Cuộc tranh luận chính trị ở Trung Quốc gia tăng cường độ

Đại lễ đường Nhân dân Trung Quốc, nơi Đại hội Đại biểu Nhân dân họp

Truyền thông nhà nước Trung Quốc hồi gần đây đã đăng tải một loạt các bài viết chống lại việc thiết lập một hệ thống chính trị dựa trên hiến pháp theo kiểu Tây phương. Thông tín viên VOA Nathalie Liu tường thuật rằng các nhà phân tích cho rằng đây là phản ứng của giới lãnh đạo ở Bắc Kinh đối với việc người dân đòi có một chế độ đặt Đảng Cộng Sản dưới luật pháp, chứ không phải đứng trên luật pháp như hiện nay.

Hôm mồng 1 tháng 8, hãng tin Tân Hoa của nhà nước cho đăng một bài bình luận nói rằng nếu xảy ra hỗn loạn, tình trạng của Trung Quốc sẽ bi đát hơn Liên Sô rất nhiều.

Vài ngày sau đó, tờ Nhân dân Nhật báo cũng cho đăng trên trang nhất những bài viết để cảnh báo về những mối nguy hiểm mà một hệ thống chính trị kiểu Mỹ sẽ mang lại cho Trung Quốc.

Trong những bài viết đó, tác giả đề cập tới điều mà ông gọi là “hiến pháp mâu thuẫn” của Mỹ: ngoài mặt thì nói tới tự do, dân chủ nhưng thật ra chỉ phục vụ cho quyền lợi của các nhà tư bản.

Tác giả cho rằng Liên Sô bị sụp đổ một phần là vì các nhà lãnh đạo như Boris Yeltsin và Mikhail Gorbachev quyết định thực hiện một sự thay đổi cơ bản dưới danh nghĩa của “dân chủ hiến chính.”

Tên của người viết các bài viết này khá xa lạ đối với hầu hết độc giả ở Trung Quốc. Nhưng các nhà phân tích nói rằng những bài viết này phản ánh sự suy nghĩ của một số các nhà lãnh đạo Trung Quốc, có thể bao gồm Chủ tịch Tập Cận Bình.

Ông Hồ Bình, chủ biên của tạp chí Mùa Xuân Bắc Kinh ở New York, nhận xét như sau:

"Bài bình luận của Tân Hoa Xã và một loạt các bài viết trên tờ Nhân dân và tờ Hoàn cầu bài bác dân chủ, đả kích hiến chính hiển nhiên không phải là sự bày tỏ ý kiến của một người trong Đảng Cộng Sản. Chúng ta có thể nói rằng đó là ý kiến của ông Tập Cận Bình, vì phần lớn những phát biểu của ông ấy từ khi lên nắm quyền tới nay đều có những ý tưởng tương tự."

Ông Hồ Bình cho biết thêm như sau về cái nhìn của ông đối với dân chủ hiến chính, là thể chế chính trị bị đả kích trong các bài viết của truyền thông nhà nước Trung Quốc.

"Hiến chính có thể định nghĩa một cách đơn giản là một hệ thống chính trị đặt ra những hạn chế đối với quyền hạn của chính phủ và bảo vệ các quyền tự do của công dân. Trong hệ thống này có một lằn mức rõ ràng giữa quyền của chính phủ và quyền của người dân. Dưới các chế độ không phải là chế độ hiến chính, quyền của chính phủ có thể nói là không có hạn chế."

Ông Arthur Waldron, giáo sư môn quan hệ quốc tế của Đại học Pennsylvania, cho rằng những bài viết đó đã được đăng tải bởi vì những người dân Trung Quốc đang đòi có thêm dân chủ. Giáo sư Waldron nói:

"Đã có một số những bài viết phê phán hiến pháp Hoa Kỳ. Cách giải thích duy nhất là có người nào đó đang nói về hiến pháp của Hoa Kỳ. Những bài viết của báo chí Trung Quốc không bao giờ xuất hiện một cách vô cớ."

Ông Trình Lập, một chuyên gia về chính trị Trung Quốc của Viện Brookings ở Washington, cho biết cuộc tranh luận chính trị này diễn ra trùng hợp với sự tái xuất hiện của các vấn đề xã hội trong lúc kinh tế tăng trưởng chậm lại. Ông cho rằng những bài viết này làm cho ông cảm thấy lo ngại, bất kể là nội dung của chúng có được sự tán thành của ông Tập Cận Bình hay không. Ông nhận định:

"Tôi cảm thấy lo âu. Hiến chính là lý tưởng chung của mọi người trên thế giới. Nếu chính phủ Trung Quốc không hứa hẹn theo đuổi hiến chính thì họ tự đặt mình vào thế đối lập với lịch sử."

Giáo sư Waldron cho biết hiện vẫn chưa rõ các nhà lãnh đạo Trung Quốc có đủ sức mạnh và viễn kiến để hoàn tất cuộc chuyển đổi đất nước vốn đã khởi sự sau cái chết của Mao Trạch Đông hay không. Ông nói:

"Như tôi vẫn thường nói về những cải cách sau cái chết của Mao Trạch Đông: Họ đã làm những việc dễ trước, và rất nhiều những việc dễ làm đã mang lại những thành quả rất tốt. Bây giờ họ còn lại khoảng 10% những việc thật sự khó khăn. Những việc này sẽ định đoạt vấn đề thành bại của những nỗ lực nhằm tạo ra một đất nước thật sự hoạt động có hiệu quả."

Hiện vẫn còn quá sớm để tiên đoán ông Tập Cận Bình sẽ lãnh đạo đất nước đi theo hướng nào. Nhưng có một điều khá rõ ràng là Đảng Cộng Sản Trung Quốc mỗi ngày một lo ngại nhiều hơn về cuộc tranh luận về tương lai của đất nước.