Cựu phóng viên báo nhà nước bị phạt tù 8 năm vì ‘chống nhà nước’

Bà Trần Thị Tuyết Diệu tại phiên tòa ngày 23/4/2021. Photo chụp từ báo Thanh Niên

Hôm 23/4, một tòa án ở Phú Yên đã phạt 8 năm tù đối với cựu phóng viên Trần Thị Tuyết Diệu vì đã viết bài, quay video “có nội dung chống nhà nước.” Luật sư bào chữa của bà cho VOA biết bà không nhận tội và nhiều khả năng sẽ kháng cáo.

Luật sư Nguyễn Khả Thành nói với VOA sau phiên xử kéo dài chưa đến 4 giờ.

“Hôm nay lúc 11 giờ tuyên Diệu án 8 năm tù giam. Có lẽ vì Diệu không nhận tội nên có mức án 8 năm như vậy.

“Trước đây Diệu viết báo tình thường. Trong thời gian gần đây Diệu có viết những bài quan tâm đến sự bất công trong xã hội cho nên làm cho người ta khó chịu, nói không tốt về lãnh tụ.”

“Diệu muốn nói rất nhiều nhưng tòa bảo ngưng, nói rằng họ đã hiểu hết rồi, cho nên Diệu cũng không nói được nhiều lắm!”

“Theo tôi chắc chắn Diệu sẽ kháng cáo,” luật sư Nguyễn Khả Thành cho biết thêm.

Your browser doesn’t support HTML5

Tự do Báo chí Thế giới 2021: Việt Nam thuộc nhóm chót bảng

Báo CAND cho biết bà Trần Thị Tuyết Diệu, 33 tuổi, bị bắt ngày 21/8/2020, từng là phóng viên Báo Phú Yên, nhưng đã bị thu hồi thẻ nhà báo vào tháng 1/2018. Chính quyền Việt Nam cáo buộc bà “tuyên truyền chống nhà nước” theo Điều 117 Bộ Luật Hình sự.

Trang VietnamPlus dẫn cáo trạng cho biết, từ tháng 9/2019 đến tháng 4/2020, bà Trần Thị Tuyết Diệu “có hành vi sử dụng máy tính xách tay, điện thoại di động và các thiết bị quay phim để làm, tàng trữ 25 bài viết và 9 video có nội dung chống Nhà nước.”

Chính quyền Việt Nam cáo buộc Tuyết Diệu sử dụng các tài khoản trên mạng xã hội như Facebook “Tuyết Diệu Babel”, “Trần Thị Tuyết Diệu Journalist”, kênh YouTube Tuyết Diệu Trần…để đăng tải bài viết, hình ảnh, video clip có nội dung đòi đa nguyên đa đảng, truyền tải nhiều thông tin về hoạt động của các cơ quan thực thi pháp luật; tỏ thái độ không hợp tác với cơ quan chức năng khi được mời làm việc.

Uỷ ban Bảo vệ Ký giả (CPJ) cho biết bà Trần Thị Tuyết Diệu bị lãnh đạo Báo Phú Yên ép phải nghỉ việc vào năm 2017 như là một hình thức kỷ luật và sau đó thì bị tước thẻ nhà báo.

XEM THÊM: Các tổ chức quốc tế kêu gọi Việt Nam trả tự do ‘ngay lập tức’ cho nhóm Báo sạch

XEM THÊM: Việt Nam bắt giữ nhà báo chuyên điều tra tham nhũng Nguyễn Hoài Nam

XEM THÊM: RSF thúc Việt Nam thả nhà báo bị bắt vì ‘lợi dụng quyền tự do dân chủ’


Gần đây nhiều trường hợp phóng viên báo nhà nước lên tiếng chống tiêu cực bị bắt tại Việt Nam.

Vào tháng 4/2021, ông Nguyễn Hoài Nam, phóng viên báo Pháp luật Thành phố Hồ Chí Minh, bị Công an TP. Hồ Chí Minh bắt tạm giam và khởi tố về tội “lợi dụng các quyền tự do dân chủ.” Ông là một nhà báo chuyên điều tra tham nhũng, đăng những cáo buộc hành vi sai trái nhắm vào các quan chức điều tra hàng đầu của Bộ Công an trên mạng xã hội.

Vào tháng 2/2021, nhà báo Phan Bùi Bảo Thy, trưởng văn phòng đại diện báo Giáo dục và Thời đại, bị công an tỉnh Quảng Trị bắt giam về những bài viết trên Facebook bị nói là bôi nhọ lãnh đạo.

Việt Nam bị đánh giá là một trong những nước có tự do báo chí kém nhất thế giới, xếp hạng 175 trong số 180 quốc gia về Chỉ số Tự do Báo chí Thế giới năm 2021 của tổ chức Phóng viên Không Biên giới (RSF).