Cựu Chủ tịch Việt Nam Trương Tấn Sang mới tiết lộ rằng thảm họa tại nhà máy Fukushima ở Nhật là nguyên nhân khiến Việt Nam từ bỏ kế hoạch xây dựng các nhà máy điện hạt nhân đầu tiên trị giá nhiều tỷ đôla với sự trợ giúp của Tokyo và Moscow, theo Kyodo.
Hãng tin Nhật trích lời ông Sang nói thêm: “Do tình hình thế giới biến động, người dân Việt Nam rất lo ngại, nhất là người dân ở khu vực nơi dự kiến xây các nhà máy điện hạt nhân. Họ phản ứng. Vì thế, chúng tôi phải tạm ngưng [kế hoạch]”.
Hãng tin của Nhật nói rằng đây là cuộc phỏng vấn đầu tiên của ông Sang với một hãng tin nước ngoài kể từ khi rời nhiệm sở tháng Tư năm ngoái.
Các sự cố tại nhà máy điện Fukushima do động đất và sóng thần năm 2011 đã khiến chính quyền Tokyo phải ban bố tình trạng khẩn cấp và sơ tán người dân.
Chính quyền Hà Nội hồi tháng 11 năm ngoái thông báo ngừng dự án điện hạt nhân Ninh Thuận do "thấy không khả thi trong bối cảnh kinh tế Việt Nam hiện nay".
Về lý do ngưng dự án, khi ấy, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng, được VnExpress dẫn lời nói rằng "việc dừng dự án không phải với lý do công nghệ, an toàn".
Sau quyết định của Hà Nội, Nikkei Asian Review, thuộc sở hữu của một trong những tập đoàn truyền thông lớn nhất Nhật Bản, nhận định rằng đó là “một bài học cay đắng” cho Nhật Bản về việc “phải biết rõ khách hàng của mình, dù đó là một cá nhân hay một chính phủ”.
Tờ báo của xứ sở mặt trời mọc đưa tin rằng Nhật Bản giành hợp đồng xây dựng các nhà máy điện hạt nhân ở Việt Nam năm 2010 trong cuộc gặp giữa Thủ tướng nước này khi ấy là ông Naoto Kan và người đồng nhiệm Nguyễn Tấn Dũng.
“Nhật phải đánh giá kỹ càng nhu cầu của nước đối tác và tính khả thi về tài chính của một dự án trước khi thúc đẩy các dự án cơ sở hạ tầng vào một nước nào đó”, Nikkei viết.
Trả lời VOA Việt Ngữ, ông Nguyễn Việt Phương, Nghiên cứu viên về vấn đề hạt nhân thuộc Trung tâm Belfer, Trường hành chính Kennedy, Đại học Harvard, từng nhận định: “Theo tôi, lý do quan trọng nhất của việc dừng dự án điện hạt nhân, đấy là tính kinh tế của điện hạt nhân bây giờ không còn nữa vì hai điều".
"Thứ nhất, nhu cầu điện năng của Việt Nam trong thời gian qua có hãm lại một chút so với thời điểm mình định phát triển điện hạt nhân. Và thứ hai là, việc phát triển điện hạt nhân quả thực là quá đắt trong điều kiện kinh tế của Việt Nam hiện nay”, ông Phương nhận định.
Về quan ngại của người dân, nhà nghiên cứu này cho rằng theo quan sát cá nhân của ông, điện hạt nhân “không bị phản đối kịch liệt như ở một số nước”.
Your browser doesn’t support HTML5