Dãy đảo tranh chấp giữa Nhật Bản và Trung Quốc
Dãy đảo tranh chấp giữa Nhật Bản và Trung Quốc- Người Nhật gọi Senkaku, người Trung Quốc gọi Điếu Ngư.
- Gồm 8 đảo không người ở.
- Nằm trong khu vực có nhiều dầu khí và thủy sản phong phú.
- Diện tích đất tổng cộng của 8 đảo là 6 kilomet vuông.
Hôm nay, các giới chức Đài Loan hối thúc Nhật Bản và Trung Quốc tránh xảy ra xung đột về quần đảo Senkaku, cách Đài Loan khoảng 220 kilomét về hướng đông.
Đài Loan muốn Nhật Bản mở lại các cuộc đàm phán, sau 16 vòng đàm phán trước đó, về quyền đánh cá trong vùng biển gần những hòn đảo không có người ở. Đài Loan cũng kêu gọi các nước khác đòi chủ quyền quần đảo này xem xét tới đề nghị của Tổng thống Mã Anh Cửu là gác lại tranh chấp để cùng nhau khai thác tài nguyên.
Tại cuộc họp báo hôm nay ở Đài Bắc, Ngoại trưởng Đài Loan Dương Tấn Thiêm nói rằng ông lo ngại là vụ xung đột sẽ leo thang.
Ông Dương nói rằng leo thang xung đột thì dễ nhưng kiến tạo hòa bình thì khó. Ông gọi Đài Loan là một nước kiến tạo hòa bình cho cộng đồng quốc tế và trước các diễn tiến ở Biển Đông Trung hoa, Tổng thống Mã Anh Cửu đã đưa ra một đề nghị hòa bình. Ông nói thêm rằng ông Mã Anh Cửu hối thúc các bên tự chế, gác lại tranh chấp, giải quyết xung đột thông qua các phương tiện hòa bình và cùng nhau khai thác tài nguyên của vùng biển này.
Phát biểu của Ngoại trưởng Dương Tấn Thiêm phản ánh điều mà các nhà phân tích nói là chủ đích của chính phủ ở Đài Loan nh8àm mưu tìm một vai trò lớn hơn trong vụ tranh chấp. Khi lên nắm quyền năm 2008, ông Mã Anh Cửu nói rằng mặc dù bị cô lập về mặt ngoại giao, Đài Loan sẽ tìm cách tham gia không chính thức vào các sự việc của cộng đồng quốc tế. Đài Loan là một phần đất tự trị, nhưng Bắc Kinh xem đảo quốc này là lãnh thổ của mình mà tiếp tục dùng sức mạnh kinh tế để ngăn không cho Đài Loan tham gia các tổ chức quốc tế như Liên hiệp quốc.
Chính sách ngoại giao của ông Mã Anh Cửu chưa mang lại kết quả cụ thể nào, và điều này làm gia tăng áp dụng của công chúng đối với chính phủ. Ngư dân Đài Loan, những người lâu nay vẫn đánh cá trong vùng biển gần quần đảo có tranh chấp, có xu hướng nghiêng về đảng đối lập chính, khiến cho ông Mã Anh Cửu muốn nhanh chóng đạt được thỏa hiệp với Nhật Bản.
Nhưng đồng thời Đài Loan muốn duy trì các mối quan hệ thân thiện với cả Nhật Bản lẫn Trung Quốc. Từ năm 2008, chính phủ của ông Mã Anh Cửu đã gác qua một bên vấn đề chủ quyền để đạt được những thỏa thuận về thương mại và đầu tư với Trung Quốc, giúp cho nền kinh tế địa phương được phát triển. Các nhà lãnh đạo Trung Quốc hy vọng những thỏa thuận phi chính trị này dần dà sẽ thúc đẩy người dân Đài Loan chấp nhận việc tái thống nhất với Hoa Lục.
Trong khi đó, người dân Đài Loan cũng không muốn tranh chấp với Nhật Bản, là nước từng cai trị Đài Loan trong nhiều thập niên. Văn hóa Nhật được ưa chuộng ở Đài Loan và dân chúng ở đây yêu thích thời trang, thức ăn và phong cách qui hoạch đô thị của người Nhật. Nhật Bản cũng là điểm du lịch hàng đầu của người Đài Loan.
Bộ trưởng Ngoại giao Đài Loan hôm nay nhấn mạnh rằng đề nghị hòa bình của ông Mã Anh Cửu chỉ gác qua một bên, chứ không phải giải quyết, vấn đề tranh chấp chủ quyền Điếu Ngư Đài. Ông nói rằng chủ quyền quần đảo này thuộc về Đài Loan và lập trường của chính phủ Trung Hoa Dân Quốc đối với vấn đề này không hề thay đổi.
Biểu tình chống Nhật tại Trung Quốc
http://www.youtube.com/embed/lUexJN_9KE4?list=PL231429C17BE39E34&hl=en_US