Đặc phái viên của Trung Quốc về Ukraine ngày 2/6 kêu gọi các chính phủ “ngừng đưa vũ khí ra chiến trường” và kêu gọi đàm phán hòa bình vào thời điểm Washington và các đồng minh châu Âu đang tăng cường cung cấp phi đạn và xe tăng cho lực lượng Ukraine đang cố chiếm lại lãnh thổ bị Nga chiếm đóng.
Ông Lý Huy nói các quan chức Nga và Ukraine sẵn sàng đàm phán hòa bình, nhưng ông không đưa ra dấu hiệu nào cho thấy chuyện này sắp xảy ra.
Chính phủ của nhà lãnh đạo Trung Quốc Tập Cận Bình nói rằng họ trung lập và muốn làm trung gian hòa giải nhưng đã ủng hộ Moscow về mặt chính trị. Các nhà phân tích nước ngoài nhận thấy rất ít cơ hội tiến triển từ các chuyến thăm của ông Lý tới các nước vì không bên nào sẵn sàng ngừng chiến, nhưng việc cử một phái viên đã cho Bắc Kinh cơ hội mở rộng vai trò ngoại giao toàn cầu của mình.
“Trung Quốc tin rằng nếu chúng ta thực sự muốn chấm dứt chiến tranh, cứu người và thực hiện hòa bình, thì điều quan trọng là chúng ta phải ngừng đưa vũ khí ra chiến trường, nếu không căng thẳng sẽ chỉ leo thang”, ông Lý nói với các phóng viên.
Trung Quốc là chính phủ lớn duy nhất có quan hệ tốt với cả Nga và Ukraine và có đòn bẩy là một trong những thị trường xuất khẩu lớn nhất của cả hai. Quyết định của ông Tập cử phái viên được chính phủ Ukraine hoan nghênh nhưng đặt ra câu hỏi về động cơ của Trung Quốc sau khi Bắc Kinh tuyên bố họ có “tình bạn không giới hạn” với Điện Kremlin trước cuộc xâm lược vào tháng 2/2022.
Bắc Kinh đã đưa ra một kế hoạch hòa bình vào tháng 2 năm nay, nhưng các đồng minh của Ukraine khẳng định Tổng thống Vladimir Putin trước tiên phải rút lui lực lượng ra khỏi Ukraine.
“Mục tiêu của Trung Quốc là thúc đẩy các cuộc đàm phán hòa bình và chấm dứt chiến sự,” ông Lý, cựu đại sứ tại Moscow, nói.
Các chính phủ châu Âu đã hứa với Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelenskyy phi đạn, xe tăng và máy bay không người lái khi ông đến thăm Anh, Pháp và Đức vào giữa tháng Năm. Ukraine đã nhận được các hệ thống chống phi đạn Patriot từ Mỹ, Đức và Hà Lan. Hoa Kỳ, Tây Ban Nha, Đức và Pháp đã cam kết cung cấp tổng cộng 300 xe tăng.
Tổng thống Hoa Kỳ Joe Biden trước đó đã cảnh báo ông Tập về những hậu quả nếu Bắc Kinh cung cấp vũ khí hoặc vật tư quân sự để hỗ trợ cuộc xâm lược của Nga. Trung Quốc đang mua thêm dầu và khí đốt của Nga, giúp tăng doanh thu xuất khẩu của Điện Kremlin sau khi Hoa Kỳ, Châu Âu và Nhật Bản cắt hầu hết các giao dịch mua bán. Tuy nhiên, Trung Quốc dường như đang tránh bất cứ điều gì có thể kích hoạt các lệnh trừng phạt của phương Tây.
Ông Lý lặp lại lời kêu gọi của Bắc Kinh về việc tôn trọng “sự toàn vẹn lãnh thổ của tất cả các quốc gia” nhưng không đưa ra dấu hiệu nào cho thấy Trung Quốc đang thúc ép Moscow trả lại lãnh thổ đã chiếm của Ukraine. Các lực lượng của ông Putin chiếm bán đảo Crimea và một phần miền đông Ukraine với dân số chủ yếu nói tiếng Nga.
“Trung Quốc ủng hộ phương cách cân bằng và chính đáng để giải quyết các mối lo ngại về an ninh,” ông Lý nói.
Ông Lý, người cũng đã đến thăm Ba Lan, Pháp, Đức và trụ sở Liên hiệp châu Âu, cho biết Bắc Kinh sẵn sàng cử phái đoàn thứ hai để thảo luận về một “dàn xếp chính trị” có thể xảy ra nhưng không đưa ra dấu hiệu nào về động thái tiếp theo của Trung Quốc.
Ông Lý đã nhiều lần ám chỉ những người bên ngoài “đổ thêm dầu vào lửa” và đưa ra những bình luận “làm trầm trọng thêm tình hình”. Ông không nêu tên bất kỳ bên nào nhưng sử dụng ngôn ngữ mà các quan chức Trung Quốc dùng khi chỉ trích sự thống trị của Hoa Kỳ trong các vấn đề toàn cầu.
“Ai là kẻ gây rối thực sự trên thế giới và là mối đe dọa an ninh thực sự trên thế giới? Cộng đồng toàn cầu hiểu sâu sắc về điều đó,” ông Lý nói.
Ông Lý bênh vực “quan hệ đối tác hợp tác chiến lược” của Bắc Kinh với Nga là có lợi hơn cho thế giới so với các chính phủ khác mà ông không nêu tên.
Ông nói: “So với hành động của một số nước, bám vào tâm lý Chiến tranh Lạnh, liên kết với các nước khác, tạo ra các nhóm nhỏ để đối đầu khối và thực hiện các hành động bá quyền bắt nạt, đây là những cách làm hoàn toàn khác.”
Ông Lý chỉ trích một bản tin của Wall Street Journal, trích dẫn các quan chức giấu tên, rằng ông đã đề nghị một lệnh ngừng bắn để Nga kiểm soát lãnh thổ Ukraine. Ông bác bỏ điều đó là “không phù hợp với sự thật” và cho rằng bất cứ ai lan truyền câu chuyện đó có thể muốn phá hoại các nỗ lực hòa bình.
“Đó là một động thái gieo rắc bất hòa giữa Trung Quốc và Ukraine,” ông Lý nói.
Ông Lý cũng kêu gọi thực hiện các bước để bảo vệ nhà máy điện hạt nhân Zaporizhzhia bị Nga chiếm đóng, thêm vào lời kêu gọi của Cơ quan Năng lượng Nguyên tử Quốc tế trong tuần này để cả hai bên cam kết ngăn chặn bất kỳ cuộc tấn công nào vào cơ sở này để tránh một “tai nạn thảm khốc”.
Giao tranh bảy lần đã làm gián đoạn nguồn cung cấp điện.
“Tất cả các bên cần gánh vác trách nhiệm đảm bảo an toàn cho các cơ sở hạt nhân và hạ nhiệt tình hình,” ông Lý nói.