Một đảng có chủ trương dân tộc chủ nghĩa, chống di dân đã giành được ghế trong ba cuộc bầu cử khu vực của Đức, một kết quả được coi như một sự phản đối lớn đối với chính sách nhập cư rộng cửa của Thủ tướng Angela Merkel.
Đảng Lựa chọn khác cho Nước Đức (AfD) giành được đại biểu ở những bang Baden-Wuerttemberg và Rhineland-Palatinate ở vùng tây nam trù phú của Đức, và ở Saxony-Anhalt, một vùng kinh tế yếu kém ở phía đông đất nước, theo kết quả cuộc bỏ phiếu và thăm dò ngoài phòng phiếu phát sóng trên truyền hình quốc gia Đức.
Những cuộc bầu cử này là phép thử chính trị lớn đầu tiên kể từ khi Đức đăng ký gần 1,1 triệu người xin bảo hộ tị nạn vào năm ngoái.
Đảng AfD giành được 15 phần trăm số phiếu ở bang Baden-Wuerttemberg và gần 13 phần trăm ở Rhineland-Palatinate, theo kết quả chính thức. Đảng này về nhì ở Saxony-Anhalt với 24 phần trăm, theo dự đoán của đài truyền hình ARD và ZDF, với hầu hết các quận đã được kiểm phiếu.
"Chỉ có một con đường, con đường thống nhất của Merkel, và người dân muốn một lựa chọn khác, họ muốn có một sự chống đối thực sự và chúng tôi muốn đảm đương nhiệm vụ đó," Andre Poggenburg, lãnh đạo đảng AfD ở Saxony-Anhalt thuộc Đông Đức cũ, nói với hãng tin Reuters sau khi bỏ phiếu.
Nhà khoa học chính trị Jens Walther của Đại học Duesseldorf nói với hãng tin AFP của Pháp rằng, "Những cuộc bầu cử này rất quan trọng ... vì chúng sẽ đóng vai trò như là một phép thử cho chính sách gây tranh cãi của chính phủ" về người tị nạn.
Thất bại này được xem là một cú giáng mạnh vào Thủ tướng Merkel, trong khi bà đang cố gắng sử dụng địa vị của mình là nhà lãnh đạo quyền lực nhất châu Âu để đạt được một thỏa thuận giữa Liên minh châu Âu và Thổ Nhĩ Kỳ nhằm ngăn chặn dòng di dân.
Bà Merkel đang chịu áp lực ngày càng tăng đòi đóng cửa không cho di dân vào Đức - nhiều người trong số họ là người Syria, và những người khác, lánh chiến tranh - nhưng bà đã từ chối áp đặt một giới hạn về số lượng người đổ đến. Thông qua EU, bà đang thúc đẩy một hành động trên phạm vi toàn châu Âu kêu gọi phân bổ người tị nạn khắp khối bao gồm 28 nước thành viên này theo tỉ lệ.