Đặc sứ Trung Quốc tại Triều Tiên hôm 26/1 cho hay có những lý do "phức tạp" khiến ông chưa tới nước này, nhưng những nỗ lực của Trung Quốc giúp đưa tới việc giải trừ hạt nhân bán đảo Triều Tiên và thúc đẩy hòa bình vẫn không ngơi nghỉ và không thay đổi.
Phó Bộ trưởng Ngoại giao Trung Quốc, Khổng Huyễn Hựu, một người gốc Triều Tiên, trở thành đặc sứ của Bắc Kinh tại Triều Tiên vào tháng 8 năm ngoái.
Người tiền nhiệm của ông, Ngô Đại Vĩ, thực hiện chuyến thăm Triều Tiên được loan báo công khai lần gần đây nhất là vào năm 2016, kêu gọi kiềm chế sau khi Triều Tiên công bố kế hoạch phóng vệ tinh lên quỹ đạo bằng một rocket tầm xa.
"Lý do tôi vẫn chưa đến Triều Tiên kể từ khi được bổ nhiệm làm đặc sứ của chính phủ Trung Quốc về vấn đề bán đảo Triều Tiên là rất phức tạp," ông Khổng nói với các phóng viên.
"Nhưng cho dù tôi có đến Triều Tiên hay không, lập trường vững chắc của chúng tôi theo đuổi duy trì hòa bình và ổn định trên bán đảo và quá trình giải trừ hạt nhân vẫn không thay đổi," ông nói thêm.
"Công tác hòa giải ngoại giao chủ động của chúng tôi vẫn không dừng lại dù chỉ một chút."
Tống Đào, người đứng đầu ban liên lạc đối ngoại trung ương Đảng Cộng sản Trung Quốc, là quan chức cao cấp gần đây nhất từ Trung Quốc sang thăm Bình Nhưỡng vào tháng 11.
Ông Tống đến để thảo luận về kết quả đại hội Đảng ở Trung Quốc, và các tuyên bố của cả hai nước đều không đề cập đến cuộc khủng hoảng hạt nhân.
Triều Tiên đã tỏ ra ít quan tâm hơn đến việc đối phó với Trung Quốc về mặt ngoại giao liên quan tới chương trình vũ khí của họ hoặc nghe lời thúc giục của Bắc Kinh.
Trung Quốc là đồng minh thân cận nhất của Triều Tiên, nhưng Trung Quốc đã tức giận về các vụ thử phi đạn và hạt nhân của Triều Tiên và đã chấp thuận các biện pháp chế tài Liên Hiệp Quốc nhắm vào đất nước bị cô lập này.