Cuộc di cư của hàng chục nghìn người có nghề nghiệp chuyên môn ra khỏi Hong Kong bởi chiến dịch đàn áp các quyền tự do dân sự đang được bù đắp bởi những người mới đến: cư dân Trung Quốc đại lục thích chuyển tới sinh sống tại thuộc địa cũ của Anh.
Trung tâm tài chính châu Á đã thu hút hàng chục nghìn đơn xin thị thực từ Trung Quốc đại lục theo Chương trình Top Talent Pass, một chương trình được triển khai vào cuối năm 2022 nhằm thu hút những người có nghề nghiệp chuyên môn có thu nhập cao và sinh viên tốt nghiệp đại học hàng đầu toàn cầu từ khắp nơi trên thế giới, mặc dù cứ 10 người thì có 9 người được cấp visa đến từ Trung Quốc.
Đối với người Trung Quốc đại lục, các thuộc tính độc đáo của Hong Kong - chẳng hạn như quyền tự do ngôn luận và truy cập internet rộng rãi hơn, bầu không khí quốc tế, văn hóa làm việc ít áp bức hơn và một xã hội nơi năng lực phần lớn lấn át các mối quan hệ - đã tạo nên sự khác biệt, theo các cuộc phỏng vấn của AP với 20 người Trung Quốc đại lục được cấp visa.
Một số người, như anh Wu, một người có chuyên môn về tài chính ở độ tuổi 20, coi việc chuyển đến Hong Kong sinh sống là một cách để có được tự do và an ninh cao hơn. Anh Wu, người được yêu cầu chỉ nêu họ vì sợ chính phủ trả thù, cho biết anh cảm thấy hoảng sợ khi bị mắc kẹt trong các lệnh phong tỏa khó lường ở Bắc Kinh giữa đại dịch COVID-19.
Anh đã muốn tham gia một cuộc biểu tình chống lại các hạn chế nghiêm ngặt về COVID-19 của Trung Quốc, nhưng thay vào đó anh ấy đã chọn phương án “chạy”, một cách nói uyển chuyển của người Trung Quốc để chỉ việc di cư đã trở nên phổ biến trong thời kỳ đại dịch. Anh ấy chuyển đến Hong Kong vào mùa hè.
“Hiện tại, đây là chiếc thuyền cứu sinh của tôi,” anh nói.
Không gian tự do cho sự bất đồng chính kiến của công chúng đã bị thu hẹp ở Trung Quốc trong những năm gần đây dưới thời lãnh đạo Tập Cận Bình. Mặc dù đã bị xói mòn dưới các cuộc đàn áp sau khi áp dụng luật an ninh quốc gia năm 2020, Hong Kong vẫn có các quyền tự do dân sự kiểu phương Tây phản ánh lịch sử vùng đất này như một thuộc địa cũ. Các nhà lãnh đạo cộng sản Trung Quốc hứa sẽ để khu vực bán tự trị Hong Kong giữ những quyền tự do đó trong 50 năm sau khi khu vực này được trả lại cho Trung Quốc cai trị vào năm 1997.
Anh Wu nói rằng anh chia sẻ với nhiều người dân Hong Kong mong muốn tự do ngôn luận. Anh cũng mừng vì Hong Kong có ít người theo chủ nghĩa dân tộc trung thành so với ở Bắc Kinh, thường được gọi là “những chú bé hồng”. Anh thích khả năng tự do chuyển tiền của mình sang các quốc gia khác và có thể truy cập Internet mà không cần phải sử dụng VPN để vượt qua sự kiểm duyệt phổ biến ở Trung Quốc đại lục.
Kể từ khi chính phủ Hong Kong ban hành luật an ninh quốc gia, cho rằng cần phải khôi phục sự ổn định sau các cuộc biểu tình ủng hộ dân chủ rầm rộ vào năm 2019, nhiều nhà hoạt động hàng đầu của thành phố đã bị truy tố. Hàng chục nhóm xã hội dân sự đã bị giải tán và các cơ quan truyền thông trực ngôn như Apple Daily và Stand News buộc phải đóng cửa.
Những thay đổi chính trị đó, cùng với các biện pháp kiểm soát nghiêm ngặt liên quan đến đại dịch COVID-19 được dỡ bỏ ở Hong Kong nhanh hơn ở đại lục, đã góp phần khiến dân số Hong Kong giảm từ 7,5 triệu vào giữa năm 2019 xuống còn 7,3 triệu vào giữa năm 2022. Các công ty và ngân hàng quốc tế cũng đang chuyển đi nơi khác.
Không rõ có bao nhiêu người Hong Kong đã rời đi vĩnh viễn và bao nhiêu người ra đi chủ yếu là do bầu không khí chính trị. Nhưng hơn 123.800 người đã chuyển đến Anh và hàng ngàn người khác đã có được quyền thường trú tại Canada theo các chính sách đặc biệt dành cho người đến từ Hong Kong sau khi luật an ninh có hiệu lực.
Chương trình thu hút nhân tài Top Talent Pass nhằm giúp ngăn chặn tình trạng chảy máu chất xám: Theo bộ di trú, khoảng 37.000 đơn đăng ký từ Trung Quốc đại lục đã được phê duyệt. Không rõ có bao nhiêu người đã đến Hong Kong, nơi có khoảng 135.000 người Trung Quốc đại lục đã cư trú ở đó dưới bảy năm tính đến năm 2021, trước khi chương trình được triển khai. Nhiều người khác đã trở thành thường trú nhân sau khi ở lại thành phố hơn bảy năm: gần một phần ba cư dân thành phố sinh ra ở các vùng khác của Trung Quốc và Đài Loan tự trị, mặc dù hầu hết những người này đã chuyển đến Hong Kong từ nhiều năm trước.
Anh Zhang Guanwei, 22 tuổi, mới tốt nghiệp, cho biết anh đã từ chối một số lời mời làm việc ở Trung Quốc đại lục để làm nhà phát triển phần mềm ở Hong Kong, nhằm thoát khỏi văn hóa làm việc “996” khét tiếng của Trung Quốc, trong đó nhân viên thường làm việc từ 9 giờ sáng đến 9 giờ tối, sáu ngày một tuần.
Anh Zhang đã trải qua lối sống tham công tiếc việc tương tự trong thời gian thực tập và anh rất vui vì công việc ở Hong Kong chỉ yêu cầu anh phải làm việc từ 9 giờ sáng đến 6 giờ chiều trong năm ngày một tuần. Điều đó cho phép anh ấy có thời gian rảnh để đi bộ đường dài và giao lưu với bạn bè.
“Nếu công việc trở nên quá bận rộn, tôi cảm thấy việc kiếm tiền thật vô nghĩa”, anh nói.
Hầu hết những người đang ở độ tuổi trung niên được AP phỏng vấn cho biết họ phần lớn được thúc đẩy bởi các cơ hội giáo dục rộng lớn hơn ở Hong Kong dành cho con cái họ.
Bà Monica Wang, một nữ doanh nhân 39 tuổi đã được cấp thị thực, bị thu hút bởi quyền tự do ngôn luận của Hong Kong và hình ảnh thành phố này trong các bộ phim và chương trình truyền hình như một thành phố hiện đại với nhiều lối sống đa dạng. Khao khát lựa chọn nghề nghiệp mới, bà mong được chuyển đến Hong Kong từ thành phố Châu Hải gần đó.
Bà nói: “Tôi muốn nhìn thấy nhiều hơn về thế giới và tôi cũng hy vọng các con tôi có thể làm được điều đó”.
Hầu hết những người được AP phỏng vấn đều tỏ ra không nản lòng trước việc thu hẹp không gian dành cho bất đồng chính kiến và tự do ngôn luận ở Hong Kong, nơi vẫn được hưởng các quyền tự do rộng rãi hơn những gì có thể tìm thấy ở bên kia biên giới ở Trung Quốc đại lục. Bà Wang cho biết bà xem luật an ninh là cách giúp thành phố an toàn hơn.
Ông Simon Lee, một thành viên danh dự tại Viện Kinh doanh Châu Á-Thái Bình Dương của Đại học Trung Quốc Hong Kong, cho biết mặc dù những người mới đến có thể làm giảm tình trạng chảy máu chất xám trong một số lĩnh vực như tài chính, nhưng họ có thể không bù đắp hoàn toàn cho sự mất mát nhân tài ở nhiều lĩnh vực khác nhau. Ông nói, ngành y tế đã mất đi một số chuyên gia “khá có kinh nghiệm” và không thể dễ dàng thay thế bằng những bác sĩ chưa được đào tạo tại địa phương.
Các chuyên gia không chắc chắn làn sóng người Trung Quốc đại lục có thể định hình tương lai của thành phố như thế nào do sự tương tác năng động giữa những người mới đến và người bản địa Hong Kong. Mặc dù không phải tất cả những người mới đến đều có thể nói tiếng Quảng Đông - tiếng mẹ đẻ của nhiều người Hong Kong - một số người trong số họ có thể đảm bảo việc làm nhanh chóng vì tiếng Quan Thoại đã trở thành ngôn ngữ ngày càng phổ biến tại Hong Kong sau cuộc chuyển giao năm 1997.
Hong Kong đã thu hút người di cư từ phần còn lại của Trung Quốc kể từ khi đây còn là một làng chài cách đây nhiều thế kỷ, và trong khi nhiều người tị nạn chạy trốn nội chiến, nghèo đói hoặc chủ nghĩa cộng sản, thì nhiều người khác chỉ đơn giản đến để tìm kiếm những cơ hội tốt hơn những gì họ có thể tìm thấy ở quê nhà.
Những yếu tố như vậy đang diễn ra trong cuộc sống của những người mới đến như anh Wu.
Anh cho biết anh nhận thấy những người bạn địa phương và giới truyền thông Hong Kong đã trở nên thận trọng hơn kể từ khi anh đến. Nếu chính phủ thắt chặt kiểm soát và bầu không khí chính trị trở nên quá ngột ngạt, anh Wu cho biết anh dự định sẽ cố gắng ở lại trong bảy năm cần thiết để có được quyền thường trú. Sau đó, anh ấy nói, “khả năng cao là tôi sẽ rời đi”.