Về nhiều phương diện, Philippines rất khác Việt Nam cũng như hầu hết các quốc gia Đông Nam Á khác. Philippines tiếp xúc với Tây phương rất sớm. Ngay từ thế kỷ 16, khi một số giáo sĩ Tây phương tiền phong mới dọ dẫm đặt chân lên lãnh thổ Việt Nam, Philippines đã là thuộc địa của Tây Ban Nha.
Cuối thế kỷ 19, Philippines lại trở thành thuộc địa đầu tiên và cũng là duy nhất của Mỹ, từ đó, một mặt, trong khi phần lớn dân chúng Philippines vẫn giữ kiểu đặt tên theo Tây Ban Nha, mặt khác, họ lại chọn tiếng Anh làm một trong hai ngôn ngữ chính thức của cả nước (Philippines là quốc gia nói tiếng Anh lớn thứ ba trên thế giới - chỉ sau Mỹ và Anh). Ảnh hưởng của cả Tây Ban Nha lẫn Mỹ có thể thấy ngay tên nước và tên người: Tên nước, Philippines, vốn là “Islas Filipinas”, những hòn đảo của hoàng đế Philip II, vua của Tây Ban Nha, được viết theo kiểu tiếng Anh; nhưng danh từ chỉ người (hoặc tiếng) Philippines lại được viết là Filipino, với chữ F đầu, theo kiểu Tây Ban Nha, vốn đã có từ trước. Một ảnh hưởng khác được thấy rất rõ là, trong khi các quốc gia châu Á khác đều theo hoặc Nho giáo hoặc Phật giáo hoặc Hồi giáo, khoảng trên 90% dân số Philippines là Thiên Chúa giáo (phần lớn là Công giáo).
Đến một nước như thế, tôi ít chờ đợi sẽ gặp nhiều thứ có thể gợi nhớ đến Việt Nam. Vậy mà có. Ngay từ lúc tôi vừa mới bước ra khỏi phi trường Manila. Lúc ấy, trời mưa tầm tã. Chiếc xe chở tôi từ phi trường đến khách sạn ở trung tâm thành phố Taguig, thuộc Metro Manila, như trôi đi trong mưa. Nhìn ra ngoài cửa kính, tôi chỉ thấy mưa mù mịt, và ngoài mưa, lóe lên vài đốm sáng từ những chiếc đèn đường và đèn của những xe khác ngay trước mặt hay ngay bên cạnh. Mưa mù trời. Nghe nói cơn mưa đã kéo dài suốt cả ba ngày rồi. Thì ở đâu lại chả có mưa? Ở Úc, tháng này đang giữa mùa xuân, trời cũng mưa hoài. Nhưng không hiểu sao, nhìn mưa ở Philippines, tôi vẫn thấy có cái gì khang khác. Không giống mưa ở Úc. Mà lại giống mưa ở… Việt Nam. Giống như thế nào? Thú thực, tôi cũng không biết. Chỉ thấy giống.
Ngày hôm sau, tôi gặp mấy người bạn từ Mỹ sang ở nhà một người bạn khác. Chúng tôi ngồi dưới mái hiên bên cạnh nhà vừa hút thuốc vừa chuyện trò. Thật ra, chúng tôi cũng không nói chuyện gì nhiều. Có những lúc, kéo dài thật lâu, cả bọn đều im lặng. Tôi thì tôi bị hút hồn bởi những giọt mưa ngoài trời và những tiếng mưa lộp độp trên mái tôn. Sau, các bạn tôi cũng thú nhận như vậy: Họ say sưa ngắm mưa và nghe tiếng mưa gõ. Một người bạn tôi buộc miệng nói: “Nhìn mưa, nhớ Việt Nam quá!”
Ở Việt Nam, mưa có nhiều loại: mưa bụi (còn gọi là mưa tro), mưa dầm, mưa dông, mưa đá, mưa luồng (hay còn gọi mưa bóng mây), mưa ngâu (vào tháng bảy âm lịch), mưa nguồn (còn gọi mưa lũ), mưa ngâu, mưa phùn (vào cuối mùa đông và đầu mùa xuân), mưa rươi (ở miền Bắc trong mấy tháng cuối năm), mưa xuân hay mưa thu. Mưa cũng có nhiều mức độ: Mưa lai rai, mưa lắc rắc, mưa lâm râm, mưa lún phún, mưa lúi phúi, mưa dầm dề, mưa xổ phong long, v.v..
Tôi sợ nhất là mưa ở miền Trung, những cơn mưa kéo dài hầu như vô tận, hay nói theo cách nói của người địa phương, mưa đến “thúi đất”. Đi học, trùm áo mưa kín mít, vậy mà, đến trường, tóc tai và chân cẳng, đôi khi cả quần áo nữa, lúc nào cũng ướt nhẹp. Những ngày nghỉ học, cứ ngồi bó gối ở nhà nhìn mưa, thoạt đầu, thấy thú vị, sau, chỉ thấy buồn đến bã người. Ngày trước, có lần từ Hà Nội vào Huế, nhà thơ Nguyễn Bính từng than thở: “Trời mưa ở Huế sao buồn thế / Cứ kéo dài ra đến mấy ngày.” Mưa ở Huế thế, mưa ở Đà Nẵng cũng thế. Cũng dầm dề. Cũng lê thê.
Nhưng tôi nhớ nhất là mưa ở Sài Gòn, nơi tôi sống từ năm 1975 đến ngày vượt biên, năm 1985. Hình như trong suốt cả mười năm ấy, tôi không hề có áo mưa. Đang đi đường, trời đổ mưa, chạy vội vào một mái hiên nào đó nấp. Và chờ. Một lát, mưa tạnh, lại đi tiếp. Hình như hiếm lắm mới có một trận mưa kéo dài. Còn lại, trong ký ức tôi, chỉ có những cơn mưa ngắn.
Một sự khác biệt nữa: so với miền Trung và miền Bắc, mùa mưa ở miền Nam trùng với mùa nóng. Vừa mưa vừa nóng. Có lẽ đây là lý do chính khiến tôi và các bạn tôi nhìn mưa ở Philippines mà cứ nôn nao nhớ về Việt Nam, đặc biệt là Sài Gòn: Mưa thì mưa, trời vẫn hầm, không khí chung quanh vẫn oi bức. Mưa không đủ làm giạt đi hơi nóng của thời tiết, thậm chí, dường như nó làm hơi nóng bị đặc lại, quánh lại, chỉ quanh quẩn trong những vùng không có mưa, như cái mái hiên tôi đang ngồi với bạn bè, chẳng hạn.
Ngôi nhìn mưa ở Philippines, chúng tôi nói về mưa ở Việt Nam. Cũng như tôi, cả anh Phan Huy Đạt lẫn Phạm Phú Thiện Giao, chủ nhiệm và chủ bút của báo Người Việt ở California, không ai có kiến thức gì về khí tượng học. Chúng tôi chỉ nói theo kinh nghiệm: Mưa nhiệt đới, như ở Việt Nam hay Philippines, thường có hạt. Ở những nơi khác, như ở Úc, chẳng hạn, tôi chỉ thấy mưa hoặc lay bay, lất phất hoặc tầm tã, mù mịt. Nhưng dù nhẹ hay nặng, chưa bao giờ tôi thấy mưa thành hạt. Chỉ hoặc mờ mờ như sương hoặc mù trời trắng đất, họa hoằn, mới thấy được những sợi mưa, kiểu Huy Cận tả, “mưa giong buồn sợi xuống lơi lơi”. Ở Việt Nam, cũng như ở Philippines lúc này, tôi thấy rõ từng hạt mưa giữa trời. Những hạt mưa nối theo nhau rơi xuống, ràn rụa trên cành mít bên góc nhà và gõ đều đều trên mái tôn. Trong bản trường ca Đẻ đất đẻ nước của người Mường, người ta tả những hạt mưa lớn đến độ, thoạt đầu, “bằng trái cà”, sau, bằng “quả bưởi”. Mưa ở Philippines, những ngày đầu khi tôi mới đến, không lớn đến vậy. Nhưng cũng là hạt.
Nhưng nhìn mưa không thích bằng nghe tiếng mưa rơi. Ở Tây phương, hiếm khi chúng ta nghe được tiếng mưa rơi. Ngay cả khi ở nhà trệt, mái ngói cũng thường cao, lại bị trần nhà ngăn cản, tiếng mưa thường nghe yếu hẳn đi. Ở Việt Nam và Philippines thì khác. Nhà hoặc hiên nhà thường lợp bằng tôn, tiếng mưa nghe rõ mồn một. Khi mưa lớn, nghe ầm ầm hoặc rào rào; nhẹ hơn, nghe tí tách; nhẹ và dài, nghe rả rích; tiếng mưa thanh, nghe thánh thót; tiếng mưa đục, nghe lộp độp.
Cả tuần lễ tôi ở Manila, hầu như ngày nào cũng mưa. Có khi mưa dầm dề cả ngày, có khi mưa ngừng, nắng hanh lên một lát, rồi lại mưa. “Mưa mãi mưa hoài”, nói theo một câu thơ của Lưu Trọng Lư. Có mấy ngày, đến ở trong một khu resort, tôi ngủ trong một ngôi nhà nhỏ trên núi. Nhà nhỏ, thiết kế như một cái chòi, vách đá nhưng lợp bằng lá nứa. Mưa suốt đêm. Mưa rơi trên mái nứa, tiếng rất đằm. Như những tiếng thì thầm. Tôi lại càng nhớ nhà. Suốt đêm, cứ trằn trọc. Nghe vang vang trong đầu bài thơ của Huy Cận đã lâu tôi không đọc lại:
Đêm mưa buồn nhớ không gian
Lòng run thêm lạnh nỗi hàn bao la
Tai nương nước giọt mái nhà
Nghe trời nằng nặng, nghe ta buồn buồn
Nghe đi rời rạc trong hồn
Những chân xa vắng dặm mòn lẻ loi
Rơi rơi dìu dịu rơi rơi
Trăm muôn giọt nhẹ nối lời vu vơ
Tai nghiêng hướng lạc phương mờ
Trở nghiêng gối mộng hững hờ nằm nghe
Gió về, lòng rộng không che
Hơi may hiu hắt bốn bề tâm tư.
Càng nhớ nhà hơn nữa khi, cả mấy ngày ấy, hầu như lúc nào tôi cũng được ăn cơm Việt Nam. Có cá chiên. Có thịt kho. Có canh rau đay. Nhưng tôi thích nhất là trái cây. Xoài. Chuối tiêu. Chôm chôm. Măng cụt. Mít. Và bòn bon, thứ trái cây đặc sản ở Quảng Nam, quê tôi. Nhớ, cách đây mấy năm, đi Bangkok, lúc đang đi dạo trên đường, tôi thấy trên dãy trái cây bày bán dọc đường, một rổ bòn bon, tôi bỗng thấy nôn nao lạ lùng. Bao nhiêu kỷ niệm từ lúc còn nhỏ, ở Quảng Nam, nườm nượp ùa về. Tôi mua nguyên cả rổ, đến mấy ký, đem về khách sạn, ăn từ từ trong mấy ngày. Không thấy ngon như mình tưởng. Nhưng vẫn thích. Vì kỷ niệm. Bòn bon ở Philippines, trái nhỏ hơn, nhưng dường như có vị thanh hơn.
Ăn thức ăn và trái cây Việt Nam và nghe tiếng mưa rả rích, nhiều lúc tôi ngỡ mình đang sống ở Việt Nam, nơi tôi không thể trở về.
* Blog của Tiến sĩ Nguyễn Hưng Quốc là blog cá nhân. Các bài viết trên blog được đăng tải với sự đồng ý của Ðài VOA nhưng không phản ánh quan điểm hay lập trường của Chính phủ Hoa Kỳ.
Cuối thế kỷ 19, Philippines lại trở thành thuộc địa đầu tiên và cũng là duy nhất của Mỹ, từ đó, một mặt, trong khi phần lớn dân chúng Philippines vẫn giữ kiểu đặt tên theo Tây Ban Nha, mặt khác, họ lại chọn tiếng Anh làm một trong hai ngôn ngữ chính thức của cả nước (Philippines là quốc gia nói tiếng Anh lớn thứ ba trên thế giới - chỉ sau Mỹ và Anh). Ảnh hưởng của cả Tây Ban Nha lẫn Mỹ có thể thấy ngay tên nước và tên người: Tên nước, Philippines, vốn là “Islas Filipinas”, những hòn đảo của hoàng đế Philip II, vua của Tây Ban Nha, được viết theo kiểu tiếng Anh; nhưng danh từ chỉ người (hoặc tiếng) Philippines lại được viết là Filipino, với chữ F đầu, theo kiểu Tây Ban Nha, vốn đã có từ trước. Một ảnh hưởng khác được thấy rất rõ là, trong khi các quốc gia châu Á khác đều theo hoặc Nho giáo hoặc Phật giáo hoặc Hồi giáo, khoảng trên 90% dân số Philippines là Thiên Chúa giáo (phần lớn là Công giáo).
Đến một nước như thế, tôi ít chờ đợi sẽ gặp nhiều thứ có thể gợi nhớ đến Việt Nam. Vậy mà có. Ngay từ lúc tôi vừa mới bước ra khỏi phi trường Manila. Lúc ấy, trời mưa tầm tã. Chiếc xe chở tôi từ phi trường đến khách sạn ở trung tâm thành phố Taguig, thuộc Metro Manila, như trôi đi trong mưa. Nhìn ra ngoài cửa kính, tôi chỉ thấy mưa mù mịt, và ngoài mưa, lóe lên vài đốm sáng từ những chiếc đèn đường và đèn của những xe khác ngay trước mặt hay ngay bên cạnh. Mưa mù trời. Nghe nói cơn mưa đã kéo dài suốt cả ba ngày rồi. Thì ở đâu lại chả có mưa? Ở Úc, tháng này đang giữa mùa xuân, trời cũng mưa hoài. Nhưng không hiểu sao, nhìn mưa ở Philippines, tôi vẫn thấy có cái gì khang khác. Không giống mưa ở Úc. Mà lại giống mưa ở… Việt Nam. Giống như thế nào? Thú thực, tôi cũng không biết. Chỉ thấy giống.
Ngày hôm sau, tôi gặp mấy người bạn từ Mỹ sang ở nhà một người bạn khác. Chúng tôi ngồi dưới mái hiên bên cạnh nhà vừa hút thuốc vừa chuyện trò. Thật ra, chúng tôi cũng không nói chuyện gì nhiều. Có những lúc, kéo dài thật lâu, cả bọn đều im lặng. Tôi thì tôi bị hút hồn bởi những giọt mưa ngoài trời và những tiếng mưa lộp độp trên mái tôn. Sau, các bạn tôi cũng thú nhận như vậy: Họ say sưa ngắm mưa và nghe tiếng mưa gõ. Một người bạn tôi buộc miệng nói: “Nhìn mưa, nhớ Việt Nam quá!”
Ở Việt Nam, mưa có nhiều loại: mưa bụi (còn gọi là mưa tro), mưa dầm, mưa dông, mưa đá, mưa luồng (hay còn gọi mưa bóng mây), mưa ngâu (vào tháng bảy âm lịch), mưa nguồn (còn gọi mưa lũ), mưa ngâu, mưa phùn (vào cuối mùa đông và đầu mùa xuân), mưa rươi (ở miền Bắc trong mấy tháng cuối năm), mưa xuân hay mưa thu. Mưa cũng có nhiều mức độ: Mưa lai rai, mưa lắc rắc, mưa lâm râm, mưa lún phún, mưa lúi phúi, mưa dầm dề, mưa xổ phong long, v.v..
Tôi sợ nhất là mưa ở miền Trung, những cơn mưa kéo dài hầu như vô tận, hay nói theo cách nói của người địa phương, mưa đến “thúi đất”. Đi học, trùm áo mưa kín mít, vậy mà, đến trường, tóc tai và chân cẳng, đôi khi cả quần áo nữa, lúc nào cũng ướt nhẹp. Những ngày nghỉ học, cứ ngồi bó gối ở nhà nhìn mưa, thoạt đầu, thấy thú vị, sau, chỉ thấy buồn đến bã người. Ngày trước, có lần từ Hà Nội vào Huế, nhà thơ Nguyễn Bính từng than thở: “Trời mưa ở Huế sao buồn thế / Cứ kéo dài ra đến mấy ngày.” Mưa ở Huế thế, mưa ở Đà Nẵng cũng thế. Cũng dầm dề. Cũng lê thê.
Nhưng tôi nhớ nhất là mưa ở Sài Gòn, nơi tôi sống từ năm 1975 đến ngày vượt biên, năm 1985. Hình như trong suốt cả mười năm ấy, tôi không hề có áo mưa. Đang đi đường, trời đổ mưa, chạy vội vào một mái hiên nào đó nấp. Và chờ. Một lát, mưa tạnh, lại đi tiếp. Hình như hiếm lắm mới có một trận mưa kéo dài. Còn lại, trong ký ức tôi, chỉ có những cơn mưa ngắn.
Một sự khác biệt nữa: so với miền Trung và miền Bắc, mùa mưa ở miền Nam trùng với mùa nóng. Vừa mưa vừa nóng. Có lẽ đây là lý do chính khiến tôi và các bạn tôi nhìn mưa ở Philippines mà cứ nôn nao nhớ về Việt Nam, đặc biệt là Sài Gòn: Mưa thì mưa, trời vẫn hầm, không khí chung quanh vẫn oi bức. Mưa không đủ làm giạt đi hơi nóng của thời tiết, thậm chí, dường như nó làm hơi nóng bị đặc lại, quánh lại, chỉ quanh quẩn trong những vùng không có mưa, như cái mái hiên tôi đang ngồi với bạn bè, chẳng hạn.
Ngôi nhìn mưa ở Philippines, chúng tôi nói về mưa ở Việt Nam. Cũng như tôi, cả anh Phan Huy Đạt lẫn Phạm Phú Thiện Giao, chủ nhiệm và chủ bút của báo Người Việt ở California, không ai có kiến thức gì về khí tượng học. Chúng tôi chỉ nói theo kinh nghiệm: Mưa nhiệt đới, như ở Việt Nam hay Philippines, thường có hạt. Ở những nơi khác, như ở Úc, chẳng hạn, tôi chỉ thấy mưa hoặc lay bay, lất phất hoặc tầm tã, mù mịt. Nhưng dù nhẹ hay nặng, chưa bao giờ tôi thấy mưa thành hạt. Chỉ hoặc mờ mờ như sương hoặc mù trời trắng đất, họa hoằn, mới thấy được những sợi mưa, kiểu Huy Cận tả, “mưa giong buồn sợi xuống lơi lơi”. Ở Việt Nam, cũng như ở Philippines lúc này, tôi thấy rõ từng hạt mưa giữa trời. Những hạt mưa nối theo nhau rơi xuống, ràn rụa trên cành mít bên góc nhà và gõ đều đều trên mái tôn. Trong bản trường ca Đẻ đất đẻ nước của người Mường, người ta tả những hạt mưa lớn đến độ, thoạt đầu, “bằng trái cà”, sau, bằng “quả bưởi”. Mưa ở Philippines, những ngày đầu khi tôi mới đến, không lớn đến vậy. Nhưng cũng là hạt.
Nhưng nhìn mưa không thích bằng nghe tiếng mưa rơi. Ở Tây phương, hiếm khi chúng ta nghe được tiếng mưa rơi. Ngay cả khi ở nhà trệt, mái ngói cũng thường cao, lại bị trần nhà ngăn cản, tiếng mưa thường nghe yếu hẳn đi. Ở Việt Nam và Philippines thì khác. Nhà hoặc hiên nhà thường lợp bằng tôn, tiếng mưa nghe rõ mồn một. Khi mưa lớn, nghe ầm ầm hoặc rào rào; nhẹ hơn, nghe tí tách; nhẹ và dài, nghe rả rích; tiếng mưa thanh, nghe thánh thót; tiếng mưa đục, nghe lộp độp.
Cả tuần lễ tôi ở Manila, hầu như ngày nào cũng mưa. Có khi mưa dầm dề cả ngày, có khi mưa ngừng, nắng hanh lên một lát, rồi lại mưa. “Mưa mãi mưa hoài”, nói theo một câu thơ của Lưu Trọng Lư. Có mấy ngày, đến ở trong một khu resort, tôi ngủ trong một ngôi nhà nhỏ trên núi. Nhà nhỏ, thiết kế như một cái chòi, vách đá nhưng lợp bằng lá nứa. Mưa suốt đêm. Mưa rơi trên mái nứa, tiếng rất đằm. Như những tiếng thì thầm. Tôi lại càng nhớ nhà. Suốt đêm, cứ trằn trọc. Nghe vang vang trong đầu bài thơ của Huy Cận đã lâu tôi không đọc lại:
Đêm mưa buồn nhớ không gian
Lòng run thêm lạnh nỗi hàn bao la
Tai nương nước giọt mái nhà
Nghe trời nằng nặng, nghe ta buồn buồn
Nghe đi rời rạc trong hồn
Những chân xa vắng dặm mòn lẻ loi
Rơi rơi dìu dịu rơi rơi
Trăm muôn giọt nhẹ nối lời vu vơ
Tai nghiêng hướng lạc phương mờ
Trở nghiêng gối mộng hững hờ nằm nghe
Gió về, lòng rộng không che
Hơi may hiu hắt bốn bề tâm tư.
Càng nhớ nhà hơn nữa khi, cả mấy ngày ấy, hầu như lúc nào tôi cũng được ăn cơm Việt Nam. Có cá chiên. Có thịt kho. Có canh rau đay. Nhưng tôi thích nhất là trái cây. Xoài. Chuối tiêu. Chôm chôm. Măng cụt. Mít. Và bòn bon, thứ trái cây đặc sản ở Quảng Nam, quê tôi. Nhớ, cách đây mấy năm, đi Bangkok, lúc đang đi dạo trên đường, tôi thấy trên dãy trái cây bày bán dọc đường, một rổ bòn bon, tôi bỗng thấy nôn nao lạ lùng. Bao nhiêu kỷ niệm từ lúc còn nhỏ, ở Quảng Nam, nườm nượp ùa về. Tôi mua nguyên cả rổ, đến mấy ký, đem về khách sạn, ăn từ từ trong mấy ngày. Không thấy ngon như mình tưởng. Nhưng vẫn thích. Vì kỷ niệm. Bòn bon ở Philippines, trái nhỏ hơn, nhưng dường như có vị thanh hơn.
Ăn thức ăn và trái cây Việt Nam và nghe tiếng mưa rả rích, nhiều lúc tôi ngỡ mình đang sống ở Việt Nam, nơi tôi không thể trở về.
* Blog của Tiến sĩ Nguyễn Hưng Quốc là blog cá nhân. Các bài viết trên blog được đăng tải với sự đồng ý của Ðài VOA nhưng không phản ánh quan điểm hay lập trường của Chính phủ Hoa Kỳ.