‘Đi thăm’ cử tri

Ông Trần Đại Quang, thời còn sống, "đi thăm" cử tri ở thành phố Hồ Chí Minh, tháng Sáu, 2018.

Ngày 8-5-2019, hàng chục tờ báo, từ Tuổi Trẻ, Zing, VNExpress, Tiền Phong, đến Đại Đoàn Kết, đều đăng bản tin với nội dung giống nhau gần như tuyệt đối, về việc “cử tri TP.HCM vui mừng trước tin sức khỏe Tổng bí thư-Chủ tịch nước ổn định”! Tuy nhiên, nếu tìm hiểu “cử tri” là “cử tri” nào, sẽ thấy nhiều chuyện lạ…

Tiếp xúc cử tri được xem là một “sinh hoạt chính trị sôi nổi” làm nên diện mạo “thể chế dân chủ” của Việt Nam. Các cuộc tiếp xúc cử tri của đại diện chính quyền hoặc đại biểu Quốc hội luôn được báo chí đưa tin “sâu sát”. Đó là dịp để “bà con cử tri” “trải lòng”, “gửi gắm tâm tư” và “kiến nghị bức xúc”. Hồi Đinh La Thăng còn làm bí thư TP.HCM, tờ Người Lao Động (7-5-2016) từng tường thuật (buổi tiếp xúc cử tri tại Củ Chi): “Cử tri Bùi Ngọc Anh, ngụ xã Trung An, đăng ký phát biểu nhưng chờ mãi không tới lượt; khi hết cuộc mới lên đưa tận tay mảnh giấy ghi vội những ý kiến của mình. Chị vừa khóc vừa góp ý tâm huyết với Bí thư Thăng những vấn đề giáo dục, chăm sóc trẻ em. “Bác Thăng hỏi tôi tại sao khóc. Tôi trả lời học sinh học yếu mình buồn nên khóc; con cháu tôi không nhiều nhưng tôi nghĩ cho toàn xã hội đất nước của mình, thiếu kiến thức cơ bản, lịch sử, cứ cải cách mãi rồi học sinh càng thêm lơ mơ”…

Ban Dân nguyện Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho biết, khoản 2, điều 27, Luật Tổ chức Quốc hội, quy định: “Đại biểu Quốc hội tiếp xúc cử tri ở nơi ứng cử theo chương trình tiếp xúc cử tri của đoàn đại biểu Quốc hội; tiếp xúc ở nơi cư trú, nơi làm việc; tiếp xúc cử tri theo chuyên đề, lĩnh vực, đối tượng, địa bàn mà đại biểu quan tâm”. Ngoài ra, Nghị quyết liên tịch của Ủy ban Thường vụ Quốc hội và Đoàn Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam quy định: “Trong trường hợp cần thiết để nâng cao chất lượng, hiệu quả đóng góp của mình vào xây dựng luật, hoạt động giám sát và quyết định những vấn đề quan trọng của đất nước, đại biểu Quốc hội có thể tiếp xúc cử tri ngoài địa bàn tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, nơi mình ứng cử”…

Sinh hoạt chính trị trong “bầu không khí dân chủ cởi mở” này lại có vài chi tiết không bình thường. Trừ lò lửa Thủ Thiêm, đang trở thành nơi “nhóm lò” cho “thanh củi” Lê Thanh Hải, có vẻ như một số địa bàn và một số cử tri đã được chọn lựa cẩn thận để đạt “hiệu quả truyền thông” lẫn sự an toàn cho cá nhân đại biểu. Bản tin và hình ảnh tường thuật các buổi tiếp xúc cử tri đã vô hình trung lộ ra danh sách vài “cử tri” quen thuộc. Đó là các “cán bộ lão thành cách mạng”, cựu binh hoặc “đảng viên nòng cốt”, mà “tiếng nói đại diện đông đảo quần chúng” của họ, luôn “ăn nhịp” với chủ trương và đường lối chính sách của Đảng.

Tại địa bàn Hà Nội, gương mặt cử tri quen thuộc đặc biệt là ông Trần Viết Hoàn (phường Vĩnh Phúc, quận Ba Đình). Ngày 4-5-2019, ông Trần Viết Hoàn “mong lắm Tổng bí thư, Chủ tịch nước mau bình phục tốt để “hai tay gìn giữ một sơn hà”. Ngày 13-5-2018, trong buổi tiếp xúc cử tri tại đơn vị bầu cử số 1 (Ba Đình, Hoàn Kiếm) của Nguyễn Phú Trọng, ông Trần Viết Hoàn cũng “nhấn mạnh”: “Nhân dân nức lòng khi được nghe lời Tổng Bí thư nói “ai nhụt chí thì đứng sang một bên để cho người khác làm”… Cử tri lão thành Trần Viết Hoàn là ai mà luôn xuất hiện “đúng nơi và đúng thời điểm”? Tờ Công An Nhân Dân (9-9-2014) cho biết, cụ là tiến sĩ (không ghi rõ tiến sĩ gì), từng “tham gia bảo vệ Bác trong 5 năm cuối đời với vai trò anh lính cận vệ” và sau đó làm việc ở Khu Di tích Phủ Chủ tịch suốt 38 năm. Cụ Hoàn được Nhà nước tặng thưởng Huân chương Lao Động hạng ba (1999) và Huân chương Lao Động hạng nhất (2014). Theo bài báo này, vợ cụ là kế toán công tác tại Bảo tàng Hồ Chí Minh; con trai cả là trưởng phòng bảo vệ Khu Di tích Phủ Chủ tịch; con gái là phó Phòng thuyết minh Khu Di tích… Cụ cũng là tác giả quyển “Bác Hồ, người soi sáng cho muôn đời”, NXB Hồng Đức, 2015. Hóa ra cụ là “người quen”, nhỉ!

Tại địa bàn TP.HCM, cũng có một số cử tri “quen mặt”. Chiều 7-5-2019, trong buổi tiếp xúc cử tri của Bí thư TP.HCM Nguyễn Thiện Nhân, “đông đảo cử tri cũng bày tỏ quan tâm đến sức khỏe của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng”. Cử tri Lê Thanh Tùng (quận 3) cho biết, “do thiếu thông tin chính thống về tình hình sức khỏe của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước mà thời gian gần đây hoạt động chống phá, xuyên tạc diễn biến phức tạp, còn người dân thì lo lắng, thiếu kênh chính thống để theo dõi”. Cùng ý kiến với cử tri Lê Thanh Tùng, cử tri Nguyễn Hữu Châu (quận 1) cũng “bày tỏ mong muốn Tổng Bí thư, Chủ tịch nước sớm ổn định sức khỏe trở lại làm việc, để cùng với Đảng, Nhà nước tiếp tục xốc vác nhiệm vụ phòng chống tham nhũng mà cán bộ, đảng viên, nhân dân mong mỏi, ủng hộ suốt thời gian qua” (Đại Đoàn Kết, 7-5-2019).

Trước đó hai năm, ngày 26-4-2019, trong buổi tiếp xúc Chủ tịch nước Trần Đại Quang, “đông đảo cử tri đã bày tỏ bức xức trước tình hình Đồng Tâm”. Tại đây, người ta lại thấy cử tri Lê Thanh Tùng (quận 3) nêu ý kiến: “Bản thân cảm thấy rất buồn khi xảy ra việc người dân bức xúc tột đỉnh dẫn đến bắt giữ 38 cán bộ, chiến sĩ công an”… Cùng với ông Tùng, trong buổi gặp mặt này, lại là “đồng chí” Nguyễn Hữu Châu (quận 1). Cử tri Châu cho rằng, “vụ việc bức xúc dẫn đến phản kháng quyết liệt kiểu “tức nước vỡ bờ” của hàng ngàn người dân ở xã Đồng Tâm đã cho thấy rõ ràng lợi ích của một dự án đang xung đột nghiêm trọng với đời sống người nông dân địa phương” (Pháp Luật TP.HCM, 26-4-2017). Một năm trước nữa, khi báo Người Lao Động mở “diễn đàn dân chủ” với chủ đề “Cử tri đặt hàng với đại biểu”, độc giả cũng thấy ý kiến đóng góp của “cử tri Lê Thanh Tùng, ngụ tại phường 7, quận 3” (Người Lao Động 16-5-2016). Cần nói thêm, như trường hợp ông Trần Viết Hoàn ở Hà Nội, ông Nguyễn Hữu Châu (quận 1) cũng thuộc gia đình có “truyền thống cách mạng lâu đời”. Ông là con của Nguyễn Hữu Thọ (cố Phó Chủ tịch, quyền Chủ tịch nước, Phó Chủ tịch Hội đồng Nhà nước, Chủ tịch Quốc hội...)!

Rời Sài Gòn, thử đến địa bàn Đà Nẵng. Tờ Công An Đà Nẵng (cadn.com.vn, 28-7-2018) cho biết, chiều ngày 27-7 tại phường Phước Mỹ, tổ đại biểu Hội đồng Nhân dân thành phố Đà Nẵng số 9 đã có buổi tiếp xúc cử tri. Tại đây, cử tri Lê Thọ Truyền (phường An Hải Đông) đã “hoan nghênh kỳ họp bầu ra Chủ tịch HĐND TP để tăng cường trách nhiệm của cơ quan quyền lực cao nhất của thành phố; đánh giá kỳ họp có nhiều đổi mới, dân chủ, thảo luận sôi nổi, có tác động tích cực, tạo niềm tin cho cử tri”. Hơn một năm trước, trong buổi tiếp xúc cử tri của Bí thư Thành ủy Đà Nẵng Trương Quang Nghĩa, cử tri Lê Thọ Truyền (phường An Hải Đông) cho hay, “để đấu tranh chống tham nhũng, cần quản lý tài sản, đặc biệt là tài sản bất minh của cán bộ lãnh đạo” (VietnamNet 12-12-2017). Rồi sáng 4-10-2017, trong buổi tiếp xúc cử tri của đoàn đại biểu Quốc hội thành phố Đà Nẵng, cử tri Lê Thọ Truyền (phường An Hải Đông, quận Sơn Trà) cũng cho rằng “chỉ đạo của Trung ương trong đấu tranh chống tham nhũng, tiêu cực bắt đầu có sự bài bản, có trọng điểm”. Chưa hết, sáng ngày 4-5-2017, tại Hội trường Trung tâm hành chính quận Sơn Trà, khi Đoàn đại biểu Quốc hội thành phố Đà Nẵng tiếp xúc cử tri, cử tri Lê Thọ Truyền, phường An Hải Đông, cũng lại “cho rằng”, rằng “việc tăng giá viện phí áp dụng từ ngày 1-6-2017 là chưa phù hợp” (mattran.danang.gov.vn, 2-6-2017)…

Có vẻ như “nguồn” cử tri là rất giới hạn? Trong bài “Cử tri cả nước hân hoan đi bầu cử”, tạp chí Tuyên Giáo (22-5-2016) cho biết, trong “ngày hội non sông” này, tại Cao Bằng, “có 1.246 khu vực bỏ phiếu với 361.626 cử tri tham gia bầu cử”; tại Yên Bái, có “277.647 cử tri nam và 278.588 cử tri nữ”; tại Hà Nội, chỉ riêng xã Kim Chung (huyện Đông Anh), có 9.030 cử tri; tại Đà Nẵng, “hơn 682 nghìn cử tri thành phố Đà Nẵng đã nô nức đi bầu”; tại TP.HCM, sáng 22-5, “hơn 5,2 triệu cử tri đã nô nức, hướng về hơn 3.200 khu vực bỏ phiếu trên địa bàn thành phố thực hiện quyền và nghĩa vụ của mình, lựa chọn người đại diện ưu tú nhất”...

Nguồn cử tri chẳng thiếu, nếu không nói là “thừa”! Tuy nhiên, những “đại diện ưu tú nhất” dường như đã áp dụng “quy trình” nào đó để chọn ra một số “cử tri ưu tú nhất” để nói thay cho hàng triệu cử tri khác, trong các vở tuồng “sinh hoạt chính trị dân chủ tập thể”, bất chấp diễn viên đều già nua và quen thuộc nhẵn mặt, với kịch bản lặp đi lặp lại đến mức thuộc lòng. Với hình thức này, chính quyền vẫn chỉ đang đối thoại với chính họ hơn là dám nhìn thẳng vào mắt những người thẳng thắn chỉ ra cho biết họ đang sai như thế nào và cần phải làm gì để dân tin mà không cần phải diễn.