Dịch Covid: Người Việt lo lắng khi ‘mùa đoàn tụ’ bắt đầu

Ảnh tư liệu - Những cây cảnh phục vụ Tết tại một điểm bán hoa và cây cảnh ở Hà Nội…

Chỉ còn chưa tới một tháng nữa là đến Tết. Đây là thời điểm mà những người lao động phương xa trở về quê, về nhà đoàn tụ cùng gia đình đón Tết. Việc đoàn tụ trong dịp đầu năm mới vốn dĩ mang tới nhiều niềm vui và hạnh phúc cho mọi gia đình. Tuy nhiên, năm nay thì lại khác, khi dịch bệnh Covid vẫn đang hoành hành. Và việc những người lao động, đặc biệt là các lao động ở những vùng biên thuộc Trung Quốc, Lào, hay Campuchia, theo đường mòn vượt biên trở về để trốn cách ly đang trở thành mối lo thường trực với xã hội và cộng đồng.

Gần năm nay kể từ khi đại dịch bùng phát, anh Đoàn Trần Phương, một cư dân tại quận Long Biên, Hà Nội, thường xuyên theo dõi chặt chẽ những thông tin liên quan đến Covid. Nhà có ba con nhỏ nên anh phải rất cẩn thận trong mọi sinh hoạt và giao tiếp, để tránh vô tình nhiễm bệnh. Suốt từ cuối năm ngoái đến nay, anh cũng chưa một lần về thăm quê vợ ở Lào Cai vì không muốn có điều không may xảy ra liên quan đến dịch bệnh trong quá trình di chuyển. Anh nói đây là thời điểm đáng lo ngại nhất, đặc biệt là ở Lào Cai, khi nhiều lao động tự do từ Trung Quốc trở về với gia đình trong dịp Tết.

"việc kiểm soát hoàn toàn hàng nghìn cây số đường biên giới phía Bắc với Trung Quốc là điều gần như không thể..."


Theo anh Phương thì việc kiểm soát hoàn toàn hàng nghìn cây số đường biên giới phía Bắc với Trung Quốc là điều gần như không thể cho dù thời gian gần đây, lực lượng bộ đội biên phòng đã được tăng cường và camera an ninh cũng đã được lắp đặt tại rất nhiều tuyến đường mòn để kiểm soát những người nhập cảnh trái phép, trốn cách ly.

“Người ta vốn là những lao động địa phương, thông thạo địa hình. Hơn thế, nếu không thông thạo lắm, thì người ta cũng thuê người dân tộc dắt đi qua hàng nghìn đường mòn khác nhau dọc theo các tuyến biên giới. Bộ đội biên phòng dù có đông đến mấy cũng làm sao kiểm soát hết được,” anh Phương chia sẻ lo lắng với VOA.

Người ta sợ cách ly vì thăm nhà cao lắm được một tháng rồi lại phải quay về lao động, mà riêng thời gian cách ly tập trung đã chiếm ít nhất hai tuần, tức chẳng còn được mấy ngày đoàn tụ cùng gia đình.

Trong những tuần vừa qua, lực lượng biên phòng đã bắt được nhiều vụ vượt biên, trốn cách ly tại cả khu vực biên giới phía Bắc với Trung Quốc và biên giới Tây Nam với Campuchia. Trong số này có trường hợp lao động từ Campuchia trở về dương tính với Covid, dẫn tới việc kiểm soát và truy dấu những người đã từng tiếp xúc với cá nhân này gặp khá nhiều khó khăn.

Chia sẻ sự lo lắng với anh Phương, bà Hoàng Thị Lan, một người cao niên sinh sống tại khu phố cổ quận Hoàn Kiếm, Hà Nội, cho biết cảm thấy bất an vì nếu những lao động này trốn cách ly thành công thì tất nhiên họ sẽ di chuyển bằng phương tiện công cộng để về nhà. Nếu có trường hợp dương tính thì sẽ rất nguy hiểm. Theo bà, đây là một hành động vô trách nhiệm với chính người thân, gia đình và cả cộng đồng.

“Mấy cái người đấy về nếu có ai nhiễm bệnh thì trước tiên là khổ cho gia đình, người thân của họ đầu tiên đã, sau đó là khổ lây cho cả cộng đồng..."

"Mấy cái người đấy về nếu có ai nhiễm bệnh thì trước tiên là khổ cho gia đình, người thân của họ đầu tiên đã, sau đó là khổ lây cho cả cộng đồng. Sao người ta không nghĩ đến điều đó mà chỉ nghĩ đến chuyện làm sao trốn được cách ly, làm sao tiện lợi cho mình nhất,” bà Lan bày tỏ bức xúc.

Cũng có người cho rằng không cần quá lo lắng vì thời gian qua lực lượng biên phòng, tuần tra biên giới đã được tăng cường tối đa. Bên cạnh đó là hệ thống công an phường, xã, tổ trưởng tổ dân phố, chủ tịch hội phụ nữ…được trải rộng ở khắp các địa phương. Đây là lực lượng sẽ nắm bắt kịp thời nếu gia đình nào có người thân làm ăn từ xa trở về trong dịp Tết này. Hơn thế, người ta tin rằng với tâm lý lo sợ dịch bệnh, chính người dân tại các thôn, xóm cũng sẽ thông báo ngay cho cơ quan chức năng nếu phát hiện có trường hợp trốn cách ly về nhà. Đây được coi là tuyến ‘phòng thủ’ cuối cùng và cũng rất vững chắc của Việt Nam đối với đại dịch Covid trong suốt năm qua.

lực lượng công an phường và các cán bộ phụ trách địa phương đã thực thi biện pháp ‘đi từng ngõ – gõ cửa từng nhà’ để kiểm tra tình hình các nhân khẩu...

Ông Nguyễn Văn Thanh, một cư dân sinh sống tại quận Ba Đình, Hà Nội, cho biết kể từ khi dịch bệnh bùng phát, lực lượng công an phường và các cán bộ phụ trách địa phương đã thực thi biện pháp ‘đi từng ngõ – gõ cửa từng nhà’ để kiểm tra tình hình các nhân khẩu.

“Thật ra thì nếu nhà mình có bất kỳ ai lạ, hay con cái làm ăn ở xa về là công an hộ tịch, tổ trưởng tổ dân phố người ta biết ngay lập tức. Người ta sẽ đến hỏi thăm và kiểm tra xem từ đâu về, có phải cách ly hay không và những vấn đề liên quan, nên nếu có trường hợp trốn cách ly là họ biết và cho đi cách ly ngay, chứ không để trong cộng đồng đâu,” ông Thanh nói.

Vì thế, theo ông Thanh, điều lo lắng giờ đây chỉ còn nằm ở quá trình di chuyển của những người vượt biên, trốn cách ly mà thôi.