Nhận định của ông Võ Văn Thưởng - Ủy viên Bộ Chính trị, Thường trực Ban Bí thư đảng CSVN – khi phát biểu bế mạc Hội nghị toàn quốc Nghiên cứu, học tập, quán triệt Nghị quyết Hội nghị lần thứ 5 của Ban Chấp hành Trung ương (BCH TƯ) đảng CSVN khóa 13 (*), giống như chuyển bùn từ ao này sang ao khác và giới lãnh đạo đảng vẫn thế, vẫn không nhận bất kỳ trách nhiệm nào về thực trạng tồi tệ của hệ thống chính trị, hệ thống công quyền hiện nay.
***
Dẫn lại ý kiến của bà Trương Thị Mai – Trưởng Ban Tổ chức của BCH TƯ đảng: Xét cho cùng mọi chuyện, cuối cùng cũng liên quan tới tổ chức cơ sở đảng, đảng viên, vậy cần có sự thẳng thắn có tính đột phá trong một số khâu trong công tác xây dựng tổ chức đảng, đảng viên... ông Thưởng thừa nhận: Cơ chế được thiết kế thành "không vào đảng không làm quan được", không vào đảng không học cao cấp lý luận chính trị và không học cao cấp lý luận chính trị sẽ không được bổ nhiệm phó phòng, trưởng phòng...
Với cơ chế “rất khó có cơ sở để đánh giá vào đảng vì mục tiêu lý tưởng hay để làm quan” và “nhiều cán bộ bị kỷ luật, thậm chí ra tòa nhưng trước đó đều được xếp loại hoàn thành tốt, hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ” nhưng khi đưa ra kết luận nhằm chỉ đạo hội nghị toàn quốc của đảng cầm quyền, nhân vật là Thường trực Ban Bí thư, đại diện Bộ Chính trị chỉ... than: “Nêu ra nhiệm vụ, giải pháp phải cụ thể hóa rất cao” và đó là... “việc rất khó”, cho nên không biết... “khắc phục thế nào” thì đúng là... hết ý!
Tương tự, chẳng riêng ông Thưởng, trong Hội nghị toàn quốc Nghiên cứu, học tập, quán triệt Nghị quyết Hội nghị lần thứ 5 của BCH TƯ đảng CSVN khóa 13, ông Nguyễn Phú Trọng – Tổng Bí thư đảng CSVN - dẫn lại lời của Lênin “thà ít mà tốt” song chỉ lập lại như thế rồi thôi. Ông Thưởng – đại diện Bộ Chính trị - lặp lại điều này thêm một lần nữa kèm thắc mắc: Thà ít mà tốt sẽ thực hiện như thế nào?... rồi để đó! Thái độ này có khác gì thừa nhận đã thấy, đã biết và chỉ cần nêu ra là... “hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ”?
Với lối tư duy và kiểu hành xử như thế, giới lãnh đạo đảng, đồng thời đã cũng như đang lãnh đạo hệ thống chính trị, hệ thống công quyền Việt Nam, mà đại diện là ông Trọng, ông Thưởng cương quyết chỉ... vuốt đuôi: “Chúng ta nói nhiều câu rất hay ‘dựa vào dân để xây dựng đảng, dựa vào dân để chống tham nhũng, tiêu cực, dựa vào dân để lựa chọn cán bộ, cán bộ thế nào thì dân tình biết hết’. Rất nhiều văn bản, nghị quyết nhưng vai trò thực tế của Mặt trận tổ quốc và tổ chức chính trị xã hội thể hiện như thế nào?”.
Nếu những cá nhân cỡ như Tổng Bí thư, Thường trực Ban Bí thư thực sự không biết hiện trạng chính trị - kinh tế - xã hội như thế nào, loay hoay mãi mà vẫn không biết phải làm sao để dựa được vào dân nhằm chống tham nhũng, tiêu cực, lựa chọn cán bộ thì tốt nhất nên từ nhiệm để người khác làm. Nếu ở hội nghị quy mô toàn quốc mà các đại diện chủ chốt của đảng cầm quyền cũng bí như lãnh đạo đảng, cùng thấy là rất khó, không ai hiến được kế nào để xác định giải pháp thì đảng ấy nên nhường chỗ cho đảng khác.
Chắc chắn chỉ ở Việt Nam mới có chuyện cá nhân đại diện giới lãnh đạo đảng cầm quyền yêu cầu các thành viên chủ chốt trong đảng đang lãnh đạo hệ thống chính trị, hệ thống công quyền từ trung ương tới địa phương... “xem tivi để biết xã hội đang nổi lên cái gì, dân tình đang bức xúc chuyện gì, những mô hình nào hay, chỗ nào còn tồn tại hạn chế để chỉ đạo giải quyết khắc phục”. Nếu thật sự “tivi” tuyệt diệu như vậy, sao không nhường chỗ cho “tivi” lãnh đạo quốc gia, dân tộc?
Chú thích