Đại sứ Liberia tại Hoa Kỳ kêu gọi thêm sự trợ giúp của cộng đồng quốc tế

  • Mariama Diallo

Đại sứ Liberia tại Hoa Kỳ Jeremiah Sulunteh phát biểu tại một cuộc họp báo ở sân bay quốc tế Charlotte Douglas ở Charlotte, N.C.

Đại sứ Liberia tại Hoa Kỳ Jeremiah Sulunteh nói với đài VOA hôm thứ Ba rằng nước ông cần thêm nhiều sự trợ giúp hơn so với những gì đã có được để chống lại cơn dịch bệnh Ebola.

Lời kêu gọi này lập lại ý kiến của Tổng thống Barack Obama đưa ra một ngày trước đó, chỉ trích các chính phủ nước ngoài đã không hành động “quyết liệt như họ cần phải làm” để chống với vụ bột phát bệnh.

Tống thống Obama nói: “Các nước cho rằng mình có thể đứng ngoài lề và chỉ việc để cho Hoa Kỳ hành động, sẽ đi đến hậu quả là một sự đáp ứng kém hữu hiệu, một sự đáp ứng kém mau chóng, và điều đó có nghĩa là sẽ có những người chết.”

Đại sứ Sulunteh nói “trong khi chờ đợi làm mọi thủ tục quan liêu thì có rất nhiều người sắp chết. Virut Ebola không phải là một trận chiến thông thường để có thể mở các cuộc nghị hòa, họp hành, và ngồi xuống thảo luận. Càng chần chừ, càng có thêm người nhiễm bệnh.”

Ông cũng cảnh báo dịch bệnh Ebola có thể trở thành một vấn đề toàn cầu chứ không phải là một vấn đề khu vực nếu cộng đồng quốc tế không hành động nhanh.

Trong khi ông Sulunteh ca ngợi tất cả các nỗ lực đã được tiến hành cho tới nay, ông nói nước ông cần có thêm các trung tâm kiềm chế bệnh và có thêm giường bệnh. “Chúng tôi cần xe cứu thương để đưa người từ các cộng đồng đến các trung tâm chữa trị. Chúng tôi cần huấn luyện thêm các nhân viên hợp đồng để theo dõi. Chúng tôi cần huấn luyện thêm nhân viên y tế cộng đồng.”

Theo ông, một phần lý do vì sao Ebola lây lan rộng ở Ebola là vì thiếu xe cứu thương. Khi “những người nhiễm bệnh đi xe taxi hay xe buýt và một số người vô tình đi cùng chiếc xe đó thì họ sẽ bị lây nhiễm.”

Trong khi nhiều tổ chức nói rằng họ sẽ giúp đỡ, ông Sulunteh nói họ cần phải làm điều đó ngay bây giờ bởi vì thời gian không còn nhiều.

Tính đến ngày 3 tháng 10, Tổ chức Y tế Thế giới báo cáo có 3.834 ca Ebola được xác nhận, có thể bị bệnh hay nghi bị bệnh ở Liberia và 2.069 người chết (trong đó có 934 người được xác nhận đã chết, 677 người có thể đã chết, và 458 người nghi là đã chết.)

Các thành viên Tổ chức Y tế Thế giới và các giám đốc y tế đứng bên ngoài bệnh viện quận Port Loko, nơi khoa phụ sản đã được biến thành trung tâm cách ly cho những người bị nghi nhiễm Ebola.

Mới đây, một số nhà lập pháp Hoa Kỳ đã kêu gọi cấm các chuyến bay đi và đến từ các nước bị tác động. Nhưng Đại sứ Sulunteh hô hào cộng đồng quốc tế không nên cô lập hoá các nước thêm nữa bởi vì sẽ có những hậu quả nghiêm trọng trong các nền kinh tế của họ nữa.

Ông nói: “Chúng tôi bị trở ngại trong việc giúp khống chế virut, trở ngại về các nỗ lực nhân đạo và các tổ chức từ thiện muốn giúp đỡ. Ngay cả nền kinh tế cũng đang bị ảnh hưởng gián tiếp. Giới đầu tư khựng lại. Mọi người không đi lại nữa.”

Liberia đã định báo cáo tăng trưởng kinh tế ở mức khoảng 7,8 phần trăm, nhưng ông đại sứ nói các con số đó đã bị đảo ngược. “Trong khi tôi nói chuyện với quý vị, công chức đã không đi làm kể từ tháng 8. Năng suất đã bị giảm thiểu, và nếu không sản xuất được thì sẽ ảnh hưởng đến GDP tổng thể của chúng tôi.”

Mới đây, ông Thomas Eric Duncan người Liberia được chẩn đoán nhiễm bệnh Ebola ở Hoa Kỳ đã qua đời hôm thứ Tư, ngày 8 tháng 10, tại một bệnh viện ở Dallas.

Ông Sulunteh hy vọng người Liberia trong cộng đồng hải ngoại không bị thành kiến. Tin tức mới đây nói các nhân viên dịch vụ, như phụ giáo, đã ngần ngại không muốn đi vào các cộng đồng Liberia vì sợ nhiễm bệnh Ebola.

Ông Sulunteh nói, “Hoa Kỳ là một nước văn minh. Chúng tôi không dự kiến người Liberia sẽ bị phân biệt đối xử.”