Gần 85% cư dân ở California hiện đang phải chịu những hạn chế mới khi bang Bờ Tây này của Mỹ chật vật kiểm soát đại dịch COVID-19. Những hạn chế mới được đưa ra vào lúc số ca nhiễm virus corona tiếp tục tăng và sức chứa của các phòng điều trị tích cực (ICU) trong các bệnh viện đang xuống tới mức thấp nguy hiểm.
Các nhà hàng ở Nam California, Vùng Vịnh San Francisco và Thung lũng San Joaquin chuyên về nông nghiệp của bang này phải đóng cửa kể từ thứ Hai đầu tuần và chỉ được phục vụ khách tới mua đồ mang đi và giao hàng. Các sân chơi, các tiệm làm tóc cũng như làm móng đều đóng cửa, trong khi các cửa hàng giảm sức chứa.
Biện pháp này đã ảnh hưởng đến khoảng ba phần tư trong số gần 40 triệu người sinh sống ở bang đông dân nhất của Mỹ, theo Reuters.
Sắc lệnh của Thống đốc Gavin Newsom được áp dụng cho những nơi còn dưới 15% số giường trống trong các phòng ICU tại các bệnh viện, tới nay đang ảnh hưởng đến vùng Nam California và Thung lũng San Joaquin. Các địa phương trong Khu vực Vịnh San Francisco cũng áp đặt các lệnh tương tự.
Bác sĩ Anthony Fauci, chuyên gia hàng đầu về bệnh truyền nhiễm của chính phủ Mỹ, hôm thứ Hai nói rằng hành động của California sẽ "cứu họ khỏi cảnh bệnh viện của họ có thể bị quá tải."
California lập kỉ lục về số ca nhiễm Covid-19 mới với 30.000 ca vào ngày thứ Bảy và ghi nhận thêm gần 25.000 ca vào Chủ nhật. Số ca nhập viện cũng đạt kỉ lục. Ở Thung lũng San Joaquin, chỉ có 6,3% số giường trong các phòng ICU còn trống, bang này cho biết hôm thứ Hai.
Tại thành phố San Jose, một trong những nơi có người gốc Việt tập trung đông đảo nhất ở Mỹ và cũng là nơi có những hạn chế virus nghiêm ngặt, một số cư dân bày tỏ sự bất an và lo lắng. Ông Nguyễn Xuân Nam, chủ Hệ thống Truyền thông Cali Today nói tình hình dịch bệnh ở đây “tệ và xấu” với số ca nhiễm và số người chết gia tăng, bao gồm cả người gốc Việt.
“Những người có tên tuổi trong cộng đồng ví dụ như [nhà báo kỳ cựu] Hà Túc Đạo mà ngày [thứ Ba] vừa làm tang lễ do chết vì Covid. Một nhà kinh doanh thành đạt giàu có nhất của San Jose cũng bị nhiễm virus. Do vậy tình hình rất là phức tạp,” ông nói.
Ông nói thêm tác động kinh tế của đại dịch cũng đang khiến nhiều cơ sở kinh doanh do người Việt làm chủ lâm vào tình cảnh điêu đứng với các tiệm làm móng - một ngành chủ lực của cộng đồng người Việt trong thành phố - phải đóng cửa theo quy định của nhà chức trách.
“Người ta hưởng tiền thất nghiệp rồi và tiền thất nghiệp đã hết. Rồi lương lại không có, tới ngày đóng tiền nhà lại thiếu trước hụt sau. Đời sống của người dân Việt ở San Jose rất là bi đát,” ông Nam nhận định.
Bà Lê Thái Hằng, chủ một tiệm làm tóc và chăm dóc da mặt ở San Jose, cho biết kể từ khi tiệm của bà được cho phép mở cửa lại vào giữa tháng 7, hoạt động kinh doanh luôn trong tình trạng cầm chừng vì lượng khách giảm mạnh. Sắc lệnh đóng cửa mới nhất của California khiến bà lo lắng vì lần này bà không còn nhận được tiền hỗ trợ thất nghiệp nữa.
“[Tiền hỗ trợ thất nghiệp] thì chỉ có được một tuần một trăm sáu mươi mấy đồng thôi, họ cho thêm một tuần 600 đồng nên cũng tạm qua ngày. Nhưng qua tháng 7 là ngưng, không có nữa,” bà nói.
Với nguồn thu nhập chính bị ảnh hưởng nặng nề và nguồn hỗ trợ cạn kiệt, bà Hằng nói bà buộc phải thay đổi những thói quen sinh hoạt và chi tiêu của mình để thích ứng với những khó khăn về tài chính.
“Có những cái gì mình chi được thì chi, những cái gì bỏ được thì mình bỏ, những nợ nần nào mà mình dùng thẻ không có tiền trả thì mình ngưng [mua sắm]. Nói chung là cuộc sống bấp bênh lắm, không biết tương lai đi về đâu.”
Sắc lệnh của California sẽ kéo dài ít nhất ba tuần. Các cuộc tụ tập riêng tư ở bất cứ quy mô nào tại các khu vực bị ảnh hưởng đều bị cấm và tất cả các cơ sở và hàng quán đều bị đóng cửa trừ các cơ sở hạ tầng và cơ sở kinh doanh trọng yếu. Lệnh sẽ được mở rộng đến các vùng khác nếu sức chứa của các phòng ICU giảm xuống.
Trên toàn quốc, các ca nhiễm Covid-19 đang ở mức cao nhất, trung bình 193.863 trường hợp mới được báo cáo mỗi ngày trong tuần qua, theo một thống kê số liệu chính thức của Reuters.
Đã có 14,7 triệu ca nhiễm được xác nhận và hơn 282.000 ca tử vong do vì virus corona được báo cáo ở Mỹ kể từ khi đại dịch bắt đầu, nhiều nhất trên thế giới.