Dưới ‘đỏ’ thế nào cũng có … ‘đinh’

Dựng chướng ngại vật trong vụ tranh chấp đất tại Đồng Tâm. Hình minh họa.

Trân Văn

“Ngu” trở thành tính từ mà gần như ai sử dụng mạng xã hội cũng dùng khi tham gia bàn luận về Thông tư 33/2017 của Bộ Tài nguyên – Môi trường.

Theo Thông tư vừa kể thì từ ngày 5 tháng 12, Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất sẽ ghi tên tất cả các thành viên trong gia đình.

***

Trò chuyện với tờ Lao Động về Thông tư 33/2017 của Bộ Tài nguyên – Môi trường, ông Đặng Hùng Võ – cựu Thứ trưởng Bộ Tài nguyên Môi trường, người vẫn được xem như một chuyên gia về đất đai ở Việt Nam, nhận định, quy định như vừa kể là thừa và sẽ gây nhiều rắc rối. Ông Võ nói thêm rằng, những viên chức đề nghị và người phê chuẩn – ban hành qui định ấy “không có hiểu biết gì về pháp luật dân sự”. Ông Võ nhấn mạnh, “hộ” phổ biến là một cặp vợ chồng, nếu quyền sử dụng đất là tài sản của một cặp vợ chồng thì việc thêm tên con cái của họ vào Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất chẳng khác gì tạo thêm những đồng sở hữu mới, dù không tham gia tạo lập vẫn có quyền định đoạt đối với tài sản là quyền sử dụng đất. Cứ cho rằng con cái có đóng góp vào tài sản là quyền sử dụng đất thì dùng cách nào để xác định sự đóng góp đó? Ông Võ tiên đoán, Thông tư 33/2017 của Bộ Tài nguyên – Môi trường sẽ khiến việc xác định chủ tài sản trở thành rối rắm và chắc chắn sẽ tạo ra nhiều tranh chấp.

Thông tư 33/2017 của Bộ Tài nguyên – Môi trường được xem như một “nỗ lực” để loại bỏ tình trạng lừa đảo trong chuyển nhượng quyền sử dụng đất. Đáng tiếc là giống như nhiều “nỗ lực” khác của hệ thống công quyền tại Việt Nam, không những không được ghi nhận, Thông tư 33/2017 của Bộ Tài nguyên – Môi trường khiến công chúng thêm giận và khinh miệt…

Giống như hàng chục ngàn facebooker tham gia bình luận về Thông tư 33/2017 của Bộ Tài nguyên – Môi trường, ông Nguyễn Đăng Hưng xem đó là bằng chứng về sự “ngu si, đần độn quá mức” và “kiến tạo kiểu này chỉ gây mâu thuẫn cho gia đình, rắc rối cho nhân dân, mâu thuẫn cho xã hội”. Bửu Nam Nguyễn Phước thì đề nghị “trao Chứng nhận Đại Ngu” cho những người soạn thảo – ban hành Thông tư 33/2017.

Tương tự, Hàn Ly Hương giải thích lý do facebooker này nhận định Thông tư 33/2017 của Bộ Tài nguyên – Môi trường là “quá sức ngu dốt: Đây có lẽ là lần đầu tiên trong lịch sử loại người, kẻ bỏ tiền tạo lập nhà đất bị buộc phải để những người không đóng góp gì đứng tên, trở thành đồng sở hữu.

Một facebooker có tên là Su Ma thì cho rằng: “Thằng” nào không có chuyện gì làm thì nên cho “nó” về quê nuôi bò. Đừng để “nó” ở không rửng mỡ, nghĩ chuyện… ruồi bu. Nhìn tới tương lai, Dương Nhựt tiên đoán: Mai mốt muốn giao dịch phải kéo cả nhà ra ngồi một bầy cho “tụi nó” hành là chính!

Bên cạnh đó, có khá nhiều facebooker không tin Thông tư 33/2017 của Bộ Tài nguyên – Môi trường là “ngu dốt… thuần túy”. Theo họ, thông tư này sẽ tạo ra cơ hội “móc ngoặc, tham ô, đút lót” vì “tụi nó khôn lắm, sau khi ăn ngược, bây giờ tính chuyện ăn xuôi”. Cũng có những facebooker như Nhu Nguyen cà rỡn: Thông tư 33/2017 của Bộ Tài nguyên – Môi trường nhằm tạo điều kiện cho bệnh viện, nhà xác, nhà tù có việc để làm. Đất vốn là công sức của cha mẹ tạo lập. Bây giờ, tất cả những người có tên trong hộ khẩu đều là đồng sở hữu. Vì ngay cả con dâu, con rể cũng có quyền tham gia định đoạt nên rất dễ đâm chém nhau. Vậy là có người vô bệnh viện, có kẻ vô nhà xác, kẻ khác nữa thì vào nhà tù…

Tương tự, trên trang facebook của Đại Kỷ Nguyên, Thuong Pham tin rằng, Thông tư 33/2017 của Bộ Tài nguyên – Môi trường là “kế mới để các quan tham nhũng thoát thân”, tài sản do nhận hối lộ mà có, giờ mang nguồn gốc “gia đình”, cả chính quyền lẫn tòa án vô phương truy cứu.

***

Tại Việt Nam, Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất thường được gọi tắt là “Sổ đỏ”. Đây không phải là lần đầu tiên tờ giấy khổ lớn được gấp làm đôi, có một mặt màu đỏ khiến hàng trăm triệu người phải bận tâm.

Đáng ngạc nhiên là dường như tất cả những gì dính tới đỏ - vốn vẫn được xem như màu tượng trưng cho chủ nghĩa cộng sản – đều làm thiên hạ đau và giận.

Tuần này, ngoài Thông tư 33/2017 của Bộ Tài nguyên – Môi trường liên quan tới “Sổ đỏ”, “thảm đỏ” - vốn được dùng để ví von cho nỗ lực cải tổ, mời gọi đầu tư - cũng là một chủ đề mà cả các tờ báo chính thống lẫn mạng xã hội bàn luận sôi nổi.

Hôm 20 tháng 11, tờ Tuổi Trẻ giới thiệu hàng loạt ý kiến của các chuyên gia, doanh nhân về lời kêu gọi của Thủ tướng Việt Nam: Doanh giới đừng đưa hối lộ! Khi trò chuyện với tờ Tuổi Trẻ, các chuyên gia và doanh nhân cùng nêu một ý, doanh nhân chỉ có thể ngừng đưa hối lộ khi tình trạng “trên trải thảm nhưng dưới rải đinh”, “cài cắm qui định” để có lý do vòi vĩnh chấm dứt!

Giữa năm ngoái, khi tham gia bàn luận về mời gọi đầu tư, ông Lê Hồng Sơn – cựu Cục trưởng Cục Kiểm tra Văn bản quy phạm pháp luật thuộc Bộ Tư pháp Việt Nam, từng ví von, chủ trương mời gọi đầu tư, đặc biệt là đầu tư của khu vực tư nhân giống như “trải thảm đỏ” nhưng trên thực tế, các bộ, ngành liên tục đặt định rất nhiều yêu cầu “trời ơi, đất hỡi” chẳng khác gì “rải đinh” dưới thảm.

Sau 18 tháng tính từ ngày ông Sơn khái quát hiện trạng “trên trải thảm nhưng dưới rải đinh”, giờ, “đinh” vẫn đầy dưới “thảm”! Một số người biện bạch rằng “chính phủ” đã rất cố gắng, chỉ có… “các bộ, ngành” là thiếu thiện chí. Kiểu biện bạch này khiến người ta hoang mang. Chẳng lẽ chính phủ Việt Nam khác chính phủ của các quốc gia khác, thành ra “các bộ, ngành” không phải… “chính phủ”?

Không “nhã” như các chuyên gia và doanh nhân, nhiều facebooker như Tony Do nhận định thẳng tuột, lời kêu gọi doanh giới đừng đưa hối lộ của Thủ tướng Việt Nam là một kiểu “nói chuyện huề tiền”.

Tony Do bảo ông Phúc “thử khuyên mấy đứa con của chính phủ đừng gây khó dễ, đừng nhận hối lộ xem chúng có nghe không?”. Tuy nhiên Duc Do Dang cho rằng khỏi “thử khuyên” vì “vô phương”. Duc Do Dang giải thích: Chúng nó nhận hối lộ để thu hồi vốn, không nhận hối lộ thì mua quan làm gì (?). Chưa kể làm như thế mấy đứa bán quan sẽ chết đói. Facebooker này không tán thành kiểu ví von cho rằng dưới thảm là đinh. Duc Do Dang nhấn mạnh: Dưới thảm đỏ là cả rừng chông. Đinh chỉ xuyên qua giày, còn chông thì… xuyên tan xác!

Chẳng lẽ đã “đỏ” thì phải có… “đinh” mới đó mà đã lạc hậu. Giờ dưới “đỏ” là “chông” mới chính xác?