Hôm 6/9, một đại diện Bộ Công an Việt Nam đã cập nhật thông tin với báo giới về vụ bà cựu Đại biểu Quốc hội Châu Thị Thu Nga dính líu đến một vụ lừa đảo lớn liên quan đến một dự án nhà đất. Đại diện của Bộ cho hay bà Nga khai nhận đã chi khoảng 1,5 triệu đôla, tương đương hơn 30 tỉ đồng, cho một doanh nghiệp để nhờ lo các thủ tục cho bà Nga ứng cử đại biểu Quốc hội khóa 13.
Sáng 8/9, Tổng Thư ký Quốc hội hiện nay, ông Nguyễn Hạnh Phúc, nói với báo giới rằng cá nhân ông "chưa nhận được thông tin này". Ông nói thông tin này chưa kiểm chứng, cơ quan điều tra đang làm rõ, nhưng “phải kiểm chứng ngay để tránh ảnh hưởng đến uy tín của Quốc hội”.
Đồng quan điểm với ông Phúc, Đại biểu Quốc hội Dương Trung Quốc nói với VOA rằng nhà chức trách “phải phanh phui” vụ việc và làm rõ việc “chạy” ghế Quốc hội liên quan đến khâu nào:
“Rõ ràng những gì đang diễn ra hiện nay làm cho người ta cũng có thể băn khoăn, là bởi vì có một số đại biểu Quốc hội mà bộc lộ ngay từ rất sớm là mình không được cái sự tín nhiệm xứng đáng. Thì cái điều đó tôi nghĩ cũng cần phải làm cho rõ: tại sao, cơ chế nào mà những người đó có thể lọt vào được”.
Nhận xét rằng nếu quả thực bà Nga, người đã bị Quốc hội bãi nhiệm hồi tháng 6 năm ngoái, dùng hàng chục tỷ để “chạy” vào Quốc hội, đó là “chuyện trời”, song Tổng thư ký Nguyễn Hạnh Phúc tỏ ý nghi ngờ về tính sáng suốt của việc này. Phát biểu với báo giới, ông Phúc nói rằng một người nào đó “cần ‘mác’ đại biểu Quốc hội để lợi dụng chuyện này khác là sự nhầm tưởng”.
Đại biểu Dương Trung Quốc phân tích thêm là một cá nhân khi là đại biểu Quốc hội khó có thể tác động thay đổi chính sách nhưng vẫn có thể thu được “danh và lợi” qua các mối quan hệ xã hội.
Ông nói:
“Cái danh thì tôi nghĩ ai cũng muốn cả. Người ta quan niệm đấy là cái nhãn mác để có thể tăng cường hơn cái mối quan hệ xã hội và có lợi cho việc kinh doanh của họ. Chứ còn tôi nghĩ rằng tác động vào những hoạt động của Quốc hội chắc cũng chẳng có bao nhiêu. Thí dụ như là xây dựng hệ thống pháp luật chẳng hạn, hoặc là tác động vào quá trình giám sát, v.v… hay những quyết định lớn của quốc gia là 3 chức năng chủ yếu của đại biểu Quốc hội thì không nhiều. Nhưng tôi cho là cái danh và đặc biệt là cái mối quan hệ xã hội. Nói cách khác là họ sẽ gia nhập cái nhóm người ta gọi là nhóm lợi ích đấy”.
Khi được hỏi đối với một cáo buộc hối lộ lên đến hàng chục tỷ đồng có thể dính líu nhiều quan chức cấp cao, liệu việc điều tra có thể đi đến cùng không hay sẽ dừng lại khi nó có thể làm rúng động chính quyền, ông Quốc nhận định:
“Có lẽ câu hỏi của anh chỉ dùng chữ ‘Hãy đợi đấy’ là tốt nhất. Còn tất nhiên là dư luận xã hội và tôi nghĩ chắc cái tin này đưa ra thì các đại biểu Quốc hội cũng sẽ phải bày tỏ quan điểm của mình trong tổ chức của mình”.
Bà Châu Thị Thu Nga, 51 tuổi, từng là Chủ tịch kiêm Tổng giám đốc Công ty cổ phần Tập đoàn Đầu tư xây dựng Nhà đất. Bà là đại biểu Quốc hội khóa 13 nhưng giữa năm 2015 bà đã bị bãi miễn chức vụ Đại biểu Quốc hội và đã bị truy tố do liên quan đến vụ án lừa đảo chiếm đoạt tài sản với số tiền lên đến hơn 377 tỉ đồng.