Cựu đại sứ Mỹ: Phó Tổng thống Harris ‘có thể chỉ đường’ để thúc đẩy quan hệ, hòa giải

Sau chặng dừng chân ở Singapore, Phó Tổng thống Mỹ Kamala Harris có kế hoạch bay đến Hà Nội vào tối 24/8.

Phó Tổng thống Mỹ Kamala Harris kết thúc chuyến thăm của bà tại Singapore trong ngày thứ Ba 24/8 và bay đến thủ đô Việt Nam vào tối cùng ngày, theo kế hoạch dự kiến.

Khi hạ cánh ở Hà Nội, bà Kamala Harris trở thành phó tổng thống Mỹ đầu tiên đến thăm đất nước Việt Nam thống nhất kể từ năm 1975. Bộ Ngoại giao Việt Nam cho biết nữ Phó Tổng thống Mỹ đến thăm theo lời mời của Phó Chủ tịch nước chủ nhà, bà Võ Thị Ánh Xuân.

Như VOA đã đưa tin, Phó Tổng thống Kamala Harris có kế hoạch họp chính thức với các quan chức cao cấp của chính phủ Việt Nam vào sáng thứ Tư 25/8, sau đó, vào chiều cùng ngày, bà dẫn đầu phái đoàn Mỹ cùng với chính phủ Việt Nam chính thức khai trương Văn phòng khu vực Đông Nam Á của CDC.

Phó Tổng thống Mỹ sẽ gặp trực tiếp cùng với các quan chức Việt Nam và gặp trực tuyến với các quan chức chính phủ các nước ASEAN, ngoài ra còn có Papua New Guinea, để thảo luận về sự ứng phó của Mỹ đối với đại dịch COVID-19 và cách thức tất cả các nước cần làm việc cùng nhau để chấm dứt đại dịch và tăng cường an ninh y tế toàn cầu.

Chống COVID

Ngay trước thềm chuyến thăm, cựu Đại sứ Mỹ ở Việt Nam Ted Osius nói với VOA rằng chuyến thăm của bà Harris là cơ hội để thúc đẩy hợp tác Mỹ-Việt về phòng chống COVID-19, cũng như về an ninh và thương mại.

Tôi tin tưởng rằng chính phủ Mỹ sẽ tiếp tục là đối tác vững mạnh của Việt Nam về ứng phó khẩn cấp với COVID-19 và trong thời kỳ phục hồi hậu đại dịch.
Cựu Đại sứ Ted Osius


Cựu Đại sứ Osius cho VOA biết trong một cuộc phỏng vấn riêng qua email rằng ông cùng các cựu đại sứ khác đã viết thư thúc giục Tổng thống Biden cung cấp vắc-xin cho Việt Nam. Thời gian gần đây, chính quyền Biden-Harris đã cung cấp 5 triệu liều vắc-xin cho Việt Nam và ông Osius bày tỏ hy vọng rằng “sự cộng tác này để vượt qua COVID sẽ tiếp tục”.

Người nắm chức đại sứ Mỹ từ 2014-2017 viết trong email gửi VOA: “Tôi tin tưởng rằng chính phủ Mỹ sẽ tiếp tục là đối tác vững mạnh của Việt Nam về ứng phó khẩn cấp với COVID-19 và trong thời kỳ phục hồi hậu đại dịch. Chuyến thăm của Phó Tổng thống Harris là cơ hội để thúc đẩy hơn nữa sự cộng tác đó”.

Ông Osius nhắc lại thực tế rằng Mỹ và Việt Nam đã hợp tác lâu năm trong lĩnh vực y tế công, với việc hai nước làm việc cùng nhau để chống dịch SARS và HIV/AIDS từ đầu những năm 2000, nhiều nhà dịch tễ học Việt Nam được đào tạo ở Mỹ, và các trung tâm điều hành khẩn cấp lớn ở Việt Nam cộng tác, chia sẻ dữ liệu theo thời gian thực với Các Trung tâm Kiểm soát Bệnh dịch Mỹ (CDC).

Vắc-xin Moderna được Mỹ viện trợ cho Việt Nam, tháng 7/2021.

Đối tác chiến lược?

Trên bình diện rộng lớn hơn, cựu Đại sứ Osius nhận định với VOA rằng khi Phó Tổng thống Harris thăm Việt Nam, bà “có thể tăng tốc những tiến bộ mà chúng ta đã đạt được theo hướng trở thành bạn bè và đối tác thân thiết, và bà có thể chỉ đường tiến tới làm sâu sắc thêm quan hệ của chúng ta và tiếp tục tiến trình hòa giải”.

Tôi chưa bao giờ quan tâm quá nhiều đến chuyện quan hệ đối tác của chúng ta được đặt tên là gì, mà thay vào đó là quan tâm đến thực chất, tức là chúng ta đang làm gì cùng nhau.
Cựu Đại sứ Ted Osius


Khi được hỏi liệu hai nước có tuyên bố nâng cấp quan hệ thành đối tác chiến lược nhân chuyến thăm của nữ Phó Tổng thống Mỹ, cựu Đại sứ Osius trả lời: “Tôi chưa bao giờ quan tâm quá nhiều đến chuyện quan hệ đối tác của chúng ta được đặt tên là gì, mà thay vào đó là quan tâm đến thực chất, tức là chúng ta đang làm gì cùng nhau”.

Ông Osius, người được chủ tịch nước Việt Nam trao tặng Huân chương Hữu nghị, chỉ ra rằng: “Chúng ta đang làm nhiều việc, trong thương mại và đầu tư, an ninh, môi trường, y tế công, khoa học và công nghệ, giáo dục, và nhiều lĩnh vực khác nữa”.

Trước khi nghỉ hưu và rời ngành ngoại giao Mỹ, trong nhiệm kỳ đại sứ ở Việt Nam, ông Osius lãnh đạo đội ngũ phái bộ ngoại giao Mỹ xây dựng và thực hiện các chiến lược làm sâu sắc quan hệ kinh tế, an ninh và văn hóa giữa hai nước.

Ông gắn bó với Việt Nam kể từ những năm 1990, khi ông là một viên chức ngoại giao Mỹ làm việc ở thành phố Hồ Chí Minh trong thời kỳ quan hệ ngoại giao giữa hai nước được bình thường hóa.

Vị cựu đại sứ Mỹ là tác giả của nhiều cuốn sách, trong đó, cuốn mới nhất có tên “Không gì là không thể: Mỹ hòa giải với Việt Nam” sẽ được phát hành vào tháng 10 năm nay, viết về việc ông trải nghiệm và tham gia vào lịch sử của hai nước trong 25 năm trở lại đây.

Đại sứ Mỹ Ted Osius tại một sự kiện diễn ra ở Bộ Y tế Việt Nam, Hà Nội, tháng 2/2015.

Nước Mỹ trở lại

Hiện giữ chức Chủ tịch kiêm Tổng Giám đốc Điều hành của Hội đồng Kinh doanh Mỹ-ASEAN, ông Osius đưa ra nhận xét với VOA về chuyến thăm của bà Harris tới Việt Nam và Singapore có tầm quan trọng ra sao đối với chính sách “Nước Mỹ trở lại”:

“Phó Tổng thống Harris có cơ hội để cho thấy Hoa Kỳ quay trở lại - không chỉ là trong lĩnh vực an ninh mà cả trong thương mại. Thương mại là xuất phát điểm tự nhiên cho việc tái can dự với khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương. Với dân số 662 triệu người và GDP là 3,2 nghìn tỉ đô la, 10 nước của Hiệp hội ASEAN hết sức quan trọng đối với Mỹ và việc Mỹ duy trì sự hồi phục kinh tế thời hậu đại dịch COVID”.

Tôi hy vọng Phó Tổng thống Harris sẽ nói về các kế hoạch của Mỹ về một nghị trình thương mại được phục hồi, tích cực và chủ động với Việt Nam và với ASEAN.
Cựu Đại sứ Ted Osius


Tân Chủ tịch kiêm CEO của Hội đồng Kinh doanh Mỹ-ASEAN Ted Osius viết tiếp rằng khu vực tư nhân Mỹ “đầu tư hơn 338 triệu đô la ở ASEAN trong năm 2020, nhiều hơn tổng số tiền họ đầu tư vào 4 nước Trung Quốc, Ấn Độ, Nhật Bản và Hàn Quốc”. Trong cùng năm, Mỹ xuất khẩu hàng hóa và dịch vụ “trị giá 122 tỉ đô la sang ASEAN, là mức cao thứ tư sau kinh ngạch xuất khẩu của Mỹ sang Canada, Mexico và Trung Quốc”, vẫn theo ông Osius.

ASEAN và đặc biệt là Việt Nam nằm ngay trong trung tâm của một mạng lưới các hiệp định thương mại tự do, bao gồm cả các hiệp định như vậy với các nền kinh tế lớn nhất trong khu vực, ông Osius đưa ra quan sát, và lưu ý thêm rằng ngành công nghệ Mỹ nhận thấy “ASEAN là thị trường internet tăng trưởng nhanh nhất trên thế giới, với nền kinh tế số được dự báo sẽ vượt quá 300 tỉ đô la vào năm 2025”.

“Tôi hy vọng Phó Tổng thống Harris sẽ nói về các kế hoạch của Mỹ về một nghị trình thương mại được phục hồi, tích cực và chủ động với Việt Nam và với ASEAN”, ông Osius bày tỏ.

Một quan chức cao cấp của chính quyền Biden-Harris cho VOA biết trong lịch làm việc dự kiến, vào ngày thứ Năm 26/8, nữ Phó Tổng thống Mỹ sẽ gặp một số đại diện xã hội dân sự ở Việt Nam để “nhấn mạnh sự chú trọng của chúng tôi đối với việc hỗ trợ xã hội dân sự như một động lực thúc đẩy thay đổi xã hội”.

Cựu Đại sứ Mỹ Osius nhận xét với VOA rằng nhiều người Việt Nam thán phục việc Phó Tổng thống Harris là một phụ nữ thuộc về di sản người Da đen và châu Á, và ông cho rằng ở chiều ngược lại, khi có mặt ở Việt Nam, bà Harris “có lẽ sẽ được truyền cảm hứng từ những phụ nữ đi tiên phong trong lịch sử Việt Nam, bao gồm Hai Bà Trưng và Bà Triệu”.