Ban Chấp hành Trung ương Đảng đã bầu Nguyễn Duy Ngọc làm chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra Trung ương và bổ sung ông vào Bộ Chính trị tại Hội nghị khóa 13 của Ban kết thúc hôm 24/1 sau 2 ngày nhóm họp để kiện toàn cũng như tinh gọn bộ máy chính trị Việt Nam, theo truyền thông trong nước.
Đây là lần đầu tiên Ban Chấp hành nhóm họp trong năm 2025 và cũng là kỳ họp bất thường đầu tiên của năm nay, với mục tiêu xem xét về sắp xếp bộ máy trong khi Đảng đang chuẩn bị cho Đại hội 14 dự kiến diễn ra vào đầu năm tới.
Kỳ họp này diễn ra không lâu sau khi Trung ương Đảng ra Nghị quyết số 18 về “tiến hành cuộc cách mạng tinh gọn bố máy” chính quyền mà Tổng Bí thư Tô Lâm nói là “một nhiệm vụ đặc biệt quan trọng” và sẽ quyết tâm làm xong trong quý 1 năm nay.
Theo thông cáo phát ra chiều ngày 23/1 được VnExpress trích dẫn, ông Ngọc được Ban Chấp hành bầu bổ sung vào Bộ Chính trị và giữ chức chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra Trung ương, thay cho Trần Cẩm Tú. Theo ghi nhận của tờ báo, ông Tú được cho thôi chức này để tập trung vào nhiệm vụ thường trực Ban Bí thư của Đảng mà ông đã kiêm nhiệm từ tháng 10/2024.
Với việc ông Ngọc được đưa vào Bộ Chính trị, giờ đây cơ quan quyền lực nhất trong Đảng Cộng sản có 16 thành viên, trong đó 9 người có xuất thân từ Công an và Quân đội.
Việc bổ nhiệm ông Ngọc, một thượng tướng Công an, đã khiến cho ‘phe’ Công an trong Bộ Chính trị trở thành đa số với 5 người – gồm cả Tổng Bí thư Tô Lâm, Thủ tướng Phạm Minh Chính, Phó Thủ tướng thường trực Nguyễn Hòa Bình, và Bộ trưởng Công an Lương Tam Quang.
Các thành viên Bộ Chính trị xuất thân từ Quân đội gồm có Chủ tịch nước Lương Cường, Bộ trưởng Quốc phòng Phan Văn Giang, Trưởng Ban Tuyên giáo Nguyễn Trọng Nghĩa, và Chủ nhiệm Tổng cục Chính trị Trịnh Văn Quyết.
Trước khi được bầu vào UBKTTW, ông Ngọc là thứ trưởng Bộ Công an.
Ông Ngọc cũng là người xuất thân từ Hưng Yên, quê nhà của ông Lâm. Giờ đây trong Bộ Chính trị, có đến 3 người cùng từ Hưng Yên, trong đó còn bao gồm cả ông Quang, người trở thành bộ trưởng Công an sau khi ông Lâm rời bỏ chức vụ này lên làm chủ tịch nước trước khi trở thành người lãnh đạo cao nhất của Đảng.
Đưa tin về việc bổ nhiệm ông Ngọc, VietNamNet cho biết UBKTTW là cơ quan kiểm tra, giám sát chuyên trách của Ban Chấp hành nhằm thực hiện các nhiệm vụ, quyền hạn theo quy định của Điều lệ Đảng cũng như tham mưu, giúp Ban Chấp hành, Bộ Chính trị và Ban Bí thư thực hiện nhiệm vụ kiểm tra, giám sát và kỷ luật của Đảng.
Vẫn theo tờ báo này, UBKTTW có nhiệm vụ “kiểm tra, xử lý kịp thời các tổ chức đảng, đảng viên khi có dấu hiệu vi phạm trong các vụ việc, vụ án thuộc diện Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng theo dõi, chỉ đạo. Theo đó, Ủy ban này có thể đề nghị Bộ Chính trị và Ban Bí thư hoặc yêu cầu các tổ chức và các nhân có thẩm quyền thi hành kỷ luật, thay đổi hình thức kỷ luật Đảng, chính quyền, đoàn thể đối với đản viên được cho là vi phạm kỷ luật.
Ban Bí thư Đảng cũng được bổ sung thêm một thành viên là Trưởng ban Kinh tế Trung ương Trần Lưu Quang, theo truyền thông trong nước.
Từ khi nhậm chức tổng bí thư thay Nguyễn Phú Trọng, người qua đời hồi tháng 7, ông Lâm tiếp tục mở rộng chiến dịch chống tham nhũng sâu rộng mà ông Trọng phát động trong gần một thập kỷ qua. Dưới sự lãnh đạo của ông Lâm, cựu Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc và cựu Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ bị kỷ luật cảnh cáo, trở thành những lãnh đạo ‘tứ trụ’ đầu tiên bị hình thức kỷ luật này.
Ông Lâm, người phát động ‘cuộc cách mạng’ tinh gọn bộ máy, sẽ phải giành được sự ủng hộ trong Đại hội Đảng 14 để có thể được bầu làm tổng bí thư trọn một nhiệm kỳ 5 năm.
Your browser doesn’t support HTML5