Đinh Yên Thảo
Rất hiếm hoi mà một cuộc bầu cử tổng thống Hoa Kỳ vẫn chưa có kết quả sau đôi ngày bầu cử. Trong khi số phiếu phổ thông cho thấy cựu Phó Tổng Thống Joe Biden vượt đương kiêm tổng thống Donald Trump hơn 3.5 triệu phiếu, cả thế giới vẫn chưa biết chắc ai sẽ là tổng thống Hoa Kỳ trong bốn năm đến. Điều này liên quan đến thể thức cử tri đoàn mà nhân dịp này chúng ta có thể điểm lại đôi nét tại sao nó ra đời và tại sao nước Mỹ vẫn còn sử dụng cho đến nay.
Mỗi mùa bầu cử tổng thống Hoa Kỳ, người ta lại nhắc về thể thức bầu cử cử tri đoàn chỉ có mỗi Hoa Kỳ áp dụng, thay cho phổ thông đầu phiếu được áp dụng trên thế giới. Đã có năm lần trong lịch sử, dù ứng viên thắng phiếu phổ thông, tức có tổng số phiếu bầu cao hơn nhưng đã thất cử vì thua phiếu cử tri đoàn. Chính vì vậy vẫn luôn có cuộc tranh luận cho đến nay là, liệu thể thức hơn 200 tuổi này đã lạc hậu và cần thay đổi hay sẽ vẫn là thể thức bầu cử lâu dài của Hoa Kỳ?
Cử tri đoàn là thể thức chính thức bầu ra Tổng thống và Phó Tổng thống Hoa Kỳ do hiến pháp Hoa Kỳ quy định. Số lượng cử tri đại biểu hay còn gọi là "đại cử tri" trong cử tri đoàn sẽ tương ứng cùng con số 435 dân biểu Hạ Viện và 100 Thượng Nghị Sĩ của Quốc Hội Hoa Kỳ, cộng thêm ba đại cử tri của đặc khu Washington DC, tổng cộng là 538 người. Ứng viên nào nhận được quá bán tổng số cử tri đoàn, tức 270 phiếu sẽ thắng cử chức vụ tổng thống.
Khi cử tri đi bỏ phiếu trong một cuộc bầu cử Tổng thống, họ thực sự đang bỏ phiếu cho nhóm đại cử tri cam kết sẽ thay mặt cử tri để bỏ lá phiếu của họ cho các ứng viên có đa số phiếu bầu trong tiểu bang mình, mà hầu hết các bang đều theo công thức "được ăn cả, ngã về không", tức thắng phiếu phổ thông tại tiểu bang nào sẽ nhận hết các lá phiếu cử tri đoàn tại tiểu bang đó.
Quay lại cùng lịch sử, trong số rất nhiều vấn đề hóc búa được những nhà lập quốc tham dự Công ước Hiến pháp tại Philadelphia vào năm 1787 (Constitutional Convention) tranh luận là cách bầu chọn tổng thống. Cho đến bấy giờ thì chưa có quốc gia nào có thể thức bầu chọn tổng thống, cũng như là quốc gia non trẻ vừa thoát khỏi ách thuộc địa của Anh đi theo thể chế cộng hòa nên các nhà lập quốc phải bàn thảo, tìm ra phương cách áp dụng cho riêng mình. Các nhà lập quốc đã tranh luận trong nhiều tháng trời, với một số lập luận rằng Quốc Hội nên là cơ quan bầu chọn tổng thống và những người khác kiên quyết đòi một cuộc bầu cử đầu phiếu phổ thông dân chủ.
Giải pháp Quốc Hội bầu chọn tổng thống bị cho rằng sẽ tạo ra sự thông đồng, cấu kết giữa hai nhánh lập pháp và hành pháp, đưa ra các tệ nạn chính trị và tham nhũng mà không kiểm soát nhau theo thể chế tam quyền phân lập. Còn theo thể thức phổ thông đầu phiếu thì lúc bấy giờ người dân ở rải rác, các vùng nông thôn xa xôi hẻo lánh không có phương tiện để biết đến các ứng viên tổng thống, hoặc sự lo ngại có thế lực khống chế người dân bỏ phiếu cho kẻ độc tài hay một ứng viên mang chủ nghĩa dân túy có khả năng quyến dụ người dân nhưng thực chất là kẻ nguy hiểm cho quốc gia. Kết quả và thỏa thuận cuối cùng sau các tranh luận là thể thức "Cử Tri Đoàn" ra đời và được sử dụng cho đến nay.
Cử tri đoàn là thế nào?
Trong số các cuộc tranh luận kéo dài đó, đã có một thỏa hiệp dựa trên ý tưởng của giải pháp "trung gian" qua việc bầu cử trung gian. Những đại biểu trung gian sẽ không được chọn bởi Quốc Hội hoặc do người dân bầu chọn mà do mỗi bang sẽ chỉ định những "đại cử tri" độc lập, những người sẽ thực sự cân nhắc bỏ phiếu cho nhiệm kỳ tổng thống. Điều cần lưu ý ở đây là vào thời điểm này, chưa có đảng phái chính trị nên lá phiếu đầy thận trọng của các đại cử tri này rất độc lập và chính trực, không bỏ theo lịnh của tiểu bang hay mang tính đảng phái.
Tổng thống George Washington là tổng thống duy nhất đã từng được sự đồng thuận tuyệt đối của các đại cử tri để trở thành tổng thống đầu tiên của Hiệp Chủng Quốc Hoa Kỳ. Nhưng kể từ sau cuộc bầu cử này, các tiểu bang thay đổi luật lệ cũng như sự ra đời của các đảng phái chính trị, với đảng Dân Chủ ra đời năm 1828 và đảng Cộng Hòa ra đời năm 1854, bỏ phiếu theo cử tri đoàn đã bắt đầu có những thay đổi về số đại cử tri tri mỗi tiểu bang, cách chọn đại biểu, đại diện theo phiếu phổ thông... nhưng nói chung vẫn giữ theo thể thức như ban đầu.
Các tiểu bang đã có danh sách các đại cử tri của tiểu bang mình để bỏ lá phiếu thông thường vào trung tuần tháng 12 theo sau cuộc bầu cử, năm nay sẽ là ngày 14 tháng 12. Mỗi tiểu bang sẽ có cách chọn đại cử tri khác nhau nhưng thông thường là các tiểu bang sẽ đề cử các đại cử tri, là những người tích cực hoạt động đảng phái chính trị được đảng mình đề cử hay tự ra ứng cử và được bầu chọn tại đại hội đảng cấp tiểu bang.
Những người ủng hộ thể thức này cho rằng nó là yếu tố căn bản của chủ nghĩa liên bang, cân bằng quyền lực giữa các tiểu bang và tạo sự ổn định chính trị. Những người chỉ trích thì cho rằng xã hội và hệ thống chính trị Hoa Kỳ đã khác xa hơn 200 năm trước, nó thiếu dân chủ và không thể hiện ý nguyện toàn dân. Với một phân bổ địa chính trị rõ ràng giữa các tiểu bang như hiện nay, rốt lại thể thức bầu cử này đã làm cho các cuộc bầu cử tổng thống Hoa Kỳ chỉ còn phụ thuộc vào kết quả từ một số tiểu bang dao động, cũng như sự chọn lựa toàn dân cũng không là kết quả cuối cùng như mọi người đang thấy hiện nay.
Tuy nhiên việc thay đổi thể thức này xem ra khó có thể xảy ra trong tương lai gần. Các đảng phái chính trị không muốn thay đổi vì một khi chuyển sang phổ thông đầu phiếu thì nó sẽ có lợi cho đảng nào được đông đảo người dân ủng hộ và đảng đó sẽ có nhiều cơ hội thắng cử liên tục trong các cuộc bầu cử. Việc cần hai phần ba dân biểu Quốc Hội chuẩn thuận và ba phần tư tiểu bang đồng ý đã giúp cho đảng bất lợi duy trì được thể thức này. Nên dù nhìn nhận thế nào thì thể thức cử tri đoàn này sẽ còn duy trì rất lâu trong nền chính trị Hoa Kỳ.