Mở đầu buổi giải trình, ông Vali Nasr, Cố vấn của ông Richard Holbrooke, Đại sứ tại Pakistan và Afghanistan, cho biết về chuyến đi dự hội nghị Kabul của bà Clinton:
“Chuyến đi một ngày do chính phủ Afghanistan tổ chức nhằm quy tụ sự chú ý của quốc tế đối với vấn đề an ninh và quản lý công quyền của chính phủ Afghanistan. Hội nghị diễn ra tốt đẹp và bà Ngoại trưởng cũng nhân dịp này có những cuộc gặp gỡ song phương với Ngoại trưởng của Ấn Độ và Anh.”
Bà Mary Beth Goodman, một cố vấn khác của Đại sứ Holbrooke cho biết về chuyến đi tại Pakistan:
“Đây là cuộc họp cấp cao và là kết quả của một công trình làm việc đến từ 13 nhóm công tác khác nhau; bao gồm các lĩnh vực nông nghiệp, quốc phòng, năng lượng, y tế, khoa học công nghệ, phụ nữ, nước uống. Ngoài ra, Ngoại trưởng Hoa Kỳ đã chứng kiến lễ ký kết hiệp định thương mại quan trọng giữa Afghanistan và Pakistan, một hiệp định đã được đàm phán từ mấy chục năm qua.”
Về chuyến đi tại Nam Triều Tiên, ông Derek Chollet, Phó Trưởng Ban Kế hoạch của Ngoại trưởng Hoa Kỳ cho biết Ngoại trưởng Clinton đã có những cuộc họp chiến lược tại Seoul:
“Tại đây bà đã được sự tiếp tay của Bộ trưởng Quốc phòng Robert Gates, Đô đốc Mike Mullen, Chủ tịch Ủy ban Tham mưu Liên quân, và Thứ trưởng Ngoại giao William Burns.”
Với một thành phần hùng hậu như vậy Hoa Kỳ muốn chứng tỏ coi trọng vấn đề an ninh và toàn vẹn lãnh thổ của Nam Triều Tiên như thế nào. Đặc biệt, bà là Ngoại trưởng Hoa Kỳ đầu tiên đến tận vùng phi quân sự giữa hai miền Nam Bắc để cho thấy quyết tâm của Hoa Kỳ muốn có quan hệ mạnh mẽ với Nam Triều Tiên, nhất là sau sự kiện của tàu Cheonan bị chìm. Một sự kiện đặc biệt khác là bà Clinton loan báo thêm các biện pháp trừng phạt mới với Bắc Triều Tiên và trong những ngày tới đây, một giới chức của Hoa Kỳ sẽ đến Nam Triều Tiên để bàn thêm với các giới chức Nam Triều Tiên về vấn đề này.
Trả lời câu hỏi liệu các biện pháp trừng phạt thêm đối với Bắc Triều Tiên mà bà Clinton loan báo có phải là Hoa Kỳ bây giờ coi nhẹ cuộc đàm phán 6 bên và sẽ có hành động đơn phương với Bắc Triều Tiên hay không, ông Chollet cho biết:
“Chúng ta cần đặt lời loan báo này trong bối cảnh một chiến lược rộng lớn hơn. Về cơ bản có ba phần. Thứ nhất, Hoa Kỳ muốn tiếp tục giao tiếp với các đồng minh để giải quyết vấn đề hạt nhân của Bắc Triều Tiên; thứ hai, quan hệ giữa Hoa Kỳ và Nam Triều Tiên luôn luôn vững mạnh, Hoa Kỳ ủng hộ sư an ninh và toàn vẹn lãnh thổ của Nam Triều Tiên; và thứ ba, Hoa Kỳ sẽ dùng mọi công cụ có thể để gây áp lực lên Bắc Triều Tiên.”
Về chuyến đi Hà Nội, ông Chollet cho biết:
“Tại đây, về mặt song phương, bà kỷ niệm 15 năm bình thường hóa quan hệ với Việt Nam. Trong khi gặp Thủ tướng và Bộ trưởng Ngoại giao Việt Nam bà nhấn mạnh kể từ nay hai nước sẽ cố gắng tìm cách nâng quan hệ lên một tầm mới. Ngoài ra bà cũng nêu quan tâm của Hoa Kỳ về tự do chính trị và nhân quyền.”
Và phần kế tiếp trong chương trình của bà Clinton tại Hà Nội là hội nghị ASEAN như đã được báo chí quốc tế nói tới.
Trong hội nghị này Hoa Kỳ muốn chứng tỏ chính phủ Obama coi trọng vai trò của ASEAN tại châu Á Thái Bình Dương và mong có sự giải quyết các tranh chấp trên cơ sở đa phương. Bà loan báo Hoa Kỳ sẽ mở một phái bộ thường trực với ASEAN tại Jakarta, Tổng thống Obama sẽ tổ chức hội nghị thượng đỉnh ASEAN lần thứ nhì trong vài tháng sắp tới, riêng cá nhân bà sẽ trở lại Hà Nội vào mùa Thu để dự hội nghị thượng đỉnh Đông Á.
Về lập trường của Hoa Kỳ tại Biển Đông, ông Chollet nhắc lại bà Ngoại trưởng Clinton đã đưa ra một “chính sách được định nghĩa nhiều hơn”, cơ bản là Hoa Kỳ xem là quyền lợi quốc gia khi thấy khu vực tiếp tục có hòa bình và ổn định, tự do giao thông trên biển và tôn trọng luật pháp quốc tế. Trong tinh thần đó, Hoa Kỳ ủng hộ những giải pháp ngoại giao tập thể do các phe tranh chấp đưa ra, mà không dẫn đến va chạm.
Một câu hỏi khác được đặt ra là Trung Quốc đã tiếp tay Hoa Kỳ để giúp đỡ Afghanistan và Pakistan. Vậy thì lập trường mới của Hoa Kỳ tại Biển Đông có làm Trung Quốc bực tức đến độ gây khó khăn cho Hoa Kỳ tại Afghanistan và Pakistan hay không?
Ông Chollet trả lời là trong nhiều lần họp, các giới chức cao cấp của Hoa Kỳ như Ngoại trưởng Clinton, Đặc sứ Holbrooke vẫn trao đổi với các giới chức của Trung Quốc để làm thế nào hai bên có thể hợp tác tốt hơn trong vấn đề Afghanistan và Pakistan. Hoa Kỳ có nhiều lợi ích chung với Trung Quốc và đôi bên vẫn hợp tác để đạt các lợi ích chung đó.
Về tin tức nói rằng Trung Quốc cho là Hoa Kỳ đang làm tình hình Biển Đông thêm phức tạp, ông Chollet nói:
“Tôi cũng có đọc tin này qua báo chí nhưng tôi nghĩ rằng phản ứng đó của Trung Quốc cũng không làm Hoa Kỳ chuyển hướng với các nguyên tắc đã đề ra ở Hà Nội.”
Ông Nguyễn Ngọc Bích, một người tham dự buổi giải trình này cho biết:
“Thực sự thì không có nhiều chi tiết được tiết lộ so với những bài báo mà chúng ta đã được đọc về chuyện đó. Chỉ thấy là bây giờ có một sự chuyển hướng khá rõ ràng từ phía Hoa Kỳ qua những lời phát biểu của bà Clinton, qua hành động của Mỹ trên Hoàng Hải. Riêng buổi nói chuyện hôm nay thì không có gì mới mẻ lắm.”
Anh Phạm Văn Lẫm, một sinh viên đang thực tập tại Quốc hội Hoa Kỳ cho biết:
“Tôi nghĩ rằng đây là lần đầu tiên Hoa Kỳ đóng khung vào lập trường xem Biển Đông là lợi ích cốt lõi của mình. Đây nhất định là một sự thay đổi chính sách. Nhưng tiếc là các diễn giả đã không đi vào chi tiết về con đường kế tiếp mà Hoa Kỳ có là gì để thực hiện chính sách mới đó. Tôi thấy hơi buồn nhưng cũng vẫn quan tâm.”