Hình ảnh hàng ngàn nạn dân, kể cả người già, trẻ con lũ lượt rời khỏi TP.HCM vào sáng 15 tháng 8, sau khi chính quyền nơi này quyết định kéo dài thời gian cô lập thêm một tháng (1), cung cấp thêm bằng chứng, chứng minh những tuyên bố rổn rảng của hệ thống chính trị, hệ thống công quyền từ trung ương tới địa phương tại Việt Nam chỉ là… “chót lưỡi, đầu môi”. Nguyên nhân dẫn tới đợt di tản thứ hai khỏi đô thị sầm uất, năng động nhất Việt Nam trong vòng chưa đầy một tháng vẫn là… tuyệt vọng.
Đợt dịch COVID-19 thứ tư tại Việt Nam sắp tròn bốn tháng. TP.HCM tự cô lập và bị cô lập sắp tròn ba tháng. Hỗ trợ chỗ ở, phân phát thực phẩm, thậm chí giúp đỡ thuốc men, thiết bị trợ thở,… chủ yếu vẫn phụ thuộc vào… từ tâm. Những người kiệt quệ sớm nhất, bi quan nhất đã ra đi trước, giờ tới lượt những người từng lạc quan hơn vì có thể cầm cự lâu hơn. Cư dân các địa phương khác tìm tới TP.HCM còn có chỗ lánh nạn. Còn cư dân TP.HCM có thể chạy đi đâu?
Nếu được trợ giúp ngay từ đầu về chốn nương thân, miếng ăn, yên tâm vì sẽ được cấp cứu kịp thời, thích đáng khi chẳng may bị nhiễm COVID-19, chắc chắn không có đợt di tản thứ hai như vừa thấy! Tuy nhiên các chính sách hỗ trợ, gói cứu trợ, kể cả cứu trợ được xem là… táo bạo chưa từng có (2) vẫn… đang ở đâu đó! Trợ cấp tiền, trợ cấp thực phẩm còn… hiếm thì mơ gì đến trợ cấp giúp an cư cho cả người thuê nhà lẫn người có nhà cho thuê, dù nhiều người tiếng là chủ nhà trọ nhưng đang là con nợ của nhiều nơi vì vay đầu tư! Hết hệ thống chính trị tới hệ thống công quyền dõng dạc tuyên bố: “Không bỏ ai lại phía sau” nhưng không cho ai thiếu tiền điện, tiền nước, phí viễn thông (Internet, điện thoại)… Những dịch vụ thiết yếu với dân sinh vẫn thu đúng, thu đủ không để sót đồng nào! Làm sao để sống - giờ không còn là câu hỏi của riêng những thành phần xưa nay vẫn được xem là yếu thế trong xã hội Việt Nam, đó là trăn trở chung của tất cả các giới khi nền móng bảo đảm khả năng hồi phục (vốn liếng, nhân lực) đã tan hoang!
***
Đại dịch đã bày ra cho mỗi cá nhân và từng giới cảm nhận tường tận thế nào là… “tài tình, sáng suốt” và “ưu việt” của hệ thống chính trị, hệ thống công quyền Việt Nam.
Trong 18 tháng tính từ khi COVID-19 lan rộng trên toàn cầu, những hệ thống này không học được gì hữu ích. Vì Chiến lược phòng, chống dịch vẫn chỉ xoay quanh “truy vết, cách ly, cô lập” và… không thèm bận tâm về vaccine nên Thủ tướng tiếp tục hô hào “đi từng ngõ, gõ từng nhà, rà từng đối tượng” - giống như thưở thúc ép đồng bào đề cao cảnh giác với kẻ thù hữu hình, cho đến khi thực tế chứng minh Chiến lược phòng, chống dịch ấy đã khiến thảm họa gia tăng mức độ thiệt hại cả về nhân mạng lẫn tài sản.
Giờ, Thủ tướng tiếp tục phát động… Phong trào đặc biệt “Cả nước đoàn kết, chung sức, đồng lòng thi đua phòng, chống và chiến thắng đại dịch COVID-19” (3).
Cả nước có bao gồm các viên chức lãnh đạo hệ thống chính trị, hệ thống công quyền từ trung ương đến địa phương không?
Nếu có, chẳng lẽ đoàn kết, chung sức, đồng lòng thi đua phòng, chống và chiến thắng đại dịch COVID-19 sẽ tính cả những trường hợp như Thanh Hóa: Giữa đại dịch, tổ chức hội nghị chọn mẫu xây dựng quần thể tượng đài “Con tàu tập kết” trị giá 255 tỉ đồng mà theo dự kiến, sẽ khởi công vào quý tới (4)? Hay tính cả những trường hợp như Nghệ An: Giữa lúc dân chúng quằn quại vì thiếu thốn, bệnh tật, mất mát vẫn tổ chức hội nghị bàn việc xây dựng Thác chín tầng, trị giá 1.625 tỉ để tôn vinh… thân mẫu ông Hồ Chí Minh (5).
Có cần đoàn kết, chung sức, đồng lòng thi đua phòng, chống và chiến thắng đại dịch COVID-19 để từ trên xuống dưới, từ Nam ra Bắc không những hỗn loạn, mà còn góp phần gia tăng lây nhiễm COVID-19 vì thực thi kiểm soát… “thực phẩm, hàng hóa thiết yếu”, vì… “giấy đi dường phải có UBND phường nơi làm việc xác nhận”, vì… “khai báo di biến động dân cư”?.. Đoàn kết, chung sức, đồng lòng thi đua như thế rõ ràng không thể phòng, chống nói gì đến chiến thắng đại dịch COVID-19!
Khi đoàn kết, chung sức, đồng lòng vẫn chỉ là trút gian nan, mất mát lên đầu lê dân, chỉ là hứa hão và hô hào suông, làm gì cũng sai, phải sửa thì điều đó có khác gì thi đua tự đào hố chôn thể chế. Cho đến giờ, cả chiến lược lẫn cách thức phòng, chống đại dịch COVID-19 chỉ mới cho thấy hệ thống chính trị, hệ thống công quyền tại Việt Nam vừa bất tài, vừa bất nhân. Nhiều viên chức hữu trách từ trung ương đến địa phương đã kém cỏi, vô trách nhiệm lại huênh hoang, không biết sợ hậu họa!
Chú thích
(1) https://www.youtube.com/watch?v=Gy7Cx4-q4pk&ab_channel=Vnews24h
(3) https://baotintuc.vn/chinh-tri/thu-tuong-phat-dong-phong-trao-thi-dua-dac-biet-20210814131129217.htm
(4) https://vnexpress.net/thanh-hoa-chon-mau-xay-tuong-dai-khu-luu-niem-255-ty-dong-4299756.html
(5) https://nhadautu.vn/nghe-an-thong-nhat-y-tuong-du-an-thac-9-tang-cua-tt-group-o-nam-dan-d56198.html