Hôm 2/2, Bộ Công an Việt Nam bắt giam ông Nguyễn Sơn Lộ, cựu viện trưởng Viện nghiên cứu và phát triển SENA ở Hà Nội, theo cáo buộc “Lợi dụng quyền tự do, dân chủ”. Việc bắt ông diễn ra sau hơn 6 tháng bộ này tiến hành điều tra và nói rằng ông có dấu hiệu “tiếp tục phạm tội”.
Giới quan sát lên tiếng rằng việc bắt bớ và sách nhiễu các tiếng nói phản biện của trí thức Việt Nam như trường hợp của ông Lộ là đáng báo động.
“Cơ quan An ninh điều tra Bộ Công an đã ra lệnh bắt bị can để tạm giam, lệnh khám xét chỗ ở và nơi làm việc đối với bị can Nguyễn Sơn Lộ, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu và Phát triển SENA trực thuộc Liên hiệp các Hội khoa học và Kỹ thuật Việt Nam”, Cổng thông tin Bộ Công an loan báo hôm 2/2.
Trước đó, vào ngày 27/7/2022, cơ quan này đã khởi tố ông Lộ về tội “lợi dụng các quyền tự do dân chủ xâm phạm lợi ích của nhà nước, quyền, lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân” quy định tại Điều 331 Bộ luật Hình sự, đồng thời khám xét chỗ ở và nơi làm việc, cấm đi khỏi nơi cư trú, tạm hoãn xuất cảnh đối với ông.
“Trong quá trình điều tra vụ án, bị can Nguyễn Sơn Lộ có dấu hiệu tiếp tục phạm tội”, bộ này cho biết thêm, nhưng không nêu chi tiết.
Bộ Công an Việt Nam chưa phản hồi ngay đề nghị bình luận của VOA liên quan đến trường hợp của ông Lộ.
Ông Nguyễn Sơn Lộ,74 tuổi, là một trong những trí thức có tên tuổi ở Việt Nam trong thời gian qua. Viện SENA của ông thường được dùng làm nơi tổ chức các sự kiện văn hóa, chính trị khá nhạy cảm như các hội thảo về chủ quyền biển đảo hay lên tiếng bảo vệ người dân Ukraine trong cuộc chiến với Nga…
Your browser doesn’t support HTML5
Từ thành phố Hồ Chí Minh, nhà nghiên cứu Đinh Kim Phúc, người từng chứng kiến việc một cuộc hội thảo về Biển Đông và hải đảo Việt Nam tại hội trường của Viện SENA bị ngắt điện trước đây, chia sẻ quan điểm cá nhân của ông hôm 3/2 về việc ông Lộ bị bắt:
“Ở Việt Nam, cái lằn ranh giữa phản biện và ‘chống đối’ đường lối lãnh đạo của đảng và nhà nước rất là mong manh. Giữa phản biện và ‘phản động’, cái ranh giới hầu như không được xác định một cách rõ ràng!”
“Có rất nhiều người có tâm để phản biện, góp ý cho đảng và nhà nước về những chính sách sai lầm chưa phù hợp đối với cuộc sống của người dân, đối với sự phát triển đất nước. Nhưng bên cạnh đó, có những ý kiến bị quy chụp là ‘phá hoại’ đường lối chính sách…”
“Hiện chưa có cáo trạng công khai để xem ông Nguyễn Sơn Lộ có những tội nào, nhưng đối với bản thân tôi, tôi tiếc rằng lại thêm một trí thức lớn nữa lại vướng vào vòng lao lý, nhất là vướng vào Điều 331 của BLHS”.
“Đó là một điều đáng tiếc trong tình hình hiện nay khi mà Việt Nam cần tranh thủ sự ủng hộ của bạn bè quốc tế, của dư luận quốc tế, để tập trung xây dựng kinh tế, tập trung sức mạnh để bảo vệ chủ quyền quốc gia”.
Viện SENA do ông Nguyễn Sơn Lộ thành lập từ năm 1992, là đơn vị có tư cách pháp nhân độc lập, trực thuộc Liên hiệp Các Hội khoa học và kỹ thuật Việt Nam (LH các Hội KHKT).
Hồi đầu tháng 7/2022, LH các Hội KHKT có quyết định đình chỉ hoạt động của Viện SENA. “Việc đình chỉ nhằm thực hiện thủ tục giải thể Viện SENA do vi phạm quy định về thành lập, đăng ký hoạt động và giải thể tổ chức khoa học và công nghệ”, theo trang Pháp Luật Tp. Hồ Chí Minh Online (PLO).
Trang này cho biết rằng chính quyền thành phố Hà Nội từng có quyết định thu hồi căn nhà nơi đặt văn phòng của Viện SENA để mở rộng trụ sở làm việc cho Công an quận Ba Đình, nhưng ông Lộ đã phản đối quyết định này và gửi thư khiếu nại đến nhiều nơi.
Hơn một tuần trước khi ông Lộ bị khởi tố, văn phòng của ông được một số văn sĩ trí thức dùng làm nơi tổ chức hội đàm về văn hoá Ukraine và bày tỏ tình cảm với nhân dân và đất nước Ukraine, với sự hiện diện của tham tán chính trị sứ quán và phu nhân đại sứ nước này. Sự kiện này đang diễn ra thì bị công an cắt điện, trang AsiaNews dẫn lời những người tham dự sự kiện này cho biết.
Đồng thời trang AsiaNews cũng cho biết thêm rằng một số người tham dự buổi tọa đàm bị ngăn chặn trước khi đến đó.
“Việc cắt điện này là hành động bẩn thỉu”, ông Nghĩa Vi Toàn, một công dân ở Hà Nội, nói với VOA.
Được biết, ông Nguyễn Sơn Lộ, người còn có tên khác là Minh Đường, trước đây đã gửi nhiều văn bản và sách góp ý xây dựng Đảng Cộng sản Việt Nam.
Truyền thông Việt Nam xác nhận việc ông Lộ ở Viện SENA gửi thư ngỏ góp ý xây dựng văn kiện Đại hội XIII của Đảng, nhưng nói thêm rằng đó “thực chất là một hình thức thể hiện quan điểm sai trái, phụ họa cho những luận điệu xuyên tạc chống đảng, nhà nước”.
XEM THÊM: Phúc trình toàn cầu 2023 của HRW: Việt Nam gia tăng đàn áp các tổ chức phi chính phủTrong một bài viết với tựa đề “Việt Nam đóng không gian pháp lý đối với xã hội dân sự” đăng trên trang web của Viện Pháp lý Hoa Kỳ-Châu Á hôm 31/1, nhà nghiên cứu, giáo sư Mark Sidel, báo động về xu hướng bóp nghẹt những tiếng nói phản biện trong giới trí thức Việt Nam.
“Ở Việt Nam, một nhà nước cộng sản độc đảng, trước đây đôi khi có thái độ linh hoạt hơn đối với xã hội dân sự, không gian cho các hoạt động đã bắt đầu bị thu hẹp trong những năm gần đây. Hiện nay, Việt Nam là một ví dụ điển hình về nhiều cách mà các chính phủ độc tài hoặc phi dân chủ có thể bóp nghẹt xã hội dân sự vào thời điểm mà nước này đang chuẩn bị phát triển”, ông Sidel nhận định.
Ông lưu ý rằng chính quyền Hà Nội đã bắt đầu sử dụng các điều luật về thuế và các điều khoản khác của Bộ luật Hình sự để tống giam các nhà lãnh đạo xã hội dân sự với tội danh “trốn thuế”, “tuyên truyền chống nhà nước” và “lợi dụng các quyền tự do dân chủ”.
Ông Mark Sidel, giáo sư luật và quan hệ công chúng thuộc Đại học Wisconsin-Madison, đơn cử hai trường hợp gần đây là nhà vận động môi trường Ngụy Thị Khanh, Giám đốc Trung tâm GreenID, đang thụ án 21 tháng tù về tội “trốn thuế”; và cũng với tội danh này, vào tháng trước, chính quyền Hà Nội bắt giam tiến sĩ Hoàng Ngọc Giao, Viện trưởng Viện nghiên cứu Chính sách, Pháp luật và Phát triển.
Vị giáo sư Mỹ nhận định rằng nhà chức trách Việt Nam chẳng những dùng các bộ luật hiện hành để thực hiện cuộc đàn áp những tiếng nói phản biện, mà còn dùng các biện pháp để thắt chặt khuôn khổ pháp lý đối với hoạt động của các tổ chức phi chính phủ.