Bom đạn của Israel dội xuống dọc theo chiều dài Dải Gaza, cư dân Gaza bị dồn ép về phía biên giới với Bán đảo Sinai của Ai Cập tại thị trấn Rafah. Họ cho biết thực tế không còn nơi nào để chạy trốn.
Hàng trăm ngàn người đã phải rời bỏ nhà cửa và khi cuộc oanh tạc lại đến gần hơn, nhiều người lo sợ rằng lựa chọn duy nhất để giữ họ sống sót là lưu vong đến Sinai.
Nhưng họ không muốn điều đó. Họ nói nếu điều đó xảy ra, họ có thể sẽ không bao giờ quay lại.
“Không còn nơi nào an toàn nữa. Bây giờ cuộc tấn công trên bộ của Israel có thể mở rộng tới đây”, bà Umm Osama, một phụ nữ 55 tuổi đến từ thành phố Gaza ở phía bắc, người đã tìm nơi trú ẩn ở Rafah, nói.
“Chúng tôi nên đi đâu sau Rafah?”
Bà Umm Osama và nhiều người dân Gaza phải di tản khác đã bỏ ý tưởng chạy trốn qua biên giới, nếu điều đó có thể thực hiện được.
Bà nói: “Chúng tôi từ chối việc di tản đến Sinai và chúng tôi muốn trở về nhà của mình, ngay cả khi chúng đã bị hủy diệt”.
Bà và những người Gaza khác bị ám ảnh bởi cuộc lưu đày đau thương của tổ tiên họ: nhiều cư dân Gaza là hậu duệ của người Palestine bị buộc phải rời bỏ quê hương sau khi thành lập Israel vào năm 1948.
Bà Umm Imad, 73 tuổi, cũng đang trú ẩn ở Rafah nói: “Nếu họ bắt tôi phải lựa chọn giữa việc sống dưới làn đạn pháo hay rời đi, tôi sẽ ở lại. Tôi sẽ quay trở lại ngay cả khi có xe tăng ở đó. Tôi sẽ quay trở lại Thành phố Gaza và sẽ chịu đựng bất cứ điều gì.”
Đối mặt với nhiều tuần không kích của Israel, hỏa lực của xe tăng tầm gần và súng của quân đội trên bộ mà Israel cho là nhằm săn lùng các phần tử hiếu chiến Hamas, khoảng 85% trong số 2,3 triệu người Palestine sống ở Gaza đã bị buộc phải di tản về phía nam của vùng bị bao vây.
Israel nói với người dân Gaza muốn tránh bị cuốn vào cuộc tấn công chống lại nhóm hiếu chiến Hamas rằng họ nên tiến về phía nam. Quân đội của Israel ném bom các khu vực phía nam nơi người dân đã chạy trốn.
Bắc Gaza là trọng tâm ban đầu của cuộc tấn công của Israel vào lãnh thổ do Hamas kiểm soát sau khi nhóm này giết chết 1.200 người Israel trong một cuộc tấn công tàn bạo vào ngày 7/10 và bắt 240 con tin.
Nam Rafah, có tầm quan trọng chiến lược vì nơi đây nắm giữ tuyến đường duy nhất hiện đang hoạt động vào Gaza - nơi không do Israel kiểm soát và là nơi viện trợ đang được chuyển đến - là khu vực mới nhất bị bắn phá dữ dội.
‘Không nơi nào là an toàn’
Các cuộc tấn công ở khu vực al-Shaboura của Rafah đã san bằng toàn bộ con phố vào cuối ngày thứ Năm 14/12.
Vào ngày thứ Sáu 15/12, đàn ông và các cậu bé thu nhặt trong đống đổ nát và nhìn chằm chằm vào những ngôi nhà bị hư hại và tài sản đổ nát của họ không thể lấy lại được gì.
Các cuộc tấn công để lại một đống gạch vụn và kim loại cong vẹo rải rác với chăn và túi xách, nệm và ghế sofa bị khoét lỗ, tràn ra các búi bông và polyester, xe đạp trẻ em và đồ dùng nhà bếp.
Ông Jehad al-Eid, một cư dân trong khu vực cho biết: “Không nơi nào ở Gaza là an toàn”.
Cuộc chiến giữa Israel và Hamas, một nhóm được Iran hậu thuẫn, là cuộc giao tranh đẫm máu nhất từ trước đến nay ở Gaza. Các quan chức Palestine cho biết các cuộc tấn công của Israel đã giết chết khoảng 19.000 người, hầu hết là phụ nữ và trẻ em.
Người Palestine và các quan chức ở các nước Ả Rập láng giềng đều lo lắng trước viễn cảnh người dân Gaza phải di tản hàng loạt và lâu dài.
Hiện tại khó có khả năng xảy ra một làn sóng di cư ồ ạt vào Ai Cập.
Việc xuất cảnh của cư dân Gaza diễn ra chậm chạp trong khi các cửa khẩu biên giới bị tắc nghẽn với làn xe tải viện trợ, mà Liên hiệp quốc cho rằng gần như không đủ để đối phó với một dân số thiếu vật tư y tế trong nhiều tuần và đang bắt đầu đói.
Bạo lực tiếp tục giết hại người dân ở phía Nam dải đất.
Tại bệnh viện Nasser ở Khan Younis, một người cha để tang hai đứa con trai 17 và 18 tuổi mà ông cho rằng đã thiệt mạng trong trận pháo kích của Israel ngày hôm qua. Người cha đầy nước mắt đã đi theo thi thể các con cho đến khi các con được quấn trong vải liệm và đưa đến nhà xác.
Người cha, Majdi Shurrab, nói: “Các con tôi đang đứng ngoài cửa thì một quả đạn pháo rơi trúng nhà hàng xóm. Chúng chạy đến giúp đỡ và bị quả đạn thứ hai bắn trúng”.
Ông Shurrab cho biết các thi thể bị bỏ lại trên mặt đất vì xe cấp cứu khó tiếp cận để đưa đến bệnh viện. Sự tàn phá từ các cuộc không kích đã khiến việc đi lại dọc theo các con đường trở nên khó khăn và tình trạng thiếu nhiên liệu nghiêm trọng trên khắp Gaza.
Các nhân viên cứu hộ phải chở các con trai của ông Shurrab đến bệnh viện bằng xe lừa.