Điệp khúc ‘Đề nghị chính phủ... tháo gỡ’

Điều trị bệnh nhân Covid-19 ở Tp. HCM. Hình minh họa. Photo VTV1 via Reuters

Ông Nguyễn Văn Quảng, Bí thư Thành ủy Đà Nẵng, vừa lên tiếng phản bác Công điện số 6763/CĐ-VPCP do Văn phòng Chính phủ phát hành, nhằm truyền đạt chỉ đạo của Thủ tướng Phạm Minh Chính cho Bộ trưởng Công an, Bộ trưởng Y tế Bí thư, Chủ tịch các tỉnh Hà Nam, Kiên Giang, thành phố Đà Nẵng về công tác phòng chống dịch.

Đại khái nội dung Công điện vừa kể là vài ngày vừa qua, sau khi nới lỏng các biện pháp giãn cách xã hội, tại một số địa phương đã có hiện tượng chủ quan, lơ là, mất cảnh giác trong phòng chống dịch, một số nơi xuất hiện các ổ dịch mới. Để chấn chỉnh kịp thời, tiếp tục thực hiện nghiêm các quy định, biện pháp phòng - chống dịch COVID-19, giữ vững thành quả chống dịch, Thủ tướng Việt Nam yêu cầu lãnh đạo các tỉnh, thành phố Đà Nẵng, Hà Nam, Kiên Giang thực hiện nghiêm các biện pháp phòng chống dịch.

Ngay sau khi công điện được Văn phòng Chính phủ phát hành, ông Quảng tuyên bố với báo giới và dân chúng Đà Nẵng rằng, thành phố này đã kiểm soát được dịch bệnh, bảo đảm an toàn tính mạng cho người dân. Đồng thời đang tính toán các giải pháp và phương án để mở cửa lại các hoạt động kinh tế, xã hội từ 1/10/2021.

Cũng vì vậy, ông Quảng nhấn mạnh: Nội dung Công điện số 6763/CĐ-VPCP không chính xác. Thủ tướng đã gọi điện thoại cho tôi, trao đổi là không kiểm điểm Đà Nẵng trong công tác phòng chống dịch. Hiện nay thành phố Đà Nẵng có đủ năng lực kiểm soát phòng chống dịch và các biện pháp chống dịch đi đúng hướng (1)!

Chắc chắn ông Quảng không dám nói điêu. Bí thư một thành phố, Ủy viên BCH TƯ đảng không dám đùa với Thủ tướng, Ủy viên Bộ Chính trị. Phản ứng của ông Quảng cho thấy, hoặc Thủ tướng lẩm cẩm, nói trước, quên sau, bất nhất, hoặc Văn phòng Chính phủ hoạt động ẩu, không chính xác và bất kể sai sót đó thuộc khả năng nào thì sai sót này không những không thể chấp nhận được mà còn hết sức đáng ngại về quản trị, điều hành, đặc biệt là lúc quốc gia đang trong tình trạng “nước sôi, lửa bỏng”!

***

Chuyện Bí thư thành ủy Đà Nẵng phản bác Công điện số 6763/CĐ-VPCP xảy ra cùng lúc với một chuyện khác, trong buổi họp giữa Đoàn Đại biểu TP.HCM tại Quốc hội với các Sở Lao động Thương binh Xã hội, Tài chính và Y tế của thành phố này để giám sát về các chính sách hỗ trợ đối tượng khó khăn do tác động của dịch bệnh COVID-19 hôm 23/9/2021, bà Tô Thị Bích Châu - Chủ tịch Mặt trận Tổ quốc TP.HCM (MTTQ TP.HCM) tiết lộ một số thông tin mà ai nghe cũng muốn... điên!

Chẳng hạn cách nay chưa lâu, MTTQ TP.HCM được các tổ chức, cá nhân ở bên ngoài Việt Nam tặng thiết bị y tế. Tuy đây là những thiết bị đã dùng nhưng bà Châu nhấn mạnh... cảm nhận cá nhân thấy còn tốt vì mới sản xuất, mới dùng trong đợt dịch vừa qua ở Mỹ. Do Việt Nam cấm nhập thiết bị y tế đã dùng qua, kể cả trợ giúp có tính từ thiện, rồi Việt Nam nói chung và TP.HCM nói riêng không thể nào biết được đại dịch ghê gớm như vậy, nên MTTQ TP.HCM không thể nhận những thiết bị y tế được gửi tặng này... Sau đó, chính phủ đã tháo gỡ vướng mắc bằng văn bản cho nhập nhưng lại không rõ quan điểm của ngành y tế thế nào. Cuối cùng, tuy MTTQ TP.HCM đã có văn bản tiếp nhận, phân phối, chỉ còn chờ Bộ Y tế giao cho Sở Y tế TP.HCM thẩm định đủ điều kiện sử dụng là phân bổ ngay cho các cơ sở y tế, song không có ai trả lời, không có ai hướng dẫn. Kết quả là những thiết bị y tế được gửi tặng nhằm hỗ trợ điều trị bệnh nhân nhiễm COVID-19 đã về tới Việt Nam nhưng phải... tái xuất!

Hoặc TP.HCM thiếu xe cứu thương trầm trọng, một tổ chức ở Nam Hàn quyết định tặng TP.HCM 20 chiếc xe cứu thương sản xuất từ năm 2015 nhưng quy định chỉ cho phép nhập xe sản xuất từ năm 2019, thành ra MTTQ TP.HCM đành phải từ chối tiếp nhận (2). Theo tường thuật của tờ Thanh Niên, tại cuộc họp vừa kể, bà Châu đề nghị Sở Y tế nên báo cáo cụ thể hơn để Đoàn đại biểu của TP.HCM tại Quốc hội... kiến nghị chính phủ tháo gỡ nhưng không thấy Thanh Niên tường thuật Sở Y tế có nói thêm gì hay không!

***

Đến giờ ai cũng có thể nhìn ra, tại sao trong đợt dịch COVID-19 thứ tư ở Việt Nam, TP.HCM lại là địa phương bị thiệt hại nghiêm trọng nhất về mọi mặt. Ngoài sai lầm về chủ trương, biện pháp (chỉ truy vết, cách ly, cô lập, không chú ý đến việc đặt mua vaccine, gom cả người nhiễm COVID-19 là F0, lẫn người có tiếp xúc với F0 là F1 vào các khu tập trung, không ưu tiên chích ngừa cho những đối tượng dễ tổn thương như người trên 65 tuổi,...), còn có yếu tố lĩnh vực y tế thiếu đủ thứ từ hạ tầng, thiết bị, trang bị, dược phẩm tới nhân lực. Nếu đừng xảy ra tình trạng lĩnh vực y tế thiếu thốn trầm trọng như vậy, chắc chắn số người thiệt mạng không khủng khiếp như vậy.

Đề nghị chính phủ... tháo gỡ đã trở thành câu cửa miệng của tất cả các giới ở Việt Nam trong nhiều thập niên. Ai buộc? Chính phủ! Ai tháo gỡ? Cũng chính phủ! Có thể tin vào cả tâm lẫn tầm của chính phủ trong chuyện... tháo gỡ khi có vô số những ví dụ như Công điện số 6763/CĐ-VPCP và những câu chuyện mà bà Tô Thị Bích Châu vừa kể? Điệp khúc: Đề nghị chính phủ... tháo gỡ và chuyện dân chúng bị buộc phải... biết ơn khi chính phủ tháo chỗ này, gỡ thứ kia chính là câu trả lời về bản chất thể chế!

Chú thích

(1) https://tuoitre.vn/bi-thu-thanh-uy-da-nang-cong-dien-khong-chinh-xac-thu-tuong-khong-kiem-diem-da-nang-20210924123411055.htm

(2) https://thanhnien.vn/thoi-su/dbqh-tphcm-de-xuat-xay-dung-tuong-dai-vinh-danh-nganh-y-te-1453727.html