năm nay? Nó có giải thích được phần nào tại sao quốc gia nọ cũng ý thức hệ sắt máu bây giờ lại như thế kia, trong khi quốc gia kia cũng bắt chước sắt máu bây giờ lại ra thế này hay không? Nga Xô chết hàng 20 triệu người, thắng Quốc Xã để thai nghén những xã hội đen tối sợ sệt như vậy, vẻ vang gì?

Nhìn vào nội hàm nghĩa cử của Stigler, người ta không thể bảo anh ấy sinh bất phùng thời - dưới một chế độ độc tài, nên tài năng đức độ bị đè nén. Nó không tuỳ thuộc vào chế độ mà vào con người, nên dân tộc nọ khó mà đổ thừa vô tội vạ là tại hệ thống lỗi, chứ không phải do con người tự hủ hoá.

Chú thích

(*) https://www.facebook.com/permalink.php?story_fbid=1117862192024933&id=100014034889423