Hoạt động bồi đắp đảo nhân tạo của Trung Quốc ở Biển Đông có thể đã hủy hoại các rạn san hô, phá vỡ nguồn cá tại khu vực phụ thuộc rất nhiều vào thủy sản, đồng thời vi phạm luật quốc tế về bảo vệ môi trường, theo một phúc trình vừa đệ trình Quốc hội Mỹ.
Báo cáo ngày 12/4 soạn thảo cho Ủy ban đánh giá an ninh kinh tế Mỹ-Trung nêu rõ các hoạt động của Trung Quốc ở Biển Đông đặc biệt đáng quan ngại do quy mô và tốc độ của nó, do tính đa dạng sinh học trong vùng, và do tầm quan trọng của quần đảo Trường Sa đối với môi trường sinh thái tại khu vực.
Phúc trình nói, từ cuối năm 2013 tới tháng 10 năm ngoái, Trung Quốc đã bồi đắp khoảng 3.000 mẫu Anh đất đai trên 7 thực thể địa lý mà Bắc Kinh chiếm đóng ở Trường Sa.
Theo Bộ quốc phòng Mỹ, khối lượng đất đai do Việt Nam cải tạo ở Trường Sa là 80 mẫu Anh, Malaysia khoảng 70 mẫu, Philippines 14 mẫu, và Đài Loan chừng 8 mẫu.
Báo cáo vừa công bố hôm qua cũng cho biết thêm rằng Trung Quốc đã đắp đất cát lên khoảng 13km vuông diện tích các bãi đá, phá hủy các rạn san hô bên dưới.
Vẫn theo phúc trình, các tàu hút bùn của Bắc Kinh khuấy động bùn cát, gây phương hại các mô san hô và ngăn cản ánh sáng mặt trời, nguồn sống của các rạn san hô hình thành nên bãi đá.
Báo cáo nói cát và sỏi đá do Trung Quốc bồi đắp còn làm cá chết hoặc xua đuổi các sinh vật biển ra khỏi các rạn san hô, gây tổn thương môi trường sống lành mạnh của các loài thủy sản tại các khu vực ven biển.
Trước đó, giới chức Trung Quốc từng tuyên bố dự án xây dựng đảo đã qua đánh giá khoa học và coi trọng việc bảo vệ môi trường không thua gì tầm quan trọng của các công trình thi công.
Tuy nhiên, Ủy ban đánh giá an ninh kinh tế Mỹ-Trung tố cáo Trung Quốc không công bố đầy đủ thông tin về việc đánh giá tác động môi trường của các kế hoạch khai hoang, bồi đắp đảo nhân tạo.
Ủy ban được thành lập bởi Quốc hội Hoa Kỳ vào năm 2000 để điều tra và lập báo cáo hàng năm về tác động an ninh quốc gia từ các hoạt động thương mại với Trung Quốc.
Theo Bloomberg, USCC.gov
Your browser doesn’t support HTML5