Khi Hoa Kỳ tăng cường hỗ trợ quân sự cho Ukraine bằng các vũ khí tiên tiến như hệ thống phòng thủ tên lửa Patriot và xe tăng Bradley, cựu Ngoại trưởng Hoa Kỳ Condoleezza Rice nói với VOA ban tiếng Ukraine rằng Washington nên cung cấp mọi hỗ trợ quân sự mà Kyiv cần để đẩy lùi quân Nga.
Bà Rice tin rằng đàm phán vào lúc này có thể sẽ không mang lại kết quả hoặc chỉ có lợi cho Nga. Trong cuộc phỏng vấn hôm 12/1, bà còn nói rằng không nên để việc một số quốc gia lo ngại sẽ khiêu khích Tổng thống Nga Vladimir Putin ngăn cản họ hỗ trợ cho người Ukraine sẵn sàng chiến đấu cho đất nước của họ và cho hệ thống dựa trên luật lệ quốc tế.
Trong một bài viết thể hiện quan điểm cá nhân được đăng tải trên tờ The Washington Post hồi đầu tháng này của bà Rice và ông Robert M. Gates, cựu bộ trưởng quốc phòng Mỹ, hai cựu giới chức này lập luận rằng Hoa Kỳ và các đồng minh của họ cần tăng cường đáng kể viện trợ quân sự, nhất là xe thiết giáp, để giúp Ukraine có thể đẩy lùi quân Nga.
Bà Rice hiện là Giám đốc Viện Hoover thuộc Đại học Stanford, một viện nghiên cứu chính sách công. Bà từng là cố vấn an ninh quốc gia (2001–2005) và ngoại trưởng (2005–2009) trong chính quyền của cựu Tổng thống George W. Bush.
Cuộc phỏng vấn này đã được biên tập cho ngắn gọn và rõ ràng.
VOA: Bà kêu gọi Washington cung cấp cho Ukraine những vũ khí mạnh hơn. Một số người ở Hoa Kỳ, trong đó có nhiều đảng viên Cộng hòa, cho rằng Hoa Kỳ đã hỗ trợ Ukraine quá nhiều rồi. Xin bà cho ý kiến về điều này?
Condoleezza Rice: Tôi muốn nói rằng chúng ta đang hỗ trợ Ukraine rất nhiều, và chúng ta đã phân bổ ngân khoản thông qua Quốc hội để hỗ trợ nhiều hơn nữa. Đó là một lời kêu gọi cấp thiết hơn là chúng ta cần cung cấp cho Ukraine những công cụ cần thiết để họ tiếp tục đẩy lùi quân xâm lược Nga.
Trên thực tế, chúng ta có thể đã dự đoán từ nhiều tháng trước rằng Ukraine sẽ cần hệ thống phòng không bởi vì điều duy nhất còn lại của [Tổng thống Nga] Vladimir Putin là sử dụng các chiến thuật khủng bố và tấn công tên lửa vào các trung tâm dân sự của Ukraine. Chúng ta có thể đã dự đoán điều đó.
Vì vậy, hãy đi trước đón đầu và cung cấp những gì mà Ukraine cần. Hoa Kỳ phải nhớ rằng mỗi lần chúng ta chờ đợi, vào năm 1914, 1941 và 2001, và rốt cuộc chúng ta luôn phải nhảy vào. Vào thời điểm hiện tại, không ai yêu cầu chúng ta đưa quân đến. Người Ukraine sẵn sàng chiến đấu và chịu đựng để bảo vệ một hệ thống quốc tế trong đó không thể chấp nhận việc nước lớn tiêu diệt nước láng giềng nhỏ hơn bằng sức mạnh quân sự; đó là mục tiêu chiến thắng của cuộc chiến này. Mỹ rất muốn gửi một bài học cho người Nga rằng điều đó sẽ không được phép xảy ra.
VOA: Một trong những lập luận chính chống lại quan điểm đó là nó có thể kích động ông Putin leo thang, kể cả sử dụng vũ khí hạt nhân.
TS. Rice: Tôi không biết người ta có thể khiêu khích Putin đến mức nào nữa. Ông ấy đã cố tiêu diệt nước láng giềng mình. Ông ấy sử dụng các chiến thuật khủng bố. Họ đang vi phạm các tội ác chiến tranh. Khi tôi nghe mọi người nói rằng bạn làm như vậy có thể khiêu khích ông Putin, tôi nghĩ, còn điều gì khiêu khích hơn nữa? Khi nói về hạt nhân, nó không phải là không có khả năng xảy ra, nhưng tôi nghĩ rằng ông Putin thực sự quan tâm, cũng thật lạ, về vị thế quốc tế của mình. Làm điều đó sẽ khiến Nga trở thành một Triều Tiên lớn, một quốc gia bị thế giới ruồng bỏ trong tương lai. Không chỉ chúng tôi cảnh báo ông Putin mà cả người Ấn Độ và người Trung Quốc cũng cảnh báo rằng lựa chọn hạt nhân thậm chí không nên được xem xét. Chúng ta không thể ngăn cản chính mình và người Ukraine bằng cách nghĩ về một sự răn đe nào đó mà tôi nghĩ là khó xảy ra.
VOA: Không phải ở cấp độ chính thức của Hoa Kỳ, nhưng ở một mức độ nhất định, có một sự thúc đẩy Ukraine bắt đầu đàm phán với Nga vào thời điểm này. Dường như bà nghĩ khác?
TS. Rice: Đúng vậy, đàm phán và ngoại giao dựa trên tình hình thực địa, chứ không phải ngược lại. Chúng ta cần đảm bảo rằng khi có đàm phán, và cuối cùng sẽ có, Ukraine phải ở vị thế mạnh nhất có thể. Điều đó không phải là lúc này. Chúng ta đang thấy rằng người Nga đang đẩy mạnh tấn công [khu vực] Donetsk một lần nữa. Ông Vladimir Putin tuyên bố Donetsk và Luhansk là lãnh thổ của Nga. Ông không thể đàm phán bằng việc cắt bỏ lãnh thổ Nga. Yêu cầu đàm phán bây giờ có thể sẽ không có kết quả mà thậm chí còn để phía Nga có lợi so với việc nếu chúng ta để cho người Ukraine đẩy lùi quân Nga hơn nữa.
Tôi sẽ chính là người cuối cùng cảnh báo khi nào nên bắt đầu đàm phán. Tôi nghĩ chúng ta phải nói rằng đối với người dân Ukraine – những người đã phải gánh chịu tội ác chiến tranh, lãnh thổ bị tàn phá và chứng kiến công dân Ukraine bị người Nga bắt đi – việc bảo họ đàm phán giờ đây đối với tôi dường như không phải là điều mà chúng ta có thể bảo vệ được giá trị Mỹ.
Ngay bây giờ, công việc của chúng ta là hỗ trợ Ukraine giúp chúng ta khẳng định rằng điều mà người Nga làm đơn giản là sẽ không thành công trong thế giới của năm 2023. Nếu bạn nhìn vào viễn cảnh đó, chúng trông giống như bức ảnh của năm 1939. Chúng tôi đã làm điều này một lần, và nó không thành công lắm. Vì vậy, chúng ta hãy đảm bảo rằng Ukraine có những gì họ cần để chiến đấu cho cuộc chiến của chúng ta.
VOA: Cá nhân bà đã gặp trực tiếp và biết ông Putin. Theo bà, bây giờ ông ấy có phải là một nhân vật lý trí không? Ông ta có thể tham gia vào một cuộc đối thoại hợp lý không, hay ông ta vượt quá điểm đó?
TS. Rice: Ông ấy có lý trí theo cách ông ấy hiểu những gì ông ấy đang cố gắng làm. Chúng tôi đã thấy các ưu tiên của Nga đang thay đổi. Lúc đầu, họ tiến vào Kyiv để lật đổ chính phủ Ukraine, sau đó họ quay trở lại phía đông và phía nam để cắt đứt Ukraine tại Odesa. Khi điều đó là không thể, họ lại quay lại.
Vì vậy, tôi nghĩ ông ấy có lý trí. Nhưng có lý trí không có nghĩa là bạn không có những tham vọng mang tính ý thức hệ, mang tính cảm xúc. Tôi nghĩ rằng đây là về việc tái thiết đế chế Nga, và không thể có một Ukraine độc lập để tái thiết đế chế Nga. Có điều gì đó xúc động sâu sắc về điều này đối với ông Putin. Điều đó không có nghĩa là [nó] phi lý.
Nhưng điều đó có nghĩa là đó là một điều gì đó vô cùng xúc động và có lẽ ngay bây giờ không thể thương lượng theo cách suy nghĩ của ông ấy. Ta phải giúp đỡ Ukraine, để ông ấy thấy rằng dù ông ấy có muốn đạt được điều đó đến mức nào đi chăng nữa, điều đó sẽ không xảy ra. Sau đó, chúng ta sẽ xem liệu tính hợp lý có chiếm ưu thế hay không.
VOA: Từng là ngoại trưởng vào năm 2008, trong hội nghị thượng đỉnh NATO ở Bucharest khi Gruzia và Ukraine bị từ chối Kế hoạch hành động để làm thành viên NATO. Nhìn lại, bà có nghĩ rằng đó là một sai lầm?
TS. Rice: Chúng tôi trong chính quyền Bush đã tranh luận để Ukraine và Gruzia được tham gia Kế hoạch hành động thành viên NATO tại hội nghị thượng đỉnh Bucharest. Nhưng NATO là một tổ chức đồng thuận, và sự đồng thuận không có ở đó. Vì vậy, chúng tôi đã làm điều tốt nhất tiếp theo, đó là việc bày tỏ rằng Ukraine và Gruzia sẽ là thành viên của NATO vào một ngày nào đó.
Tôi không muốn để lại một khoảng trống trong chính trị quốc tế. Khi bạn nghĩ về điều đó, về mặt địa lý, chúng tôi đã bảo vệ Ba Lan và Romania và những quốc gia khác ở ngoại vi Ukraine, bởi vì họ có bảo đảm theo Điều 5. Bằng cách thậm chí không cho Ukraine một con đường trở thành thành viên NATO, có lẽ điều đó đã để lại một khoảng trống.
Bây giờ tôi nghĩ, với sự dũng cảm của người Ukraine, một điều mà ông Vladimir Putin đã làm là khiến Ukraine tiến đến gần NATO hơn, không phải với tư cách là một thành viên mà với tư cách là người thụ hưởng mọi thứ mà NATO có thể cung cấp ngoại trừ binh sĩ.
Có người nói rằng ông Vladimir Putin đã thành công trong việc chấm dứt chủ nghĩa hòa bình của Đức và nền trung lập của Thụy Điển trong vòng một năm. Tôi nghĩ chúng ta sẽ thấy NATO với Thụy Điển và Phần Lan là thành viên. Vào thời điểm năm 2008, tôi không bao giờ dám mơ về điều này. Kết quả này là cái giá đắt mà người dân Ukraine phải trả và tôi không muốn giảm thiểu tổn thất đó. Khi chúng tôi thành công trong việc giúp Ukraine đẩy lùi cuộc xâm lược của Nga, bất kể điều đó có nghĩa là gì, bất kể giải pháp cuối cùng là gì, chúng tôi sẽ thay đổi bộ mặt châu Âu theo hướng tốt đẹp hơn. Vì điều đó, chúng tôi phải cảm ơn người dân Ukraine.
VOA: Còn bây giờ thì sao? Bà vẫn sẽ tranh luận để NATO chấp nhận Ukraine ngay cả trước khi chiến sự kết thúc?
TS. Rice: Tôi nghĩ rằng rất khó để làm điều đó bởi vì nó đi kèm với một sự đảm bảo mà tôi không muốn thử, thẳng thắn mà nói, và nó sẽ mang lại cho ông Putin một kiểu chiến thắng về mặt tâm lý. Tôi nghĩ việc chúng ta đang ở đâu – như Bob Gates và tôi đã lập luận -- hoàn toàn cam kết bảo vệ Ukraine thông qua những gì chúng ta có thể cung cấp để người Ukraine có thể tự vệ – đó là nơi chúng ta cần đến.
Rồi sẽ đến lúc – tôi nghĩ rằng Tổng thống [Ukraine] [Volodymyr] Zelenskyy đã nói điều này – khi chúng ta phải suy nghĩ về cách đảm bảo an ninh cho Ukraine trong tương lai và những loại đảm bảo an ninh nào cần phải có. Nhưng tôi nghĩ đó là lúc khác. Chúng ta hãy làm mọi thứ có thể ngay bây giờ để đẩy lùi cuộc xâm lược và làm điều đó với tinh thần cấp bách để khi chúng ta bước vào giai đoạn tái thiết sau chiến tranh, Ukraine sẽ ở một vị thế mạnh mẽ hơn.
VOA: Dường như có một sự đồng thuận hữu hảo giữa chính quyền Ukraine và Hoa Kỳ về việc sẽ giành chiến thắng ở Ukraine như thế nào – khôi phục chủ quyền của Ukraine đối với toàn bộ lãnh thổ của nước này trong các ranh giới được quốc tế công nhận – và buộc Nga phải chịu trách nhiệm về các hành động của mình. Thất bại của Nga sẽ như thế nào?
TS. Rice: Tôi không muốn nói về việc Nga bại trận. Tôi hy vọng rằng, từ quan điểm của Nga, có thể hiểu rằng họ đã không đạt được mục tiêu của mình. Vì họ chưa đạt được điều đó, thì đó là một thất bại. Bạn biết đấy, mọi người đang nói về việc Kyiv sụp đổ trong năm ngày, người Nga mặc quân phục đi duyệt binh ở Kiev. Rất nhiều điều đạt được khi nói đến những mục tiêu ban đầu của Nga. Bây giờ mục tiêu của Nga là bám trụ lãnh thổ mà họ đã sáp nhập bất hợp pháp. Đó là mục tiêu tiếp theo mà chúng ta cần phải có với việc đẩy lùi người Nga khỏi những tham vọng đã định. Sau đó, chúng ta sẽ xem họ còn đi đâu nữa.
Tôi nghĩ rằng nếu chúng ta tập trung vào nhiệm vụ hiện tại, đó là đảm bảo rằng họ không thể chiếm giữ lãnh thổ bị sáp nhập một cách bất hợp pháp. Có một trận chiến đang diễn ra ở [khu vực] Donetsk vào lúc này; đó sẽ là mặt trận ở miền nam. Nhân tiện, họ cũng không thành công ở phía nam, điều mà họ đã định làm, bạn biết đấy – Kherson đã bị tấn công, nhưng nó được giải phóng. Trong một cuộc chiến, ghi nhớ các mục tiêu dài hạn là điều tốt, nhưng việc giành được các mục tiêu ngắn hạn quan trọng hơn khi bạn tiến về phía trước.
VOA: Chính quyền Hoa Kỳ và cộng đồng chuyên gia có nên chuẩn bị cho khả năng Nga bị rạn nứt để không lặp lại tình trạng năm 1991?
TS. Rice: Không còn nghi ngờ gì nữa, chúng ta nên lập kế hoạch cho mọi tình huống bất ngờ, nhưng tôi vẫn hy vọng rằng sẽ đến lúc một nước Nga khác có thể xuất hiện. Đã có dấu hiệu của điều này. Rất nhiều người đã rời nước Nga khi điều này bắt đầu – những doanh nhân trẻ, những người muốn trở thành một phần của cuộc cách mạng dựa trên tri thức. Này chị Tatiana, tôi có dạy một số người Nga này trong các lớp học của tôi ở trường Stanford. Sẽ có một nước Nga khác vào một ngày nào đó, và hy vọng, nó sẽ diễn ra trong hòa bình.
VOA: Quay trở lại năm 2008, bà có tin rằng phản ứng trước hành động gây hấn của ông Putin ở Gruzia lẽ ra phải mạnh mẽ hơn nhiều và sau đó là một lần nữa vào năm 2014 ở Ukraine? Bà có quy lỗi cho chính quyền Bush và chính quyền Obama sau đó đã không phản ứng đủ mạnh và do đó tạo điều kiện cho ông Putin mở cuộc xâm lược toàn diện không?
TS. Rice: Tôi không biết chúng ta có thể làm gì hơn nữa về Gruzia. Thành thật mà nói, tôi tin rằng chúng tôi đã ngăn chặn tham vọng chiếm Tbilisi của Nga. Họ rõ ràng muốn lật đổ [cựu Tổng thống Gruzia Mikheil] Saakashvili.
Hãy để tôi tận dụng cơ hội này thay mặt cho ông Misha Saakashvili để kêu gọi Gruzia hãy cảm thông. Ông Misha Saakashvili, người đang bị ốm và đang bị bắt giữ. Ông ấy là người mà tôi hy vọng chúng ta sẽ hiểu được vai trò lịch sử của ông ấy và hoàn cảnh nhân đạo ở đó. Nhưng chúng tôi đã ngăn họ khỏi Tbilisi. Gruzia vẫn là một quốc gia độc lập. Đúng vậy, Nga đã có thể chiếm được các vùng lãnh thổ Abkhazia và Nam Ossetia, nhưng thật không may, lực lượng gìn giữ hòa bình đã có mặt ở đó, đó là một sai lầm đã mắc phải sớm hơn nhiều. Tôi muốn thấy các biện pháp trừng phạt mạnh mẽ hơn sau Gruzia. Tất nhiên, chúng tôi đã rơi vào một cuộc khủng hoảng tài chính, và có những vấn đề kinh tế khác.
Crimea, có lẽ đã có thể có những biện pháp trừng phạt mạnh mẽ hơn. Một điều mà tôi sẽ nói về Crimea là người Ukraine và chúng tôi - Châu Âu và Hoa Kỳ - đã sử dụng khoảng thời gian từ khi Crimea bị sáp nhập đến bây giờ để xây dựng một lực lượng phòng thủ Ukraine rất ấn tượng. Quân đội Ukraine chiến đấu như quân đội hiện đại; họ chiến đấu bằng nguỵ trang và cơ động, đó là một phần lý do tại sao người Nga gặp khó khăn như vậy. Họ chiến đấu như một lực lượng thế kỷ 20, 19.
Tôi nghĩ Ukraine đã mạnh hơn sau khi Crimea bị sáp nhập. Tôi nghĩ rằng Ukraine đã bắt đầu hàn gắn một số xung đột nội bộ của mình, và rõ ràng, ý thức mạnh mẽ về bản sắc dân tộc Ukraine đã nổi lên, ngay cả với những người ở phía đông. Mặc dù tôi hy vọng rằng chúng tôi sẽ làm được nhiều hơn, nhưng thời gian đó đã không bị mất đi.
VOA: Bà có bất ngờ trước phản ứng của người Ukraine không, và bà có điều gì muốn nói trực tiếp với người dân Ukraine không?
TS. Rice: Mọi người đều ngạc nhiên trước khả năng của Ukraine, có thể không phải bởi phản ứng. Tôi đã đến Kyiv nhiều lần và tôi cũng đã đến các vùng khác của Ukraine. Tôi hiểu bản sắc của người Ukraine mạnh mẽ đến mức nào. Tôi biết họ yêu ngôn ngữ của họ đến mức nào, ngôn ngữ này rất khác với tiếng Nga. Tôi nói với mọi người rằng tôi nói tiếng Nga rất tốt. Tôi có thể mắc lỗi trong tiếng Ukraina vì chúng không cùng ngôn ngữ. Vâng, tôi biết tất cả những điều đó. Nhưng bạn phải kinh ngạc trước sự thống nhất của đất nước, sự sẵn sàng hy sinh và kỹ năng của các lực lượng Ukraine. Tôi muốn nói với người dân Ukraine: Cảm ơn các bạn. Cảm ơn các bạn đã ủng hộ các nguyên tắc và giá trị mà chúng ta đã tán thành trong suốt những năm qua – quyền tự do cá nhân, quyền tự do và quyền quyết định tương lai của một quốc gia. Nước Mỹ, tôi tin, đang sát cánh với các bạn. Tôi tin rằng người Mỹ đang sát cánh với các bạn.
Tôi rất biết ơn vì người Ukraine đã phản ứng theo cách của họ. Nó rất khó khăn, và nó chắc chắn sẽ tiếp tục khó khăn. Nhưng tôi hy vọng rằng người dân Ukraine cũng tin tưởng, giống như tôi, rằng chúng tôi sẽ sát cánh với các bạn khi kẻ xâm lược bị đẩy lùi và đã đến lúc tái thiết.