Đài Loan, Trung Quốc theo đuổi hiệp định thương mại mới

Tổng thống Đài Loan Mã Anh Cửu nói chuyện với quan khách trong ngày Quốc khánh Đài Loan. Đài Loan sẽ tổ chức bầu cử tổng thống vào đầu năm tới và chính phủ lo ngại là các cuộc thương thuyết ngoại giao với Trung Quốc sẽ gặp phải sự chống đối của công chúng

Đài Loan và đối thủ chính trị Trung Quốc trong tuần này sẽ đàm phán về một hiệp định có thể là hiệp định sâu rộng nhất giữa đôi bên sau gần 8 năm có được những mối quan hệ nồng ấm. Tuy nhiên, thỏa thuận cắt giảm quan thuế đang đối mặt với sự chống đối ở Đài Loan, trong lúc Trung Quốc chú tâm nhiều hơn tới các hiệp định thương mại với Nhật Bản và Nam Triều Tiên.

Đại diện thương mại của Đài Loan và Trung Quốc đang họp với nhau tại Trung Quốc từ ngày thứ 3 đến hết ngày thứ 5 trong vòng đàm phán thứ 10 về một hiệp định cắt giảm thuế nhập khẩu đối với hàng ngàn mặt hàng của Đài Loan, từ máy móc cho cho tới TV màn hình phẳng. Cuộc đàm phán có thể kết thúc trong năm nay.

Ông Lưu Nghĩa Quân, giáo sư môn quan hệ công cộng của Đại học Phật Quang ở Đài Loan, cho rằng các nhà xuất khẩu ở Đài Loan sẽ thúc đẩy cho việc thông qua hiệp định bất chấp sự chống đối phát xuất từ sự nghi ngại của người dân Đài Loan đối với các tham vọng chính trị của Trung Quốc. Ông nói:

"Chúng ta không nên đánh giá thấp sức mạnh của giới kinh doanh. Sự cạnh tranh trên thị trường quốc tế đã buộc chính phủ phải nắm giữ một vai trò tích cực hơn nhiều để thúc đẩy cho hiệp định này. Tôi nghĩ rằng hiệp định chắc chắc sẽ được thông qua trong năm nay."

Các nhà xuất khẩu Đài Loan muốn chính phủ thông qua hiệp định để họ có thể trả thuế thấp cho Trung Quốc, đối tác thương mại lớn nhất của đảo quốc này trong năm ngoái. Cục Ngoại thương Đài Loan hôm 25 tháng 3 đưa ra một thông cáo nói rằng đảo quốc này không thể chờ đợi thêm nữa để có được một hiệp định về thương mại hàng hoá với Trung Quốc.

Thông cáo được đưa ra trong lúc Trung Quốc và đối thủ cạnh tranh trong lãnh vực xuất khẩu của Đài Loan là Nam Triều Tiên chuẩn bị ký kết một hiệp định thương mại tự do. Trong khi đó Trung Quốc và đại cường xuất khẩu Nhật Bản vừa hoàn tất vòng đàm phán thứ tư về một hiệp định thương mại tự do.

Mặc dầu vậy, chính phủ của Tổng thống Mã Anh Cửu cũng lo ngại về sự chống đối của cử tri khi đảo quốc này tiến hành cuộc bầu cử Tổng thống vào tháng giêng tới đây. Những người Đài Loan không tán thành việc siết chặt quan hệ với Trung Quốc đã ảnh hưởng tới việc làm ra quyết định của chính phủ kể từ khi hàng ngàn người biểu tình chiếm đóng trụ sở quốc hội hồi tháng 3 năm 2014 để ngăn chận việc phê chuẩn một hiệp định tự do hoá thương mại dịch vụ mà Đài Bắc đã ký kết với Bắc Kinh.

Trung Quốc tuyên bố có chủ quyền đối với Đài Loan kể từ khi đảo quốc tự trị Đài Loan từ thập niên 1940, nhưng vào năm 2008 chính phủ của ông Mã Anh Cửu quyết định gác sang một bên những sự bất đồng chính trị để thảo luận về các vấn đề thương mại và đầu tư. Đôi bên đã ký 21 hiệp định liên quan tới kinh tế, mang lại nhiều lợi ích cho nền kinh tế 500 tỉ đôla của Đài Loan.

Tuy nhiên nhiều người Đài Loan e rằng Trung Quốc sẽ lợi dụng các hiệp định thương mại để thúc đẩy cho sự thống nhất chính trị trong lúc kim ngạch mậu dịch song phương vượt mức 130 tỉ đô la lần đầu tiên hồi năm ngoái.

Ông Thái Diệu Đức, một kinh tế gia của Công ty Chứng khoán KGI ở Đài Bắc, cho rằng cuộc thương thuyết để cắt giảm quan thuế sẽ diễn ra một cách chậm chạp vì các giới chức Đài Loan phải cân bằng giữa những lợi ích thương mại với các áp lực bầu cử. Ông nói:

"Hiệp định thương mại tự do giữa Trung Quốc với Nam Triều Tiên và Nhật Bản dự kiến sẽ được ký kết vào giữa năm nay và dĩ nhiên điều đó sẽ gây sức ép lên hoạt động xuất khẩu của Đài Loan và hiệp định thương mại giữa Đài Loan với Trung Quốc. Đài Loan đối mặt với nguy cơ bị bỏ lại đàng sau. Nhưng Đài Loan sẽ tổ chức bầu cử tổng thống vào đầu năm tới và chính phủ lo ngại là các cuộc thương thuyết ngoại giao sẽ gặp phải sự chống đối của công chúng, cho nên có lẽ cuộc thương thuyết sẽ bị chậm lại."

Một ứng cử viên tổng thống của Quốc Dân Đảng đương quyền có phần chắc sẽ chạy đua với một đối thủ thuộc Đảng Dân Tiến, là đảng có lập trường dè dặt hơn đối với Trung Quốc.