Đảng Cộng sản Cuba công nhận chậm trễ và sai lầm trong việc thi hành các cải cách theo kiểu thị trường của ông Raul Castro nhưng quyết tâm tiếp tục nâng cấp nền kinh tế chỉ huy theo kiểu Xô Viết. Diễn tiến này xảy ra chỉ vài tuần trước khi ông Raul Castro thôi làm Chủ tịch Cuba.
Ủy ban trung ương đảng tổ chức một phiên họp khoáng đại để thảo luận những cải cách được thực hiện theo lệnh của ông Castro: mở cửa nền kinh tế èo uột và trao cho lãnh vực tư và đầu tư nước ngoài vai trò lớn hơn.
Ông Castro sẽ rời chức Chủ tịch Cuba vào ngày 19/4. Ông chủ trì phiên họp khoáng đại trong tuần này. Tuy nhiên, lãnh đạo 86 tuổi này sẽ vẫn là người đứng đầu Đảng Cộng sản Cuba, lực lượng chỉ đạo chính trị của nước này, cho tới năm 2021.
“Dù nhiều sai lầm và kém hiệu quả được thừa nhận trong phiên họp khoáng đại này, nhưng tình hình hiện nay tích cực hơn cách đây vài năm,” ông Castro được báo đảng Granma trích dẫn.
Cải cách được thi hành ngay trong 3 năm đầu tiên kể từ khi được thông qua vào năm 2011, ông Marino Murillo, người đứng đầu ủy ban cải cách của đảng cho biết.
Số lao động tự làm chủ tại đảo quốc Ca-ri-bê có dân số 11, 2 triệu đã tăng gấp ba, khoảng 580.000 công nhân.
Tuy nhiên việc thi hành đã chậm lại trong hai năm qua vì sự phức tạp của tiến trình, sai lầm trong việc giám sát, thiếu hỗ trợ tài chánh và nền hành chánh quan liêu, ông Murillo nói.
Đảng cũng cố ý thi hành cải cách chậm để đảm bảo là không gạt ra ngoài lề bất cứ ai.
Chính phủ trong năm qua ngưng cấp phép cho những hoạt động quan trọng trong lãnh vực tư để tìm cách loại trừ những việc làm xấu như mua bán trên thị trường chợ đen và cải thiện các qui định.
Ủy ban trung ương gồm 142 thành viên thảo luận về việc thiếu văn hóa tài chánh và công cụ có trách nhiệm để phân tích kinh tế một cách nghiêm chỉnh tại Cuba cũng như những khó khăn về thông tin trong tiến trình phức tạp.
Nhiều người Cuba kỳ vọng vào cải cách của ông Castro đã bất bình vì sự chậm chạp mà họ tin rằng điều này có nghĩa là Havana không thực sự cam kết nâng cấp nền kinh tế.
Chính phủ cũng không giải quyết những quan ngại của lãnh vực tư như thiếu thị trường bán sỉ hay khả năng xuất-nhập khẩu.
Havana cũng tụt hậu trong việc cải cách lãnh vực nông nghiệp quan trọng trong vài năm qua như phân bổ nguồn lực, ấn định giá cả và kiểm soát hầu hết các việc phân phối.