Không biết hai ông Biden và McCarthy có đọc cuốn The Art of the Deal (Nghệ thuật Thương lượng) của cựu Tổng thống Donald J. Trump in năm 1987 hay chưa. Nhưng cuộc thương lượng vừa qua, đưa tới thỏa hiệp ngân sách và cho phép chính phủ Mỹ vay thêm tiền, đã thành công. Ông Joe Biden phải ký bản dự luật trước ngày Thứ Hai, nếu không chính phủ Mỹ sẽ “vỡ nợ,” đưa kinh tế vào một cuộc khủng hoảng.
Tối Thứ Tư, 314 dân biểu Hạ viện thông qua. Trước nửa đêm hôm sau, Thượng viện cũng biểu quyết nhanh chóng với tỷ số 63-36; vượt qua được ngưỡng cửa 60 phiếu.
Tại Hạ viện, Đảng Cộng Hòa chiếm đa số, nhưng chỉ có 149 đại biểu bỏ phiếu thuận. Vẫn còn 71 người chống đối, lên án ông McCarthy không giữ lời hứa. Nhóm “Freedom Caucus” đã hô hào tất cả bỏ phiếu chống, nhưng Dân biểu Jim Jordan (C.H.-Ohio) là một người sáng lập nhóm, cùng bà Marjorie Taylor Greene (C.H.-Ga.) cũng ủng hộ. Trong năm qua, họ đã được ông McCarthy chiều đãi, xếp vào ngồi trong mấy ủy ban quan trọng nhất. Trong Đảng Dân Chủ nhiều người kết tội ông Biden cắt nhiều trợ cấp xã hội quá, nhưng vẫn có 165 phiếu chấp thuận. Trên Thượng viện, bốn nghị sĩ Dân Chủ và ông Bernie Sanders (Độc lập-Vermontt) cùng 31 nghị sĩ Cộng Hòa vẫn lắc đầu.
Biden và McCarthy chứng tỏ khá lão luyện trong cuộc mặc cả, với những màn kịch khá gay go. Hai người đều biết các đại biểu cực tả hay cực hữu sẽ không bao giờ hài lòng. Để trấn an họ, ngay từ lúc đầu cả hai người đã đóng vai trò “quá khích!” Tòa Bạch Ốc tuyên bố sẽ không mặc cả về “trần nợ” mà chỉ bàn về ngân sách sang năm, vay nợ bao nhiêu là chuyện quốc hội phải lo. Phe tả trong đảng Dân Chủ hoan nghênh ông tổng thống của họ tỏ thái độ “cứng rắn.”
Ông McCarthy đáp lại bằng hành động: Thông qua một ngân sách cắt $4.8 ngàn tỷ mỹ kim, trong đó có những chương trình mà ông Biden tha thiết nhất. Sẽ cắt $540 tỷ trợ cấp các dự án năng lượng sạch; không chấp nhận $460 tỷ tha nợ cho sinh viên, cắt $120 tỷ của các chương trình trợ cấp thực phẩm và y tế (Medicaid) cho dân nghèo, bắt nhiều người lãnh “food stamps” phải đi tìm việc làm. Cánh hữu trong đảng Cộng Hòa nhiệt liệt tin tưởng ông chủ tịch giữ lập trường kiên định.
Biden và McCarthy đối đầu kịch liệt trong khi biết ngày 5 tháng Sáu sắp tới chính phủ sẽ hết tiền, guồng máy nhà nước có thể đóng cửa – kể cả các lực lượng quốc phòng!
Trong thời gian đó, thị trường chứng khoán vẫn tỏ ra bình tĩnh; giá cổ phiếu các công ty chỉ lên xuống tùy theo kỳ vọng về lợi nhuận. Giới đầu tư không có vẻ lo lắng về thảm họa kinh tế sắp đến chân. Chắc họ tin tưởng vì cả hai ông Biden và McCarthy luôn luôn tuyên bố rất lạc quan; nhưng cũng vì họ biết cả hai người này sẽ phải thỏa hiệp với nhau. Ông Biden vẫn muốn giữ chức tổng thống sau năm 2024; ông McCarthy cũng muốn sang năm đảng Cộng Hòa vẫn thắng, mình vẫn làm chủ tịch Hạ viện. Tốt nhất là nhường nhịn lẫn nhau, đạt được một số thắng lợi nho nhỏ, còn hơn bị mang tiếng làm hại cả nền kinh tế Mỹ.
Bây giờ, ông Kevin McCarthy có thể tuyên bố thắng lợi vì đã bắt chính phủ phải cắt giảm nhiều món chi tiêu, như đảng Cộng Hòa vẫn đòi hỏi. Chi phí của chính phủ sẽ cắt bớt $112 tỷ trong năm 2024 và $136 tỷ năm 2025; nhiều người được trợ cấp thực phẩm sẽ phải đi làm thêm; ngân sách Sở Thuế IRS bị cắt $20 tỷ.
Ông Joe Biden không dám khoe khoang những kết quả lợi cho phe mình, để khỏi kích động khiến các đại biểu Cộng Hòa chống mạnh hơn. Nhưng ông giữ được nhiều khoản chi tiêu cho các chương trình quan trọng nhất không bị cắt. Số tiền $460 tỷ để tha nợ cho các sinh viên không đụng tới. Chương trình khuyến khích năng lượng sạch $540 tỷ cũng vậy; hai bên còn đồng ý sẽ giảm bớt các thủ tục lâu nay vẫn khiến các dự án đầu tư về năng lượng bị trì hoãn.
Sở Ngân sách của Quốc hội (CBO) ước tính thỏa hiệp sau cùng sẽ giảm bớt số khiếm hụt của chính phủ được $1.5 ngàn tỷ đô la. Trong thực tế sẽ chỉ bớt được $1 ngàn tỷ vì hai bên đã đồng ý trong mấy tháng tới quốc hội còn phải thông qua nhiều dự luật chi tiêu khác.
Ông Biden có thể cho cánh cực tả trong đảng Dân Chủ thấy rằng các chương trình xã hội vẫn được ông bảo vệ. Trong cuộc thương lượng ngân sách, ông McCarthy đã yêu cầu những người được trợ cấp thực phẩm trong chương trình “SNAP” (food stamps) và Medicaid phải đi làm, giảm bớt khoảng $120 tỷ. Nhưng Sở Ngân sách CBO tính ra rằng kết quả sẽ ngược lại, chi phí tăng thêm $2 tỷ; vì sẽ tăng trợ cấp thực phẩm và y tế cho các cựu chiến binh, người không nhà ở.
Trong cuộc thương lượng vừa qua, cả hai người biết người kia cần những gì để vượt qua được cánh chống đối trong nội bộ của mình. Ông McCarthy biết Joe Biden không lo bị phe cực tả trong đảng Dân Chủ lật đổ, vì ngoài ông ra họ không có lựa chọn nào khác. Cho nên McCarthy có thể đòi càng nhiều nhượng bộ càng tốt, tới mức tối đa Biden có thể chịu đựng.
Ông Biden cũng biết ông McCarthy phải đạt được những con số cắt giảm chi tiêu cụ thể để chứng tỏ mình đã giữ vững lập trường cho các đại biểu Cộng Hòa cứng rắn nhất thấy. Nhưng ông McCarthy đã chuẩn bị từ cả năm nay, giàn xếp quyền lợi để liên kết với những đại biểu cứng rắn nhất. Ông cũng biết phần lớn các đại biểu Cộng Hòa không thiết tha với những tranh cãi về ngân sách đầy chi tiết mà phần lớn cử tri của họ không hiểu là những chuyện gì. Đối với họ, tốt nhất là dành thời giờ để cổ động cho các đề tài được cử tri tha thiết, như vấn đề di dân bất hợp pháp, chống phá thai, chống hôn nhân đồng tính và những người đổi giống vân vân.
Hai đối thủ một trẻ một già, Biden 81 tuổi và McCarthy 58, cho thấy họ biết tính toán những bước tiến, bước lùi, khi thì lớn tiếng khăng khăng đòi hỏi, khi âm thầm nhượng bộ. Cuối cùng đã đạt được kết quả mà họ có thể hài lòng, và biết không thể đòi hỏi hơn được.
Cuộc tranh luận lúc đầu chú trọng đến vấn đề trần nợ, dưới mối lo kinh tế sẽ suy sụp nếu không giải quyết xong ngay. Lúc đầu Biden nhất định không muốn nói đến chuyện nợ nần. Cuối cùng cả hai đồng ý bỏ qua, treo vấn đề đó lên trong hai năm; người nào cũng có thể nói mình đã thắng. McCarthy có thể biện minh rằng mình không xóa bỏ vụ trần nợ, chỉ hoãn lại thôi.
Hai người biết nhiều đại biểu trong cả hai đảng sẽ thấy cần thỏa hiệp. Vì không thể chấp nhận cảnh tranh cãi kéo dài đến khi chính phủ vỡ nợ, người già không được trả lương hưu, hệ thống y tế xã hội hết tiền, xí nghiệp đóng cửa. Thành phần ôn hòa ở giữa đã giúp chính phủ Mỹ tiếp tục có tiền xài, hàng triệu người sẽ không lo thất nghiệp. Dân biểu Ann Kuster (New Hampshire) nhận xét: “Phải chứng minh cho dân chúng Mỹ thấy rằng các đại biểu quốc hội trưởng thành và thực tế có thể làm được công việc (quản trị quốc gia).” Hy vọng các nhà chính trị tiếp tục như vậy; nếu những người cầm đầu hai đảng cũng trưởng thành và thực tế.