Phản ứng trước bản án 26 năm tù của blogger Điếu Cày, Tạ Phong Tần, AnhbaSG

Blogger Tạ Phong Tần, Điếu Cày và AnhbaSG Phan Thanh Hải


Ba blogger được nhiều người biết đến tại Việt Nam bị tuyên án tổng cộng 26 năm tù về tội ‘tuyên truyền chống nhà nước’. Ba thành viên chủ chốt trong Câu lạc bộ Nhà báo Tự do này bị bắt sau khi đăng tải các bài viết phê phán nhà nước bao gồm chính sách bảo vệ chủ quyền biển đảo của chính phủ Hà Nội trước sự xâm lấn ngang ngược của Trung Quốc ở Biển Đông.

Sau phiên tòa chớp nhoáng sáng ngày 24/9, blogger Điếu Cày bị tuyên án 12 năm tù, 5 năm quản chế. Blogger Tạ Phong Tần bị 10 năm tù, 5 năm quản chế. Blogger AnhbaSG bị kêu án 4 năm tù, 3 năm quản chế.

Dù nhà nước tuyên bố đây là phiên xét xử công khai, nhưng chính gia đình của các bị can cũng không được phép tham dự. Thân nhân bị can và những người ủng hộ tìm cách dự phiên tòa hôm nay đã bị lực lượng công quyền dùng võ lực ngăn cản và đã xảy ra các vụ bắt bớ.

Blogger Bùi Minh Hằng, một trong số những người tìm cách đến cổng tòa sáng 24/9 để theo dõi phiên xử, cho VOA Việt ngữ biết:

“Ngay từ đêm hôm qua, lực lượng an ninh của nhà cầm quyền đã có sự bố ráp rất kinh khủng đối với gia đình của những blogger và những người bạn có khả năng tham dự phiên tòa. Sáng sớm 24/9 khu vực Dòng Chúa Cứu thế ở 38 Kỳ Đồng bị lực lượng an ninh dày đặc bao quanh. Khi Hằng cùng mọi người bước ra, không thể tưởng tượng được, công an chìm nổi và lực lượng bảo vệ đứng dọc hai bên đường kéo dài từ Dòng Chúa Cứu Thế cho tới tòa án, trên đoạn đường khoảng 2-3 cây số. Tới cách cổng tòa chừng 2,3 trăm mét, họ chặn lại ngay khách sạn Victory. Họ dàn quân ra. Họ ra lệnh bắt tất cả ngay ngã tư đó. Cho tới giờ này, hai cô em gái của Tạ Phong Tần và theo như gia đình thông báo, cả cậu em trai của cô Tần nữa hiện vẫn bị bắt giữ, không biết ở đâu.”

Bằng hành động hôm nay, nhà nước Việt Nam đang chứng tỏ cho thế giới thấy họ coi thường các nhân quyền được quốc tế công nhận và thách thức cộng đồng thế giới...
Phil Robertson - Tổ chức Theo dõi Nhân quyền Human Rights Watch.
Vụ án của blogger Điếu Cày, Tạ Phong Tần, và AnhbaSG đã khiến giới bảo vệ nhân quyền quốc tế một lần nữa mạnh mẽ chỉ trích thành tích nhân quyền xuống dốc của Việt Nam. Chính blogger Điếu Cày đã từng được Tổng thống Mỹ Barack Obama nhắc tới nhân ngày Tự do Báo chí Thế giới năm nay như một trong những ngòi bút bênh vực dân chủ-nhân quyền bị đàn áp trên thế giới.

Ngay trong ngày diễn ra phiên xử ba blogger Điếu Cày, Tạ Phong Tần, và AnhbaSG, tòa đại sứ Mỹ tại Việt Nam đã ra tuyên bố kêu gọi Việt Nam phóng thích ba ngòi bút tự do này.

Thông cáo của đại sứ quán nhấn mạnh: “Chúng tôi quan ngại sâu sắc về tin Tòa án Nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh đã kết tội và kết án blogger Điếu Cày 12 năm tù giam cho việc ông bày tỏ quan điểm chính trị của mình một cách ôn hòa.

Cách chính phủ xử lý Điếu Cày dường như không nhất quán với các nghĩa vụ của Việt Nam theo Công ước Quốc tế về Các Quyền Dân sự và Chính trị, cũng như các điều khoản của Tuyên ngôn Nhân quyền Toàn cầu liên quan đến tự do ngôn luận và xét xử theo đúng trình tự pháp lý.”

Tòa đại sứ Mỹ tại Việt Nam dẫn lời của Tổng thống Obama nói về Ngày Tự do Báo chí Thế giới, kêu gọi chính phủ Việt Nam thực hiện các bước cần thiết để tạo ra xã hội mà ở đó các nhà báo độc lập có thể hoạt động tự do, không sợ hãi.

Phản ứng mạnh mẽ trước bản án nặng nề dành cho ba thành viên trong Câu lạc Bộ Nhà báo Tự do ở Việt Nam hôm nay, Phó giám đốc của Tổ chức Theo dõi Nhân quyền Human Rights Watch phụ trách khu vực Châu Á, ông Phil Robertson, khẳng định:

“Các bản án nặng nề dành cho những blogger này hết sức vô nhân đạo, cho thấy chính phủ Hà Nội không dung chấp các quan điểm đối lập và sự đàn áp của họ đối với các quyền căn bản của con người tới mức nào. Bằng hành động hôm nay, nhà nước Việt Nam đang chứng tỏ cho thế giới thấy họ coi thường các nhân quyền được quốc tế công nhận và thách thức cộng đồng thế giới. Cộng đồng quốc tế nên cho Hà Nội biết rằng các hành động kiểu này cũng đồng nghĩa là Việt Nam ít có cơ may có được chiếc ghế mà họ đang nhắm tới tại Hội đồng Nhân quyền Liên hiệp quốc vào năm 2014.”

Thân mẫu blogger Tần đã phải tự thiêu vì tuyệt vọng trước những bất công tại Việt Nam. Chúng ta không những cần huy động sự quan tâm để bảo vệ cho ba blogger bị tuyên án hôm nay mà cần phải bảo vệ cho người thân của họ nữa, vì gia đình các blogger này hiện đang bị chính quyền nhắm mục tiêu tấn công, sách nhiễu, và đối xử tàn bạo...
Lucie Morillon - Tổ chức Phóng viên Không biên giới RSF.
Tổ chức bảo vệ ký giả quốc tế Phóng viên Không biên giới RSF ngay trong ngày 24/9 cũng ra thông cáo lên án chính phủ Việt Nam vi phạm nhân quyền trầm trọng khi tuyên án 3 ngòi bút đấu tranh cho tự do-dân chủ tại Việt Nam này.

Bà Lucie Morillon, trưởng bộ phận truyền thông mới thuộc RSF, nhấn mạnh:

“Tổ chức Phóng viên Không biên giới hết sức phẫn nộ trước bản án quá nặng và phi lý dành cho 3 blogger tại Việt Nam hôm nay. Lâu nay chúng ta ít thấy các bản án trên 10 năm dành cho các blogger và thật vô nhân đạo khi bỏ tù ba người này vì họ chẳng làm gì sai trái. Họ chỉ bày tỏ quan điểm, thực thi quyền tự do ngôn luận của công dân khi chỉ trích những sai trái, bất công, và thực trạng thiếu nhân quyền trong xã hội Việt Nam. Qua việc lên án bản án dành cho 3 blogger này, chúng tôi nỗ lực đánh động sự quan tâm của cộng đồng quốc tế. Thế giới yêu chuộng dân chủ cần cho Việt Nam thấy rằng họ không thể bỏ tù những người bất đồng chính kiến trong nước mà không bị thế giới phản ứng, họ không thể tíêp tục cách hành xử như vậy. Thân mẫu blogger Tần đã phải tự thiêu vì tuyệt vọng trước những bất công tại Việt Nam. Chúng ta không những cần huy động sự quan tâm để bảo vệ cho ba blogger bị tuyên án hôm nay mà cần phải bảo vệ cho người thân của họ nữa, vì gia đình các blogger này hiện đang bị chính quyền nhắm mục tiêu tấn công, sách nhiễu, và đối xử tàn bạo.”

Cùng ngày, tổ chức tranh đấu nhân quyền cho người dân Việt Nam có trụ sở tại Pháp mang tên Ủy ban Bảo vệ Quyền làm Người Việt Nam ra thông cáo nói rằng bản án của 3 blogger Điếu Cày, Tạ Phong Tần, và AnhbaSG là bằng chứng cho thấy Hà Nội không từ một thủ đoạn nào để bóp nghẹt các tiếng nói cổ xúy cho tự do-dân chủ trong nước.

Chủ tịch Ủy ban, ông Võ Văn Ái, phát biểu với VOA Việt ngữ:

“Sự kiện 3 blogger đấu tranh cho dân quyền, dân chủ bị kết án một cách quá nặng nề như vậy cho thấy đây là một phiên tòa hết sức dã trá, là một thách thức rất lớn đối với các nước văn minh. Bởi vì tới nay các nứơc trên thế giới đã ủng hộ giúp đỡ cho Việt Nam rất nhiều trên phương diện kinh tế, văn hóa, xã hội…Trước những yêu sách của thế giới đã lên tiếng đòi trả tự do cho 3 blogger, nhưng Việt Nam đã quay lưng. Sự thật, 3 blogger này chỉ nói lên quan điểm của họ về nhân quyền và kêu gọi cải cách dân chủ. Chúng tôi sẽ tiếp tục lên tiếng tại Liên hiệp quốc. Chúng tôi hoạt động chung với hai tổ chức quốc tế gồm Đài Quan sát những người đấu tranh bảo vệ nhân quyền và Liên đòan Quốc tế Nhân quyền. Chúng tôi sẽ đưa vụ này ra Liên hiệp quốc trong những ngày tới và chắc chắn chúng tôi sẽ mở rộng việc kêu gọi trả tự do cho 3 blogger này tới các chính quyền Âu, Mỹ.”

Ba bản án nặng tay hôm nay không chỉ nhắm vào 3 thành viên của Câu lạc bộ Nhà báo tự do mà còn là một lời răn đe nghiêm khắc đối với giới blogger đang vận dụng internet để thu thập thông tin và đòi hỏi cải thiện dân quyền, nhân quyền trong nước. Tuy nhiên, tác dụng đó khó được như chính quyền mong muốn trong thời đại thông tin mở ngày nay.

Blogger Bùi Minh Hằng nói:

“Điều luật 88 hay 79 hay bất cứ điều luật gì ở Việt Nam đều không có giá trị vì họ có làm đúng pháp luật đâu ạ? Không làm đúng pháp luật thì lấy gì để những bản án đó được người dân có thể tâm phục, khẩu phục. Những con người yêu nước, những blogger này hoàn tòan không có hành vi gì để mà căn cứ vào những điều luật đó cả. Chúng tôi bây giờ thật sự là lúc nào cũng sẵn sàng bị nhà nước trả thù. Bởi vì một nhà nước khi dùng tất cả những thủ đoạn dã man, man rợ nhất để trả thù con dân của mình thì cái nhà nước đó đã đến lúc là cáo chung cho họ rồi.”

Sự thật, 3 blogger này chỉ nói lên quan điểm của họ về nhân quyền và kêu gọi cải cách dân chủ. Chúng tôi sẽ tiếp tục lên tiếng tại Liên hiệp quốc...Chúng tôi sẽ đưa vụ này ra Liên hiệp quốc trong những ngày tới và chắc chắn chúng tôi sẽ mở rộng việc kêu gọi trả tự do cho 3 blogger này tới các chính quyền Âu, Mỹ.”
Võ Văn Ái- Ủy ban Bảo vệ Quyền làm Người Việt Nam.
Điếu Cày, một cựu chiến binh từng được tổ chức Human Rights Watch trao giải thưởng uy tín Hellman/Hammett năm 2009 dành cho những ngòi bút bị đàn áp. Ông bị bắt từ tháng tư năm 2008 và bị tuyên án 2 năm rưỡi tù giam về tội ‘trốn thuế’ sau khi đăng tải các bài viết và tham gia các hoạt động chống Trung Quốc xâm lấn Trường Sa-Hoàng Sa của Việt Nam. Từ ngày mãn án vào tháng 10 năm 2010 tới nay ông tiếp tục bị chính quyền giam cầm với cáo buộc mới về tội ‘tuyên truyền chống nhà nước’.

Tạ Phong Tần bị bắt ngày 5/9 năm ngoái, nguyên là một sĩ quan công an và từng là đảng viên đảng cộng sản. Trang blog Công lý & Sự thật của bà ra đời từ cuối năm 2006, với hàng trăm bài viết về bất công xã hội, tham nhũng, và tình trạng lạm dụng quyền lực của bộ máy công quyền. Bà Tần được trao giải thưởng uy tín Hellman Hammett năm 2011.

Blogger AnhbaSG tức Phan Thanh Hải, bị bắt từ tháng 10 năm 2010 với cáo buộc đăng tải thông tin sai sự thật trên trang blog cá nhân với các bài viết về tranh chấp chủ quyền giữa Việt Nam với Trung Quốc, về dự án bauxite Tây Nguyên gây tranh cãi, và về các nhà bất đồng chính kiến tại Việt Nam. Ông nhận giải Hellman/Hammett vào hồi năm ngoái.

Phiên xử của ba blogger này đã bị đình hoãn 3 lần, lần mới nhất là sau vụ tự thiêu của mẹ blogger Tạ Phong Tần hồi cuối tháng 7 năm nay.

Tổ chức Phóng viên Không biên giới liệt kê Việt Nam vào danh sách các nước ‘Kẻ thù của Internet’ trên thế giới. Sau Trung Quốc và Iran, Việt Nam là nước bỏ tù blogger và các ngòi bút bất đồng chính kiến trên mạng nhiều nhất trên thế giới.

http://www.youtube.com/embed/GklmJjE3zTU