Cử tri kiến nghị Quốc hội không thông qua luật về hội

Một phiên họp của Quốc hội tại hội trường Ba Đình ở Hà Nội, Việt Nam. (Ảnh tư liệu)

Nhiều cử tri và đại diện một số hội ở Việt Nam vừa lập một kiến nghị trên mạng kêu gọi Quốc hội không thông qua dự thảo luật về hội.

Bản kiến nghị xuất hiện trên trang wakeitup.net từ ngày 17/10 và được chia sẻ nhiều trên mạng xã hội chỉ ra những bất cập của bản dự thảo hiện nay.

Cụ thể, theo điều 4 của dự thảo luật về hội đề ngày 10/10/2016, hội phải “được cơ quan nhà nước có thẩm quyền cấp Giấy chứng nhận đăng ký thành lập, công nhận điều lệ và người đứng đầu”. Các luật sư và đại diện các hội cho rằng điều này sẽ “gạt bỏ và phủ nhận hàng trăm nghìn hội không đăng ký đang tồn tại, hoạt động bình thường và có ích trên thực tế”. Họ cũng lo ngại “cơ quan nhà nước có thể nói không với người đứng đầu” do chính các hội tự bầu ra.

Bản kiến nghị cho biết thêm khoản 5 của điều 8 trong dự thảo quy định rằng “hội không liên kết, gia nhập các hội nước ngoài, không nhận tài trợ nước ngoài; trường hợp đặc biệt do chính phủ quy định”. Những người lập kiến nghị nhận xét rằng điều này “đi ngược lại xu hướng hội nhập và hợp tác quốc tế, đẩy Việt Nam trở lại sự cô lập và lạc hậu vì người dân và hội của họ không thể trao đổi thông tin, kiến thức, chuyên môn, hợp tác đầu tư, nghiên cứu, chia sẻ kinh nghiệm và học hỏi với các đối tác quốc tế”.

Những người phản đối bản dự thảo cũng chỉ ra rằng quy định về thủ tục thành lập hội “rất khắt khe, thể hiện cơ chế xin-cho trong việc thành lập và hoạt động của hội”. Họ nhận định điều đó cũng “tạo ra kẽ hở để công chức nhà nước cản trở quyền tự do hiệp hội của người dân, can thiệp vào hoạt động nội bộ của hội”.

Những người lập kiến nghị khẳng định nếu bản dự thảo hiện nay được thông qua, luật về hội “không phản ánh được tinh thần tôn trọng quyền con người của Hiến pháp 2013, cụ thể là điều 25 về quyền tự do lập hội của người dân, và những cam kết chuẩn mực theo Công ước quốc tế về quyền dân sự, chính trị Việt Nam đã tham gia từ năm 1982”.

Luật sư Trần Vũ Hải ở Hà Nội nói với VOA ông có chung cách nhìn nhận với những phân tích nêu ra trong bản kiến nghị.

Về khả năng Quốc hội không xem xét kiến nghị và vẫn thông qua dự luật về hội, Luật sư Hải nói dư luận sẽ tiếp tục gây sức ép để luật không được thực thi, như đã xảy ra với một số điều luật của các luật khác:

“Họ đã có kinh nghiệm là phong trào đề nghị hủy bỏ điều 292 [Bộ luật Hình sự 2015]. Theo tôi thì lúc đó sẽ có sự liên kết yêu cầu hủy bỏ điều khoản đó, những điều khoản nào đó trong luật, hoặc là yêu cầu hủy bỏ luật này. Việt Nam đã có những luật từng phải hoãn. Trong những trường hợp ấy, rõ ràng với những áp lực của xã hội, luật có thể hoãn lại, và dẫn tới là những người đang ra các luật ấy bị mất uy tín. Hiện nay tôi được biết rằng rất nhiều đại biểu Quốc hội và các chuyên gia phản đối kịch liệt cái dự thảo này”.

Nếu không có gì thay đổi, theo kế hoạch, dự thảo luật về hội sẽ được Quốc hội Việt Nam thông qua vào ngày 18 tháng 11 tới.