Cuộc đối thoại nhân quyền giữa Liên hiệp châu Âu (EU) và Việt Nam diễn ra vào tuần trước được một nhà ngoại giao khối này đánh giá là “hữu ích và mang tính xây dựng”, trong khi đó, giới hoạt động nhân quyền Việt Nam bày tỏ sự bi quan về tính hiệu quả của kỳ đối thoại này.
“Đối thoại nhân quyền giữa EU và Việt Nam tuần rồi hữu ích và mang tính xây dựng”, ông Julien Guerrier, Đại sứ EU tại Việt Nam, viết trên trang X hôm 8/7, thuật lại sự kiện diễn ra vào ngày 4/7 tại Brussels, Bỉ.
Nhà ngoại giao EU chia sẻ thêm rằng cuộc đối thoại “mở” này xoay quanh nhiều lĩnh vực, bao gồm cả thượng tôn pháp luật, án tử hình, quyền chính trị, dân sự, quyền kinh tế, xã hội, văn hóa....
“Tôn trọng và thúc đẩy nhân quyền là một phần không thể thiếu trong các mối quan hệ giữa EU và Việt Nam”, ông Guerrier nhận xét.
Your browser doesn’t support HTML5
Ý kiến của giới hoạt động
Giới hoạt động bày tỏ sự bi quan về tính hiệu quả các cuộc đối thoại nhân quyền này.
Từ London, Anh, ông Sơn Trần, đại diện cho tổ chức Bảo vệ Người Lao động Việt Nam, nêu nhận định cá nhân của ông với VOA:
“Bức tranh đối thoại nhân quyền giữa EU và Việt Nam năm nay hết sức ảm đạm. Lý do là việc bách hại và sách nhiễu nhân quyền nằm trong tay của bộ máy an ninh của Đảng Cộng sản Việt Nam, họ sợ bị mất đi quyền độc tôn chính trị của thể chế độc đảng cho nên họ ngày càng tăng cường việc đàn áp, sách nhiễu nhân quyền”.
Ngoài ra, nhà hoạt động này còn quan ngại về một chỉ thị mật của Trung ương Đảng, sự việc đã được Nhóm Tư vấn Nội địa Liên hiệp châu Âu (DAG EU), cơ quan tư vấn cho các bên tham gia các hiệp định thương mại với EU, nêu ra vào tháng trước.
“Thêm nữa, Chỉ chị 24 do Bộ Chính trị ban hành ngày 3/7/2023, yêu cầu các thành viên của Đảng Cộng sản Việt Nam, kể cả các đoàn thể trực thuộc, phải ngăn chặn việc hình thành các tổ chức chính trị độc lập, phải kiểm soát quyền tự do ngôn luận và kiểm soát việc phổ biến tài liệu chỉ trích đảng cầm quyền, phủ nhận quyền tự do hội họp, tăng cường giám sát công dân, kiểm soát các công đoàn độc lập”, vẫn ông Sơn Trần.
Mặc dù vậy, ông Sơn Trần chưa ngừng kỳ vọng rằng EU, với các chính sách tổng hợp của mình, sẽ tạo nhiều áp lực hơn đối với Hà Nội. “Các quốc gia trong EU vẫn có thể sẽ tạo áp lực cho vấn đề nhân quyền và quyền lao động đối với Việt Nam”.
Ở một góc nhìn khác, nhà hoạt động nhân quyền Johnny Huy ở bang Minnesota, Mỹ, chia sẻ với VOA rằng ông không nhận thấy tính hiệu quả của các cuộc đối thoại nhân quyền.
“Việt Nam đã có rất nhiều cuộc đối thoại rồi, trong đó có cả đối với Hoa Kỳ và EU. Việt Nam thấy có lợi ích thì họ sẵn sàng thỏa hiệp, còn khi họ thấy không có gì đáng đánh đổi thì họ không làm gì cả”.
Truyền thông Việt Nam và Bộ Ngoại giao của nước này chưa đưa tin về cuộc Đối thoại Nhân quyền EU-Việt Nam lần thứ 12.
Cùng ngày diễn ra cuộc đối thoại hôm 4/7, 8 tổ chức nhân quyền và xã hội dân sự viết thư chung kêu gọi EU hối thúc Việt Nam tôn trọng các cam kết quốc tế về nhân quyền.
Thư chung mô tả rằng Việt Nam tiếp tục hạn chế nghiêm trọng các quyền con người, đặc biệt là quyền tự do ngôn luận và lập hội, vi phạm các nghĩa vụ của mình theo luật nhân quyền quốc tế.
Hôm 3/7, tổ chức Theo dõi Nhân quyền (HRW) nói các cuộc Đối thoại Nhân quyền của EU với Việt Nam không hiệu quả, thay vào đó EU có thể cân nhắc sử dụng các biện pháp trừng phạt để buộc Hà Nội phải cải thiện hồ sơ nhân quyền.
HRW cho rằng EU có thể cân nhắc biện pháp sử dụng hai hiệp định quan trọng là Hiệp định chung về Đối tác và Hợp tác toàn diện giữa EU và Việt Nam (PCA) và Hiệp định Thương mại Tự do Việt Nam-EU (EVFTA) để làm đòn bẩy buộc Hà Nội phải chấm dứt đàn áp nhân quyền.
Trong khi đó, EU nói họ quan ngại về việc bắt giữ và kết án những người bảo vệ nhân quyền, nhà báo và những nhà vận động môi trường của Việt Nam và sẽ tiếp tục theo dõi tình hình nhân quyền của quốc gia Đông Nam Á này, một người phát ngôn của EU cho VOA biết sau lời kêu gọi của HRW.
Bộ Ngoại giao Việt Nam vẫn chưa phản hồi khi VOA đưa ra yêu cầu bình luận về những lời kêu gọi trên.
Chính quyền Việt Nam cho rằng cách tiếp cận với vấn đề nhân quyền tại mỗi quốc gia luôn có sự khác nhau, do đó, các cuộc đối thoại nhân quyền là nhằm “giảm đi sự khác biệt và tìm sự tương đồng để cùng thúc đẩy bảo vệ quyền con người”.
Hồi tháng 5/2024, EU công bố phúc trình về tình hình nhân quyền ở Việt Nam, cho rằng “không gian xã hội dân sự đang ngày càng bị thu hẹp” và Hà Nội “có rất ít bước phát triển tích cực đáng kể về lĩnh vực nhân quyền” trong năm 2023.
Đáp lại, Bộ Ngoại giao Việt Nam nhận xét là báo cáo nhân quyền của EU “đưa ra một số nhận định thiếu khách quan dựa trên những thông tin sai lệch và không phản ánh đúng tình hình thực tế ở Việt Nam”.