Dịch như một số phận và một cơ hội của người lưu vong

Trong bài “Dịch thuật: đi tìm sự tương đương”, tôi đề cập đến việc các văn bản. Nhưng dịch không nhất thiết phải gắn liền với văn bản. Trong bài “On linguistic aspects of translation”, Roman Jakobson phân biệt ba loại dịch: Dịch nội ngữ (intralingual translation) tức chuyển từ cách diễn đạt này sang cách diễn đạt khác trong cùng một ngôn ngữ; dịch liên ngữ (interlingual translation) tức chuyển từ ngôn ngữ này sang ngôn ngữ khác; và dịch liên-ký hiệu (intersemiotic translation) tức chuyển từ một văn bản viết sang một hệ thống ký hiệu phi từ vựng (nonverbal sign system) khác, ví dụ, chuyển thể một tác phẩm văn học thành phim hay kịch (1).

Tập trung vào cách dịch thứ nhất, mở đầu bài tiểu luận “Translation: Literature and Letters”, nhà thơ Octavio Paz viết: “Khi chúng ta học nói, chúng ta đang học dịch: Khi đứa bé hỏi mẹ nó ý nghĩa của một từ, nó đang yêu cầu mẹ nó dịch một từ lạ sang một từ đơn giản hơn mà nó đã biết.” (2) Học nói, ngay cả nói tiếng mẹ đẻ, là dịch. Đọc, bất kể là đọc thứ tiếng gì, lại càng là dịch. Từ đó, đi xa hơn, giới nghiên cứu cho văn hoá, tự bản chất, là dịch thuật (culture is translation). Cũng có thể nói sống là dịch (living is translating).

Như vậy, sự khác biệt ở phạm vi cá nhân chỉ là ở mức độ. So với người Việt ở trong nước, người Việt ở nước ngoài sống với động tác dịch thường xuyên hơn: Họ sống-như-một-cách-dịch. So với các dịch giả ở trong nước, những người dịch-để-sống, các dịch giả ở hải ngoại dịch-như-một-cách-sống. So với đồng hương của mình ở hải ngoại, các dịch giả đóng cả hai vai sống-như-một-cách-dịch và dịch-như-một-cách-sống cùng lúc. Trong mối quan hệ biện chứng giữa dịch-như-một-cách-sống và sống-như-một-cách-dịch như vậy, dịch chỉ là một cách văn bản hoá (textualization) cuộc sống của chính mình. Từ đó, có thể nói, qua việc dịch, người cầm bút lưu vong tiết lộ tâm thế và cả bản thể của mình rõ không kém gì qua sáng tác. Theo tôi, để nhận diện một nền văn học, đối tượng cần quan sát trước tiên là sáng tác; nhưng để nhận diện tâm thức một cộng đồng lưu vong, cả sáng tác và dịch thuật đều có vai trò ngang nhau.

Dịch không những là một cách văn bản hoá cuộc sống, dịch còn là một cách tự giác hoá kinh nghiệm vượt qua biên giới ngôn ngữ và văn hoá của mình. Mục tiêu cuối cùng của công việc dịch thuật là tìm kiếm sự tương đương, dù, như đã phân tích trong bài “Dịch thuật: đi tìm sự tương đương”, đó chỉ là những sự tương đương đầy khập khiễng. Nhưng cái mà người ta nhận thấy, một cách thấm thía nhất, trong quá trình đi tìm sự tương đương ấy, lại là những sự khác biệt. Dịch, do đó, là một cách kinh nghiệm về cái khác.

Lưu vong, tự nó, đã là một kinh nghiệm về cái khác bằng cách chính mình biến thành một cái khác. Đã lưu vong mà còn dịch nữa, kinh nghiệm về cái khác ấy càng trở thành sâu sắc hơn. Sâu sắc đến độ tiếng mẹ đẻ của mình, cái ngôn ngữ ngỡ là gần gũi nhất của mình, gần gũi như là chính bản thân mình, cũng có khả năng trở thành một cái khác. Dịch, do đó, trở thành một cách phân thân để nhìn ngôn ngữ từ bên ngoài. Về phương diện nhận thức, cái nhìn từ bên ngoài ấy khiến người ta, giới hạn trong phạm vi ngôn ngữ, dễ khám phá ra cả những ưu điểm lẫn những khuyết điểm của tiếng mẹ đẻ; mở rộng sang phạm vi mỹ học, có khả năng phát hiện ra những cái đẹp khác với truyền thống; cuối cùng, trong phạm vi sáng tác, dễ có khuynh hướng thử nghiệm những cách viết, hoặc ít nhất, cách diễn tả mới.

Từ lâu, trên thế giới, người ta đã nhận ra những tác động tích cực của dịch thuật đối với ngôn ngữ đích (target language). Nhiều người cho bản dịch Kinh Thánh của Martin Luther đã làm thay đổi tiếng Đức; các bản dịch tác phẩm của Martin Heidegger đã làm thay đổi phong cách triết học của Pháp; bản dịch các tác phẩm văn học Mỹ trước Đệ nhị thế chiến đã làm thay đổi phong cách tự sự, từ đó, dẫn đến sự ra đời của chủ nghĩa hiện thực trong văn học Ý (3). Ở Việt Nam, điều đó lại càng rõ: Hai dấu mốc quan trọng nhất trong lịch sử văn học Việt Nam đều gắn liền với hai lần tiếp xúc với văn học ngoại quốc: Một lần, với văn học bằng chữ Hán diễn ra trong suốt thời Trung đại; và lần khác, với văn học Pháp diễn ra vào cuối thế kỷ 19 và đầu thế kỷ 20. Trong bài tiểu luận “Một thời đại trong thi ca”, mở đầu cuốn Thi nhân Việt Nam, Hoài Thanh cho các bản dịch thơ Pháp vốn “không niêm, không luật, không hạn chữ, hạn câu” của Nguyễn Văn Vĩnh (4) là một trong những tiền đề quan trọng nhất dẫn đến việc hình thành phong trào Thơ Mới.

Đó là tác động của dịch thuật đối với cả ngôn ngữ đích. Còn tác động của nó đối với từng người cầm bút, nhất là những người cầm bút vừa sáng tác vừa dịch thuật? Theo tôi, đó là một đề tài thú vị, nhưng tiếc, chưa được nghiên cứu nhiều, kể cả ở Tây phương. Ở đây, không có điều kiện để đi sâu vào vấn đề ấy, tôi chỉ tập trung vào một điểm: Tâm trạng lưu vong. Dịch là một chọn lựa cách thế sống: đong đưa trên biên giới.

Chú thích:

  1. Có thể đọc bài này trên: http://culturalstudiesnow.blogspot.com.au/2011/10/roman-jakobson-on-linguistic-aspects-of.html
  2. In trong Rainer Schulte & John Biguenet (biên tập) (1992), Theories of Translation, An Anthology of Essays from Dryden to Derrida, Chicago: The University of Chicago Press, tr. 152.
  3. Umberto Eco (2001), Experiences in Translation (Alastair McEwen dịch), Toronto: University of Toronto Press, tr. 21.
  4. Tiêu biểu nhất là bài “Con ve và con kiến” của La Fontaine : “Con ve sầu kêu ve ve / Suốt mùa hè / Đến kỳ gió bấc thổi / Nguồn cơn thật bối rối...”

* Blog của Tiến sĩ Nguyễn Hưng Quốc là blog cá nhân. Các bài viết trên blog được đăng tải với sự đồng ý của Ðài VOA nhưng không phản ánh quan điểm hay lập trường của Chính phủ Hoa Kỳ.