Vũ Đức Khanh (từ Ottawa, Canada)
Trong tình hình thế giới đang có nhiều thay đổi với sự đối đầu Mỹ-Trung ngày càng gay gắt, việc tập trung trí tuệ để tìm một giải pháp tối ưu cho Việt Nam cần có sự đối thoại chân thành giữa những người có chính kiến khác nhau, hay giữa chính quyền với những thành phần đối lập, bất đồng chính kiến. Và chí ít, đối thoại thẳng thắn, chân thành cũng làm tăng sự đồng thuận, giảm thiểu khác biệt, góp phần xây dựng, củng cố khối đại đoàn kết dân tộc, tránh đối đầu, chống đối dẫn đến thù hận… thể hiện tính công bằng, nghiêm minh của pháp quyền.
Đối thoại là gì?
Đối thoại là hoạt động thảo luận, trao đổi suy nghĩ, ý kiến, tranh luận quan điểm qua lời thoại giữa hai hay nhiều người hoặc nhóm người với nhau; là bàn bạc, thương lượng trực tiếp giữa hai hay nhiều bên với nhau để giải quyết các khác biệt và tranh chấp.
Một người cũng có thể đối thoại với một nhóm người. Điểm chung ở đây là việc nói chuyện, trao đổi suy nghĩ, ý kiến, quan điểm, tranh luận đều mang tính hai chiều. Một ông tướng truyền lệnh cho binh sỹ dưới quyền thì không phải là đối thoại mà là mệnh lệnh. Hai người nói chuyện với nhau mà một người chỉ nói ý kiến của mình mà không xét đến ý kiến của người kia thì không phải là đối thoại mà là độc thoại.
Điều kiện đối thoại
Đối thoại là việc hai bên trao đổi suy nghĩ, tìm hiểu quan điểm của nhau, học hỏi lẫn nhau và cùng nhau đi đến một hành động chung, nếu có thể. Nếu không thể đạt được hành động chung, ít ra cũng hiểu được quan điểm của nhau. Muốn có một đối thoại thành công thì cuộc đối thoại cần những điều kiện gì?
Trước hết là sự "bình đẳng" trong vị thế khi đối thoại. Một ông tướng có thể ra lệnh cho binh sỹ dưới quyền làm theo lệnh mình, nhưng nếu đối thoại với nhau thì hai bên phải tôn trọng vị thế của người đối thoại ngang hàng với mình, không lên giọng tôi là tướng, anh là lính biết gì mà nói. Hai người trong cuộc đối thoại có thể khác nhau về học vấn, giàu nghèo, tuổi tác, kinh nghiệm sống nhưng khi đã chấp nhận đối thoại thì hoàn toàn có quyền ngang nhau khi trình bày quan điểm của mình, lắng nghe người kia và đi đến một thỏa thuận chung, nếu được.
Điểm thứ hai là phải "thành thật" với nhau. Thoạt nhìn, đây là một tiêu chuẩn khó biết, vì ai cũng có thể nói mình thành thật, như vậy đánh giá thành thật có chủ quan không? Trong lịch sử có rất nhiều cuộc đối thoại giữa hai quốc gia mà một hoặc cả hai bên đều thiếu thành thật, tôi nghĩ những người đứng ngoài cuộc đối thoại, quan sát cuộc đối thoại, khi họ có bức tranh tổng thể, có thể đánh giá mức độ chân thành của mỗi bên. Đối thoại không thành thật chỉ làm lãng phí thời giờ của nhau hoặc phục vụ cho mục đích khác hơn là tạo ra một thoả thuận chung.
Điểm thứ ba là "lắng nghe", ít nhất là để biết quan điểm của người khác. Không lắng nghe, chỉ lập đi lập lại ý mình thì không phải là đối thoại mà là độc thoại. Đối thoại mà không nghe quan điểm của nhau thì phí thời gian của cả hai bên, mà chỉ cố áp đặt ý kiến, quan điểm của mình cho đối phương.
Và cuối cùng khi có quan điểm khác nhau thì nên bình tĩnh thuyết phục thay vì chửi nhau hay tệ hơn dùng những phương cách khác để bịt miệng nhau. Khi đã chửi nhau là bịt tai mình, dùng lời lẽ nặng nề tấn công người khác thì không còn là đối thoại nữa. Rất nhiều cuộc thảo luận trên mạng xã hội, bắt đầu là đối thoại, nhưng cuối cùng mất bình tĩnh nên thành chửi bới, mạ lỵ nhau.
Phạm vi đối thoại
Đối thoại có thể có phạm vi từ rộng đến hẹp, từ một quốc gia này nói chuyện với một quốc gia khác về một đề tài liên quan đến hai nước cho đến đối thoại giữa hai người về một điều chỉ liên quan đến hai người, chỉ trao đổi về quan điểm sống.
Khi đối thoại giữa hai quốc gia, vị thế phải tương đồng. Dĩ nhiên có nước lớn nước nhỏ nhưng cả hai bên cần trình bày quan điểm mỗi nước, cần lắng nghe quan điểm của nước kia và có thoả thuận chung sau đó nếu được. Nếu ỷ vào vị thế của nước lớn mà thiếu thành thật, chỉ muốn triệt hạ nhau thì đối thoại chỉ là lừa bịp nước đối thủ hoặc là chính dân nước mình.
Đối thoại cũng có thể xảy ra giữa hai người hay hai nhóm người. Hai nhóm học giả về công pháp thuộc hai nước khác nhau có thể đối thoại với nhau về biên giới chẳng hạn. Hoặc là đối thoại giữa người hay nhóm người với cả một guồng máy quốc gia. Nhưng phổ thông nhất, khi mạng xã hội ra đời, có nhiều cuộc thảo luận, bắt đầu bằng đối thoại nhưng đến một lúc nào đó một hay cả hai phe mất bình tĩnh và trở thành một cuộc chửi bới, xỏ xiên, công kích nhau.
Giải pháp cho đối thoại vì một tương lai của Việt Nam
Bàn luận về những chính sách, hướng về một tương lai tốt đẹp cho Việt nam là điều cần thiết. Trong việc này, ta cần một sự đối thoại giữa những người đồng ý với những chính sách của nhà cầm quyền Việt Nam và những người khác ý.
Nếu đối thoại diễn ra giữa hai nhóm người với nhau, nên bình tĩnh khi đối thoại. Cần có nhiều chứng cớ, dữ liệu cho lập luận của mình. Một chính sách quốc gia đưa ra, ảnh hưởng đến nhiều người thì có người khen kẻ chê là chuyện bình thường. Ý kiến muốn thuyết phục người khác thì cần chuẩn bị dữ kiện và lập luận vững chắc mới có hy vọng cao hơn để thuyết phục được. Nhưng lắng nghe để biết quan điểm của người khác cũng là một phần trong đối thoại. Những ý kiến người khác có thể làm mình hoặc làm lập luận của mình dịu đi hoặc mạnh mẽ hơn. Chỉ nghe những ý kiến đồng ý với mình thì ta không thay đổi được gì cả.
Nếu đối thoại giữa một bên là những người hay nhóm người, một bên là cả guồng máy nhà nước thì lại càng cẩn thận hơn. Ở đây có sự mất cân bằng giữa hai vị trí đối thoại, ngay trước khi đối thoại. Bên nhà nước muốn có một đối thoại thực sự, để góp ý kiến trí lực cho quốc gia thì cần chân thành và biết lắng nghe. Trong thời đại mạng xã hội, luật pháp để ngăn ngừa những kẻ phát tán tin thất thiệt, làm thiệt hại đến uy tín nhà nước hay cá nhân khác, nhưng không bao giờ nên là công cụ để bịt miệng người khác ý. Cần nghiêm chỉnh xem xét bộ luật hình sự cho rõ ràng hơn để tránh việc kết án tùy tiện những người đối lập bất đồng chính kiến. Việc có luật lệ biểu tình để người khác ý bày tỏ chính kiến là đều hết sức cần thiết.
Nếu thực tâm mong muốn một tương lai tươi sáng cho tất cả mọi người dân, nhà cầm quyền cần phải đối thoại nhiều hơn nữa với tất cả mọi người dân. Có như thế thì một tương lai tự do, dân chủ và thịnh vượng cho Việt Nam mới có cơ hội hiện thực hóa.
Đảng có thật sự muốn đối thoại?
Tháng 5 năm 2017, ông Võ Văn Thưởng, lúc đó là Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương Đảng, đã tuyên bố rằng ĐCSVN "không sợ đối thoại"!
Ông nói : "Chúng ta không sợ đối thoại, không sợ tranh luận, bởi vì sự phát triển của mỗi lý luận và của học thuyết cách mạng nào rồi cũng phải dựa trên sự cọ xát và tranh luận. Và cũng chính sự tranh luận đó tạo ra cơ sở để hình thành chân lý".
Ông cũng cho biết, "Ban Tuyên giáo Trung ương đang chờ Ban Bí thư thông qua một văn bản hướng dẫn về việc tổ chức trao đổi và đối thoại với những cá nhân có ý kiến và quan điểm khác với đường lối, chủ trương, quan điểm của Đảng và pháp luật của Nhà nước".
Tuy nhiên đã gần 6 năm trôi qua, chẳng thấy ông Võ Văn Thưởng hay ĐCSVN đã "đối thoại" gì với ai. Ngược lại, một số không nhỏ trong "những cá nhân có ý kiến và quan điểm khác với đường lối, chủ trương, quan điểm của Đảng và pháp luật của Nhà nước" đã bị bắt, bị cầm tù chỉ vì họ dám lên tiếng bày tỏ ý kiến và quan điểm khác với đường lối, chủ trương, quan điểm của Đảng và Nhà nước.
Thiết nghĩ ĐCSVN và ông Võ Văn Thưởng với vai trò mới là Chủ tịch nước nên xét lại. Nếu thật sự ĐCSVN muốn "đối thoại", tôi nghĩ nhân dân Việt Nam đã sẵn sàng. Nhưng như đã trình bày, đối thoại chỉ có thể thành công, khi chúng ta bình đẳng, thẳng thắn nhưng ôn hòa, chân thành, biết lắng nghe, tôn trọng sự thật và đặc biệt tôn trọng lẫn nhau. Nếu không thì đó chỉ là một màn mỵ dân thô thiển.