Tháng này, hai miền Triều Tiên đã mở các cuộc đàm phán trong 2 ngày nhằm một lần nữa mở lại thông tin liên lạc và xây dựng lòng tin, nhưng đàm phán đã tan vỡ mà không đạt được thỏa thuận nào.
Giới phê bình nói điều đó cho thấy chính phủ bảo thủ của Tổng thống Nam Triều Tiên Park Geun-hye thực sự không quan tâm theo đuổi các cuộc thương nghị hòa bình và hòa giải với một đối tác đã làm họ thất vọng nhiều lần trước.
Seoul bước vào các cuộc đàm phán ngày 11 tháng 12 với hy vọng đạt được một thỏa thuận tổ chức các cuộc đoàn tụ thường xuyên cho khoảng 60.000 gia đình Triều Tiên bị buộc phải phân ly khi đất nước bị chia cắt cách đây 70 năm.
Hồi tháng 9, Bình Nhưỡng đã hợp tác với Seoul để chủ trì những cuộc đoàn tụ cho các gia đình bị phân ly. Seoul muốn tổ chức các cuộc đoàn tụ thường xuyên hơn.
Dường như Bình Nhưỡng muốn Seoul mở lại một chương trình du lịch xuyên biên giới đến địa điểm nghỉ mát Núi Kim Cương đem lại hàng triệu đôla. Seoul đã đình chỉ các tua du lịch sau khi một nữ du khách Nam Triều Tiên bị binh sĩ Bắc Triều Tiên bắn chết
Hòa giải thất bại
Trong các cuộc đàm phán, tin cho hay phía Bắc Triều Tiên đòi mở lại chương trình du lịch trước khi thảo luận bất kỳ vấn đề nào khác.
Nữ phát ngôn viên Bộ Thống nhất Nam Triều Tiên Park Soo-jin nói an toàn du khách và an ninh tài chính cho các nhà đầu tư là những vấn đề vượt lên trên khiến miền Nam bác bỏ yêu cầu của miền Bắc.
Bà Park Soo-jin nói: “Lập trường của chính phủ chúng tôi về tua du lịch là một hệ thống bảo đảm an toàn của công dân của chúng tôi phải được thiết lập trước, và quyền sở hữu tài sản của các công ty của chúng tôi cũng phải được bảo đảm.”
Tuy nhiên trang web của nhà nước Bắc Triều Tiên Uriminzokkiri bác bỏ lập luận đó, và nói rằng miền Bắc đã dành sự bảo vệ tối đa cho các du khách khi các nước cứu xét việc mở lại chương trình vào năm 2009.
Các thỏa thuận kinh doanh hỗ trợ cho chế độ họ Kim?
Bộ Ngoại giao Nam Triều Tiên đưa ra một lý do thứ hai gây tan vỡ, và nói rằng có những mối quan ngại rằng các tua du lịch có thể vi phạm lệnh chế tài của LHQ ngăn cấm việc chuyển “khối lượng tiền mặt lớn” cho Bắc Triều Tiên có thể được sử dụng để tài trợ cho chương trình vũ khí hạt nhân của họ.
Phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Nam Triều Tiên Cho June-Hyuck nói: “Lập trường của chính phủ chúng tôi là cần phải cứu xét mục đích của nghị quyết LHQ và những quan ngại của cộng đồng quốc tế.”
Một số nhà phân tích Nam Triều Tiên nói lập luận đó dường như thiếu thành thực bởi vì Seoul thường ủng hộ sự giao tiếp kinh tế khi các công ty ở miền Nam có lợi.
Seoul vốn đã hợp tác với Bình Nhưỡng để hoạt động Khu công nghiệp Kaesong, là nơi các công ty Nam Triều Tiên tuyển dụng công nhân Bắc Triều Tiên. Nghe nói những khoản lương cho công nhân được trả thẳng cho nhà nước và công nhân chỉ nhận được một phần nhỏ thôi.
Định tiêu chuẩn cao cho hòa hợp
Lời giải thích có lý hơn cho sự thất bại của các cuộc đàm phán, theo nhiều chuyên gia phân tích là yêu cầu của miền Nam đòi miền Bắc phải xin lỗi về vụ đánh đắm chiếc tàu chiến Cheonan làm 46 thủy thủ thiệt mạng, và vụ pháo kích vào một căn cứ hải quân của Nam Triều Tiên trên đảo Yeonpyeong.
Bắc Triều Tiên vẫn luôn phủ nhận việc can dự vào những vụ đó, và chuyên gia phân tích Ahn Chan-il, thuộc Viện Quốc tế Nghiên cứu Bắc Triều Tiên nói bà Park lâu nay vẫn nhấn mạnh rằng sự kiện này phải thay đổi trước khi bãi bỏ chế tài.
Ông Ahn Chan-il nói, “Nam Triều Tiên cần phải được Bắc Triều Tiên xin lỗi về việc đánh đắm chiếc tàu Cheonan và vụ tấn công vào đảo Yeonpyeong.”
Học giả về Bắc Triều Tiên Andrei Lankov thuộc trường Đại học Kookmin ở Seoul nói đó là một yêu sách mà miền Nam biết miền Bắc sẽ không chấp nhận.
Ông Lankov nói, “Bắc Triều Tiên cũng hiểu rằng nếu họ thừa nhận trách nhiệm, thì họ sẽ không được tưởng thưởng. Bởi vì công chúng sẽ phẫn nộ.
Đàm phán để làm hài lòng Trung Quốc
Một lý do miền Nam có thể bước vào các cuộc đàm phán mà họ biết trước là sẽ không đi đến đâu là để làm đẹp lòng Bắc Kinh. Trung Quốc ủng hộ hoạt động ngoại giao gia tăng để thuyết phục Bắc Triều Tiên từ bỏ vũ khí hạt nhân để đối lấy viện trợ và sự giúp đỡ.
Điều đó có thể đã dẫn miền Nam tới việc ít nhất là ngồi vào bàn thương nghị. Nhưng ông Lankov nói chính phủ bảo thủ của bà Park vẫn tin là Bắc Triều Tiên là một gánh nặng kinh tế không tin cậy được và không đem lại một giá trị nào cả.
Ông nói, “Thực vậy không bao giờ có sự đáp lại dựa trên trao đổi bình đẳng. Nam Triều Tiên lúc nào cũng cho, và Bắc Triều Tiên lúc nào cũng nhận được một cái gì đó.”
Trong khi Seoul nói họ vẫn cam kết hướng tới việc tái thống nhất một cách êm thắm bằng cách phát triển quan hệ giữa hai nước Triều Tiên, chưa có lịch nào được ấn định cho các cuộc họp nay mai.
Hoạch định bất kỳ cuộc đàm phán nào trong vài tháng tới đây sẽ rất phức tạp vì các cuộc tập trận chung thường niên giữa Hoa Kỳ và Nam Triều Tiên và các cuộc bầu cử lập pháp sắp tới ở Nam Triều Tiên.