Nhà lãnh đạo mới của bộ GD&ĐT Phùng Xuân Nhạ đã bị các đại biểu quốc hội chất vấn về tình trạng 300.000 sinh viên ra trường không tìm ra việc làm.
Giáo dục là vấn đề nóng trong buổi chất vấn tại quốc hội hôm 16/11 khi tân bộ trưởng bộ Giáo dục Đào tạo phải giải trình về tình trạng sinh viên ra trường bị thất nghiệp, theo báo chí trong nước.
Báo Người Lao Động dẫn lời một đại biểu ở Thanh Hóa hỏi rằng “bộ trưởng có trách nhiệm gì đối với thực trạng này và giải pháp khắc phục?”
Bộ trưởng GD&ĐT cho biết khoảng 80% sinh viên ra trường có việc làm nhưng theo giáo sư Nguyễn Lân Dũng của trường Đại học Tổng Hợp Hà Nội, công tác đào tạo của ngành giáo dục Việt Nam chưa phù hợp với nhu cầu của xã hội:
"Nếu chúng ta cứ dựa vào các vị trí nhà nước – hiện nay là 6,5 triệu người trong biên chế - thì không thể nào đáp ứng được. Cho nên phải xã hội hóa cho nên đổi mới của giáo dục sắp tới sẽ phải hướng tới nhu cầu thực tế của xã hội để đào tạo. Cho nên vừa rồi không phải là thất nghiệp mà là không làm đúng cái chuyên môn được đào tạo thì nó phí đi."
Bộ trưởng Nhạ cũng thừa nhận điều này khi phát biểu tại phiên họp Quốc Hội ở Hà Nội. Ông nói chất lượng giáo dục hiện chưa cao. Nguyên nhân chính theo ông, là do chương trình đào tạo chưa bám sát nhu cầu của thị trường lao động, dẫn đến tình trạng sinh viên khi ra trường, thiếu kỹ năng thực tế cũng như trải nghiệm, và không đạt yêu cầu về các kỹ năng khác.
Theo thống kê của bộ Giáo Dục khoảng 7% lực lượng lao động ở Việt Nam là sinh viên tốt nghiệp đại học trong khi con số trung bình ở các nước phát triển xê dịch từ 25-30%.
Giám đốc sở đào tạo và dạy nghề của bộ GD&ĐT Dương Đức Lân được Thanh Niên News trích lời nói Việt Nam có thể có nhiều cử nhân hơn so với nhu cầu của thị trường nhân dụng.
Giáo sư Lân Dũng, người đã có 60 năm giảng dạy ở trường đại học Tổng Hợp, nói việc các em học sinh không có định hướng đúng đắn khi chọn ngành học là một trong những nguyên nhân chính khác:
"Sinh viên có định hướng nhưng định hướng có đúng hay không lại là một chuyện khác. Sinh viên muốn làm nghề đó nhưng ra trường lại không có nhu cầu của nghề đó cho nên ý muốn của sinh viên không phù hợp với nhu cầu thực tế. Lâu nay sinh viên tự chọn thì họ không biết được xã hội phát triển như thế nào. Sau 4 năm sau thì ngành nghề đó mới xuất hiện chẳng hạn thì sinh viên không thể chọn được."
Theo ghi nhận của Tin Tức, trả lời một đại biểu chất vấn về việc “liệu Việt Nam có quá nhiều trường đại học hay không?” bộ trưởng Nhạ cho rằng nếu xét tỷ lệ số sinh viên trên vạn dân là không nhiều. Theo ông, hiện Việt Nam có hơn 200 sinh viên/10.000 dân so với mức trung bình 450 sinh viên/10.000 dân. Giáo sư Lân Dũng nói việc mở quá nhiều trường đại học – chất lượng giảng dạy không đồng đều – đã làm các trường đại học ở Hà Nội và các thành phố lớn khác xa với các trường đại học ở các tỉnh lẻ. Giáo sư Lân Dũng nói:
"Học sinh Việt Nam qua các kỳ thi quốc tế thì không kém nhưng vấn đề là vì mở nhiều trường đại học quá nên chất lượng không đồng đều. Nhìn nhận chung một nhận định rằng giáo dục Việt Nam kém thì tôi không đồng ý mà giáo dục Việt Nam có nhiều trường yếu kém."
Theo giáo sư Lân Dũng việc người Việt Nam thích học đại học dẫn tới việc mở các trường đại học để đáp ứng nhu cầu đó. Và đó là một nhận thức không thực tế của cha mẹ và các em học sinh. Giáo sư Lân Dũng cho biết:
"Hiện nay gia đình nào cũng muốn con vào đại học thì điều đó là không hay. Và từ cha ông ta cứ thích là phải vào học cao đẳng và đó là tâm lý không được đúng lắm. Và hơn nữa là các ngành công nghiệp của chúng ta gần đây mới phát triển còn trước đây chưa có nhiều ngành công nghiệp pháp triển nên nếu không học đại học mà về làm ruộng thì rất là chán."
Giáo sư Lân Dũng cho biết nhiều sinh viên chọn học các ngành như kế toán và giáo viên thì nhu cầu lại thấp trong khi nhu cầu cho các ngành như công nghệ thông tin lại cao.
Số liệu đánh giá của Tổ chức Năng suất Châu Á-Thái Bình Dương cho thấy 80% nhân lực của Việt Nam khi các công ty đa quốc gia đăng tuyển đánh giá chưa đạt yêu cầu.
Your browser doesn’t support HTML5