Đài Loan hôm 23/3 đã đưa các nhà báo quốc tế ra đảo Itu Aba, mà Đài Loan gọi là Thái Bình, còn Việt Nam gọi là Ba Bình, ở Biển Đông. Hơn 20 nhà báo đã được đưa bằng máy bay C-130 của không lực Đài Loan ra đảo. Họ đã được đưa đi thăm nhà bưu điện, giếng nước ngọt, cảng và một miếu thờ theo truyền thống Trung Hoa.
Động thái này có mục đích củng cố cho lời tuyên bố chủ quyền của Đài Loan ở Biển Đông, nơi có nhiều tranh chấp và căng thẳng đang gia tăng giữa các bên đòi chủ quyền gồm Việt Nam, Trung Quốc, Philippines, Đài Loan và một số nước khác.
Hôm 24/3, Bộ Ngoại giao Việt Nam đã lên án việc Đài Loan đưa các nhà báo ra Ba Bình. Tại Hà Nội, ông Lê Hải Bình, người phát ngôn Bộ Ngoại giao, nói rằng việc Đài Loan “bất chấp những quan ngại và phản đối của Việt Nam và cộng đồng quốc tế, đưa phóng viên ra đảo Ba Bình thuộc quần đảo Trường Sa là xâm phạm nghiêm trọng chủ quyền của Việt Nam, làm leo thang căng thẳng, không có lợi cho việc duy trì hòa bình, ổn định ở Biển Đông cũng như quan hệ hai bên".
Người phát ngôn Bộ Ngoại giao nói Việt Nam "kiên quyết phản đối và yêu cầu phía Đài Loan tôn trọng chủ quyền của Việt Nam, không tái diễn bất cứ hành động nào làm leo thang căng thẳng, phức tạp thêm tình hình, đồng thời có những đóng góp tích cực vào nỗ lực chung nhằm duy trì hòa bình, ổn định ở Biển Đông".
Ông Bình cũng khẳng định Việt Nam có đầy đủ căn cứ pháp lý và bằng chứng lịch sử để khẳng định chủ quyền không thể tranh cãi đối với hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa. Ông nhấn mạnh: “Mọi hoạt động của nước ngoài tiến hành ở hai khu vực này mà không được sự chấp thuận của Việt Nam đều là bất hợp pháp và vô giá trị”.
Phản ứng lần này của Việt Nam diễn ra nhanh chóng một cách bất ngờ. Thông thường phải mất vài ngày Việt Nam mới đưa ra phản đối về các tranh chấp lãnh thổ.
Ba Bình, hiện do Đài Loan kiểm soát, là đảo lớn nhất trong quần đảo Trường Sa. Đảo này nằm cách một số đảo thuộc quyền kiểm soát của Việt Nam từ khoảng hơn 10 đến 20 kilomet, và cách Đài Loan khoảng 1600 kilomet về phía Nam. Cả Việt Nam lẫn Philippines cũng đều đòi chủ quyền về đảo này.
Thứ trưởng Đài Loan Lệnh Hồ Vinh Đạt, người dẫn đầu chuyến thăm Ba Bình hôm 23/3, nói ông muốn cho thấy rằng Ba Bình là một đảo có đủ điều kiện cho con người sinh sống chứ không chỉ là một đảo đá như tuyên bố của Philippines trong vụ khiếu nại nước này đệ đơn lên Tòa Trọng tài Thường trực. Các hòn đảo được hưởng vùng đặc quyền kinh tế và các quyền khác, trong khi các đảo đá thì không.
Các nhà quan sát cho rằng Manila tìm cách gán cho Ba Bình quy chế của đảo đá để tránh phải chia sẻ vùng đặc quyền kinh tế của đảo Palawan của Philippines gần đó.
Phát biểu với các nhà báo ở Đài Bắc sau chuyến thăm, Tổng thống Đài Loan Mã Anh Cửu nói ông sẽ mời các đại diện chính phủ Philippines, các luật sư và 5 thành viên ủy ban trọng tài đích thân đến thăm Ba Bình để thấy đó là “một hòn đảo có nước ngọt, đủ điều kiện cho sản xuất nông nghiệp, chăn nuôi và cho con người sinh sống”. Ông Mã Anh Cửu không nhắc đến Việt Nam.
Vụ khiếu kiện của Manila - vốn đã bị Trung Quốc bác bỏ - có mục đích chính là thách thức lời tuyên bố chủ quyền không có cơ sở của Bắc Kinh về gần như toàn bộ Biển Đông. Tuy nhiên, vụ khiếu nại cũng có nguy cơ làm hư hại mối quan hệ giữa Philippines với Đài Loan, một đối tác cũng dân chủ và thân Mỹ, lâu nay vẫn có quan hệ láng giềng thân thiện với Philippines.
Đài Loan vì không có quan hệ ngoại giao với 5 nước khác có tuyên bố chủ quyền về Biển Đông nên đã đẩy mạnh các hoạt động ngoại giao công chúng để củng cố cho tuyên bố chủ quyền của mình.
Theo Reuters, VNExpress.
Your browser doesn’t support HTML5