Cử tri Mỹ đi bầu để phán xét về Tổng thống Donald Trump

Đây là kỳ bầu cử giữa kỳ mà người dân Mỹ tích cực đi bầu

Cử tri Mỹ hôm 6/11 đã đi bỏ phiếu với mối quan tâm về đoàn xe di dân đang di chuyển trong lãnh thổ Mexico, bảo hiểm y tế, tiền lương của họ và bầu không khí chính trị độc hại vốn đã chia rẽ đất nước và thậm chí gây chia rẽ trong gia đình và giữa bạn bè theo lằn ranh đảng phái.

Trong một cuộc bầu cử giữa kỳ không giống như bất kỳ lần nào trước đây, các cử tri sẽ bỏ phiếu với một người trong đầu: Tổng thống Donald Trump – nhiều hơn bất cứ vấn đề nào khác.

“Tôi chưa bao giờ nghĩ là đất nước này sẽ bầu Donald Trump lên làm tổng thống,” ông Kimball Blake, 61 tuổi, một kỹ sư năng lượng ở Knoxville, bang Tennessee, nói và gọi nhiệm kỳ tổng thống của ông Trump là ‘nhân tố sâu sắc’ khiến ông quyết định bầu cho Đảng Dân chủ trong cuộc đua vào Thượng viện của bang ông. “Nó khiến tôi phải đi bầu trong năm nay. Thông thường tôi không có động lực đi bầu lớn như vậy.”

Người Mỹ đã lũ lượt đi bỏ phiếu hôm 6/11 – một số người đã xếp hàng từ trước lúc mặt trời mọc, một số người đứng chờ hàng giờ hay đứng dưới trời mưa hay trời tuyết – để bỏ lá phiếu quyết định ai sẽ nắm quyền kiểm soát Quốc hội cũng như đưa ra phán quyết về hai năm đầu của nhiệm kỳ Tổng thống Trump. Kết quả cuộc bầu cử này sẽ tái định hình lại bức tranh chính trị Mỹ trong nhiều tháng và nhiều năm tới.

Đảng Dân chủ cần giành thêm được 23 trong tổng số 435 ghế nữa để kiểm soát Hạ viện. Họ hy vọng tận dụng sự giận dữ của các cử tri tự do sau chiến thắng bất ngờ của ông Trump hồi năm 2016.

“Sự căm thù của tôi đối với ông ta là không có giới hạn,” bà Kathleen Ross, một giáo sư đại học 69 tuổi về hưu, nói trong khi bà bỏ phiếu cho Đảng Dân chủ ở Olympia, Washington. Bà tự tin rằng nước Mỹ cuối cùng cũng sẽ bác bỏ chủ nghĩa Trump và cách điều hành gây chia rẽ mà nó đại diện. “Tôi nghĩ rằng vũ trụ sẽ đi về hướng công lý, cho nên tôi không nản lòng.”

Ông Trump đã tìm cách chống lại sự giận dữ đó bằng cách gây ra tức giận và sợ hãi trong số những người ủng hộ ông. Trong những tuần gần đây, ông đã tập trung sự chú ý vào đoàn xe di dân đến từ Trung Mỹ để trốn khỏi cảnh đói nghèo và bạo lực mà ông gọi là ‘sự xâm lăng’ của những kẻ tội phạm và khủng bố.

Ông đã cho đăng một đoạn quảng cáo vận động cho bầu cử về di dân mang tính thù hằn sắc tộc đến nỗi ba đài truyền hình cáp lớn ở Mỹ, trong đó có Đài Fox News vốn ủng hộ ông Trump nhiệt thành, hoặc là từ chối phát sóng nó hoặc là cuối cùng quyết định ngừng phát sóng.

Tuy nhiên, trong số các cử tri Cộng hòa, thông điệp này lại có tiếng vang.

“Những gì đang diễn ra hiện nay thật sự đáng sợ đối với tôi, ở biên giới với tất cả những người này đang đến, và tôi không nghĩ rằng tôi là người cứng rắn hay đại loại như thế,” bà Patricia Maynard, một giáo viên 63 tuổi về hưu ở Skowhegan, tiểu bang Maine, nói.

Khi bà bỏ phiếu cho ông Trump hồi năm 2016, kinh tế của dân lao động là nỗi ưu tư chính của bà. Giờ đây, bà nói rằng, di dân là vấn đề hàng đầu. Bà than thở rằng Quốc hội cho đến nay vẫn không thông qua được đạo luật để xây dưng bức tường biên giới mà ông Trump hứa hẹn. Do đó, bà bầu cho Đảng Cộng hòa với hy vọng rằng phe Cộng hòa tiếp tục kiểm soát Quốc hội để thúc đẩy nghị trình của ông Trump.

Ở Westerville, bang Ohio, Judy Jenkins nói bà ủng hộ quyết định của ông Trump điều quân tới biên giới Mỹ-Mexico để chặn đoàn di dân – một động thái mà những người chỉ trích cho là không cần thiết và chỉ là sự khoa trương về chính trị do các di dân này chỉ yếu là đi bộ và hiện còn cách biên giới cả trăm dặm.

“Chúng ta không biết đoàn di dân đó sẽ đem tới những gì,” Jenkins, người gọi ông Trump là ‘người tôi ủng hộ’, nói mặc dù bà thừa nhận rằng bà thấy sốc trước những gì ông Trump phát ngôn. “Có ai mà hoàn hảo đâu chứ?” bà nói.

Đối với nhiều người có quan điểm chính trị đối lập thì tranh cãi về đoàn xe di dân là điều mà họ thấy không thể chấp nhận được về chính quyền của ông Trump.

“Ông ấy vẫn luôn sử dụng chiến thuật gây sợ hãi và tìm kiếm kẻ thù để kêu gọi mọi người đoàn kết chống lại,” anh Enrique Padilla, 24 tuổi, ở Grand Rapids, tiểu bang Michigan, nói. Padilla cho biết gia đình anh là một ví dụ của giấc mơ Mỹ. Cha anh di cư từ Mexico đến Mỹ khi ông 18 tuổi, nuôi gia đình và giờ đây Padilla đã có bằng đại học. Việc ông Trump liên tục thể hiện thái độ thù địch đối với các di dân đã khiến anh và nhiều người đồng trang lứa với anh bỏ phiếu chống lại Đảng Cộng hòa, Padilla nói.

Ở Louisville, bang Kentucky, bà Mary Cross, một cử tri Mỹ gốc Phi nói bà tin rằng ông Trump sử dụng những vấn đề như di dân để làm xao lãng cử tri khỏi những vấn đề quan trọng hơn và qua đó đưa vào xã hội nỗi sợ và sự nghi ngờ. “Họ tạo ra nỗi sợ. Nó thật không văn minh. Đó là sự hỗn loạn không vì lý do gì cả. Nó không có cơ sở,” bà Cross nói và cho biết rằng nước Mỹ nên nói về chiến dịch do Đảng Cộng hòa thúc đẩy để đảo ngược Đại luật Chăm sóc sức khỏe Phải chăng vốn bảo vệ những người đã mắc bệnh từ trước.

Bà Cross, cũng như những người khác, bày tỏ tâm trạng bất an và đau buồn cao độ về tình trạng của bầu không khí chính trị nước Mỹ. Cuộc bầu cử diễn ra chỉ một vài ngày sau khi một loạt các tội ác do thù hận và tấn công chính trị, trong đó có các bom thư gửi đến những người chỉ trích ông Trump mà ông thường gọi là ‘quỷ dữ’ và ‘kẻ thù’. Ở nơi bà Cross sống, một tay súng đã tìm cách đột nhập vào một nhà thờ có đông đảo tín đồ da đen nhưng phát hiện ra cửa bị khóa và do đó đã đi đến một cửa hàng gần đó nơi hắn đã bắn hạ hai người Mỹ gốc Phi lớn tuổi đang mua hàng trong một vụ việc mà cảnh sát gọi là tội ác do thù hận.

Tổng thống của chúng ta, với giọng điệu và ngôn ngữ thô tục của ông ấy, tiếp tục đổ xăng vào lửa. Sự kỳ thị sắc tộc lúc nào cũng có, nhưng kể từ khi ông ấy vào Nhà Trắng, mọi người thoải mái thể hiện nó và cảm thấy hạnh phúc vì điều đó,” Mục sư Kevin Nelson ở nhà thờ ở Louisville mà tay súng tìm cách đột nhập, nói.

Nhiều cử tri nói rằng sự chia rẽ chính trị đã bao trùm lấy cuộc sống hàng ngày của họ. Vào đêm trước bầu cử, trung tâm The Simon Wiesenthal Center công bố một khảo sát cho thấy một phần tư người Mỹ đã mất bạn bè do bất đồng chính trị.

Odell White, một người Mỹ gốc Phi bảo thủ 60 tuổi, mô tả những tranh luận chính trị ở nước Mỹ là ‘đi về hướng nội chiến’.

“Chúng ta đang ở gần một cách nguy hiểm đến tình trạng đó – anh em chém giết lẫn nhau,” ông White, người ủng hộ ông Trump và bầu cho Đảng Cộng hòa, nói. Bạn bè của ông đã xa lánh ông vì lập trường chính trị của ông. White nói bản thân ông không thích những luận điệu hung hăng của ông Trump nhưng ông sẵn sàng bỏ qua do nền kinh tế đang bùng nổ và hai thẩm phán bảo thủ mà ông Trump đưa vào Tối cao Pháp viện.

Tuy nhiên, đối với một số người, chủ nghĩa Trump là quá sức chịu đựng.

Ở Portland, Maine, Josh Rent, một chủ doanh nghiệp nhỏ 43 tuổi và là cử tri Đảng Cộng hòa, cho biết lần đầu tiên ông bỏ phiếu cho toàn bộ các ứng viên Dân chủ trên lá phiếu để phản đối Trump, người mà ông tin rằng đang chia rẽ nước Mỹ một cách không cần thiết để phục vụ cho mục đích chính trị của riêng ông.

“Ông ấy thật bẩn thỉu,” ông nói. “Theo ý kiến của tôi, cuộc sống không cần phải bẩn thỉu như vậy.”