Cựu Chủ tịch Việt Nam Trương Tấn Sang nêu câu hỏi “Ðảng này, chế độ này, đất nước này sẽ đi về đâu” nếu tham nhũng và suy thoái “không được loại trừ” trong một bài viết thể hiện quan điểm đăng hôm 8/1 trên trang VNExpress.
Trong bài viết hơn 2000 từ, ông Sang dành tới 70% độ dài để điểm lại các sự kiện trong lịch sử Việt Nam, từ đó đưa ra đánh giá rằng “tài năng yếu kém và đạo đức suy đồi của những người cầm quyền” là nguyên nhân chung dẫn đến sự suy vong của nhiều triều đại khác nhau, từ nhà Trần thời thế kỷ 13 cho đến nhà Lê cuối thế kỷ 18.
Việc liên hệ đến lịch sử, theo vị cựu chủ tịch nước, cũng là để mọi người biết đến “kho tàng những kinh nghiệm vô giá” của cha ông, và ngay trong đoạn văn kế tiếp, ông Sang đã đề cập đến diễn biến ở Việt Nam trong năm qua.
Còn vô số những câu chuyện tham nhũng khác mà chúng ta vẫn còn chưa được đề cập tới. Nhà nước Việt Nam cũng chưa thể làm được gì những người đó lúc này. Do đó, bài viết của ông Trương Tấn Sang, tôi nghĩ, nó cũng là một trong những phương thức vận động quần chúng trong một thời điểm nào đó.Nhạc sĩ Tuấn Khanh
Không đi vào chi tiết, cựu Chủ tịch Sang khẳng định những gì Ðảng Cộng sản Việt Nam đã làm trong năm 2017 trong công tác cán bộ và xây dựng đảng là “đúng với mong muốn và nguyện vọng của toàn dân”. Ông cho rằng “niềm tin trong nhân dân đã trở lại”.
Trong năm 2017, như báo chí đưa tin, hàng loạt vụ cách chức hoặc bắt giam các quan chức có sai phạm đã diễn ra ở Việt Nam. Đáng chú ý nhất là một ủy viện Bộ Chính trị đầy quyền lực, ông Đinh La Thăng, truy tố về tội “cố ý làm trái” các quy định của nhà nước, hay ông Trịnh Xuân Thanh, một cựu lãnh đạo doanh nghiệp nhà nước, bị truy tố vì tội tham nhũng cũng như “cố ý làm trái”.
Bài viết của ông Sang được đăng đúng ngày một tòa án ở Hà Nội bắt đầu xét xử các ông Đinh La Thăng và Trịnh Xuân Thanh. Về sự trùng hợp này, nhạc sỹ Tuấn Khanh, người nhiều năm theo dõi và bình luận về chính trị, xã hội Việt Nam, đưa ra nhận định với VOA:
“Còn vô số những câu chuyện tham nhũng khác mà chúng ta vẫn còn chưa được đề cập tới. Nhà nước Việt Nam cũng chưa thể làm được gì những người đó lúc này. Do đó, bài viết của ông Trương Tấn Sang, tôi nghĩ, nó cũng là một trong những phương thức vận động quần chúng trong một thời điểm nào đó mà người ta thấy rằng quần chúng đang bị chia rẽ quá nhiều suy nghĩ của mình trước một sự kiện”.
Những người dân mà chống tham nhũng cho tới giờ phút này là những người lúc nào cũng gặp khổ nạn. Chưa bao giờ như lúc này, quyền hành, tham nhũng, cường hào, v.v… mỗi thứ đang trở thành vấn nạn và đè bẹp hết tất cả mọi thứ.Nhạc sĩ Tuấn Khanh
Trong phần cuối bài viết với vỏn vẹn hơn 300 từ, ông Trương Tấn Sang nói về tình hình hiện nay và các hành động của đảng. Ông nhấn mạnh “việc phanh phui, gột rửa những nhem nhuốc, tiêu cực sẽ không dừng lại”. Ông viết tiếp rằng “đất nước sẽ đồng lòng, chung sức diệt trừ giặc nội xâm”.
Tuy nhiên, với quan sát của người làm việc lâu năm trong lĩnh vực báo chí, nhạc sĩ Tuấn Khanh không cho rằng nhân dân thực sự được đóng một vai trò trong cuộc chiến chống tham nhũng:
“Những người dân mà chống tham nhũng cho tới giờ phút này là những người lúc nào cũng gặp khổ nạn. Chưa bao giờ như lúc này, quyền hành, tham nhũng, cường hào, v.v… mỗi thứ đang trở thành vấn nạn và đè bẹp hết tất cả mọi thứ. Tôi nghĩ rằng người dân có thể đóng góp với kiểu của mình cho một phong trào, tiếng nói, khi nhà nước đồng ý cho phong trào đó xuất hiện. Nhân dân chỉ là người hô hào theo lời mào đầu, vận động của ai đó, tôi nghĩ nó không có kết quả gì tốt đẹp hơn”.
Sử dụng các câu hỏi tu từ, vị cựu chủ tịch nước của Việt Nam chỉ ra rằng nhân dân và các đảng viên “luôn bất bình và phẫn nộ trước nạn tham nhũng, suy thoái”. Vẫn theo ông, người Việt Nam đã chứng kiến những “kẻ có lòng tham vô đáy” lợi dụng kẽ hở của chính sách hoặc lạm dụng quyền lực để “móc túi nhân dân”. Nhưng ông Trương Tấn Sang đã không chỉ đích danh những kẻ đó là ai.
Cựu chủ tịch Sang đưa ra cảnh báo dưới dạng một câu hỏi: “Nếu tình hình tham nhũng và suy thoái không được loại trừ, Ðảng này, chế độ này, đất nước này sẽ đi về đâu?” Tiếp đến, ông nêu ý kiến rằng “Ðảng và những người nắm giữ vai trò chèo lái đất nước phải kiên quyết hành động”. Tuy nhiên, ông không đi vào chi tiết cần phải có những hành động gì.
Nhà bình luận Tuấn Khanh nói về sự thiếu vắng vấn đề, giải pháp cụ thể trong ý kiến của ông Sang:
“Thực sự ông không đề nghị đặt ra một vấn đề nào cần phải được làm rõ. Ví dụ, bán đảo Sơn Trà, hay biệt điện ở Yên Bái, ông ta không đưa ra vấn đề nào cả. Bởi vì mọi thứ vẫn là một thứ: vận động chứ không phải đòi hỏi một cuộc tấn công thật sự minh bạch và quyết liệt vào vấn đề tham nhũng”.
Lưu ý rằng toàn bộ bài viết của ông Trương Tấn Sang không hề nhắc đến triều Nguyễn, mà theo ông Khanh đó là các đời vua cận đại có những hành động chống tham nhũng rất mạnh mẽ, ông Khanh nói điều này vẫn thể hiện một tư duy tránh né.
Trên nền tảng tư duy như vậy, bài viết không có một cái kết chỉ đích danh những người phạm tội tham nhũng, không tôn vinh những con người cụ thể chống tham nhũng, và không nêu ra các giải pháp như nhiều người mong đợi là điều dễ hiểu, theo nhạc sĩ Tuấn Khanh.
Your browser doesn’t support HTML5