Điện Kremlin hôm 20/2 cho biết rằng bất kỳ kế hoạch nào nhằm phái quân đội châu Âu đến Ukraine như một phần của nhiệm vụ gìn giữ hòa bình tiềm năng sẽ không được Nga chấp nhận và rằng họ đang theo dõi các đề xuất như vậy với nỗi lo ngại.
Thủ tướng Anh Keir Starmer cho biết ông "sẵn sàng và mong muốn" đưa quân đội Anh đến Ukraine, với sự hậu thuẫn của Hoa Kỳ, như một sự đảm bảo an ninh trong trường hợp có một thỏa thuận ngừng bắn nào đó giữa Moscow và Kyiv.
Tờ Telegraph đưa tin tằng Thủ tướng Starmer đang có dự định trình bày một kế hoạch với Tổng thống Hoa Kỳ Donald Trump để đưa gần 30.000 quân nhân châu Âu đến Ukraine để giám sát thỏa thuận ngừng bắn tiềm năng giữa Moscow và Kyiv.
Một người phát ngôn của văn phòng Thủ tướng của ông Starmer đã nhắc tới tuyên bố chung chung hơn trước đó của nhà lãnh đạo này với Reuters khi được yêu cầu bình luận về thông tin này.
Người phát ngôn Điện Kremlin Dmitry Peskov cho biết đề xuất được tiết lộ là không thể chấp nhận được vì nó sẽ liên quan đến lực lượng từ một quốc gia thành viên NATO và do đó có tác động đến an ninh của chính Nga.
"Điều này khiến chúng tôi lo ngại, vì chúng tôi đang nói về việc điều các lực lượng quân sự – về khả năng cuối cùng là điều các lực lượng quân sự từ các quốc gia NATO đến Ukraine", ông Peskov nói với các phóng viên trong một cuộc họp báo hàng ngày.
"Điều này mang một ý nghĩa hoàn toàn khác theo quan điểm về an ninh của chúng tôi", ông nói. "Chúng tôi đang theo dõi rất chặt chẽ vấn đề này".
Nga đã nhiều lần tuyên bố phản đối việc đưa quân đội NATO vào Ukraine, với Bộ trưởng Ngoại giao Sergei Lavrov tuần này nói rằng Moscow sẽ coi đó là "mối đe dọa trực tiếp" đối với chủ quyền của Nga, ngay cả khi các lực lượng quân đội hoạt động ở đó dưới một lá cờ khác.
Trong bối cảnh tham gia các cuộc đàm phán với Hoa Kỳ tại Riyadh hôm 18/2, Nga đã yêu cầu NATO hủy bỏ lời hứa năm 2008 về việc một ngày nào đó sẽ trao cho Ukraine tư cách thành viên của liên minh do Hoa Kỳ lãnh đạo và bác bỏ ý tưởng rằng các lực lượng thành viên NATO có thể là người gìn giữ hòa bình theo một thỏa thuận ngừng bắn.