Điêu khắc Ron Mueck: Một ngợi ca hành trình làm mẹ

  • Trùng Dương

Điêu khắc Ron Mueck: Một ngợi ca hành trình làm mẹ

Nhân Ngày Của Mẹ, 9 tháng 5, 2010.

Viện bảo tàng National Gallery of Victoria bên Úc trong năm nay có tổ chức một chương trình triển lãm lưu động các tác phẩm điêu khắc của Ron Mueck. Đã qua là cuộc trưng bầy từ 22 tháng 1 tới 18 tháng 4 vừa rồi tại National Gallery of Victoria International, Melbourn (http://www.ngv.vic.gov.au/). Đang diễn ra, từ ngày 8 tháng 5 đến ngày 1 tháng 8, là cuộc triển lãm tại Queensland Art Gallery, Brisbane (http://qag.qld.gov.au/). Và sắp tới là tại Christchurch Art Gallery, Christchurch, New Zealand, (http://www.christchurchartgallery.org.nz/), từ ngày 2 tháng 10 năm nay tới 23 tháng 1, 2011.

Lần đầu nhìn thấy hình pho tượng mang tựa đề “Pregnant Woman” (Người đàn bà mang thai), do điêu khắc gia Ron Mueck, gốc Úc hiện định cư tại Luân Đôn, tôi không khỏi sững sờ, ngây ngất, vì tính cách hiện thực tới độ gần như siêu thực, và đề tài độc đáo: phơi bầy một cách không dấu diếm, mà vẫn nói lên được tính chất mong manh, mệt nhọc song dịu dàng của một người đàn bà mang bầu khỏa thân đứng cao lớn hơn người thật, hai tay vắt chéo trên đầu như để thêm sức đỡ cho cái bụng bầu to tướng tròn vo, khuôn mặt hơi cúi nét mệt mỏi, đôi mắt nhắm, cặp môi hé, những lọn tóc lòa xoà trên làn da mịn lấm tấm mồ hôi.

Nói chung, những tác phẩm điêu khắc của Ron Mueck có cái lớn hơn người thật, có cái nhỏ hơn, không có cái nào bằng người thật. Nhưng lớn hay nhỏ thì bức tượng nào cũng được Mueck chăm sóc từ sợi tóc, cái lông nheo, lỗ chân lông, hết sức tỉ mỉ tinh vi, sống động và hiện thực có lẽ hơn cả… thực tại, với những đề tài của đời sống quanh ta mà nhiều khi chính ta tuy có hoặc tưởng là đã thấy đấy song thực sự chưa thực thấy.

Vài trong số những tác phẩm điêu khắc của Ron Mueck, với nội dung bao gồm những đề tài muôn thuở, về sinh, lão, bệnh, tử, như: Một đứa bé gái vừa lọt lòng mẹ to lớn, gấp cỡ chục lần một hài nhi bằng người thật, cuống rốn còn nguyên chưa cắt lòng thòng, máu me từ bụng mẹ vẫn còn vương trên da thịt (“A girl”). Hai bà già nhỏ hơn người thật đứng đối diện nhau nhưng cùng nhìn vào một đối tượng nào đó với cái nhìn soi bói mà người xem không thể biết câu chuyện họ đang trao đổi là cái gì nhưng vẫn không khỏi tò mò thắc mắc (“Two women”). Một phụ nữ, to gấp mấy lần người thật, nằm trên giường nét mặt còn vương giấc ngủ ánh mắt bâng khuâng như cố nhớ lại giấc mơ vừa trải qua, hay bị bệnh nằm một chỗ nghĩ tới bao việc phải làm? (“In bed”). Một người đàn ông mập mạp, to gấp đôi người thật, trần truồng ngồi thu lu trong một góc phòng triển lãm, nét mặt khắc khoải, vẻ cô độc (“Big man”). Một cậu bé ngoại khổ khom người ngồi xổm, nửa khuôn mặt khuất sau cánh tay tì trên đầu gối, mắt hé dòm ra ngoài (“Crouching boy”). Và nhỏ hơn người thật là pho tượng một người đàn ông nằm chết trần truồng, nhỏ nhoi, vô nghĩa, tựa là “Dead Dad”, trên một phiến hình chữ nhật mầu trắng trống trải. Tác phẩm sau cùng này, được hoàn tất vào năm 1996, bằng chất silicone và mầu acrylic, cũng chính là tác phẩm đã đưa tên tuổi của Mueck vào giòng nghệ thuật tạo hình chính thống. Hình ảnh của những tác phẩm vừa kể trên có thể tìm thấy tại Web site này: http://www.canada.com/cityguides/ottawa/galleries/ron_mueck.html?g=0, hoặc http://artblart.wordpress.com/2010/01/21/opening-ron-mueck-at-the-national-gallery-of-victoria-international-melbourne/

Ron Mueck sinh năm 1958 tại Melbourne, Úc. Bố mẹ gốc Đức, hành nghề làm đồ chơi, sang định cư tại Úc. Lớn lên trong bối cảnh đó, Mueck học nặn tượng lấy, không qua một trường đào tạo mỹ thuật nào. Vào giữa thập niên 1980, ông sang Los Angeles làm hình nộm và special effects cho chương trình The Muppets và phim "Labyrinth" của Jim Hensen. Sau đó ông sang định cư tại Luân Đôn, mở một công ty riêng chuyên sản xuất hình nộm cung cấp cho các hãng làm làm phim quảng cáo cần người nộm. Ông được gìới yêu chuộng nghệ thuật biết tới khi triển lãm bức tượng "Dead Dad", dựa vào hình ảnh cái xác chết của chính bố ông, trong cuộc triển lãm lưu động chung, “Sensation: Young British Artists from the Saatchi Collection”, với các nghệ sĩ trẻ Anh vào năm 1997. Sau đó ông dành toàn thời cho việc sáng tạo. Tác phẩm gây xôn xao kế đó là “Crouching boy”, cao cỡ một cái xe buýt hai tầng, được trưng bầy tại cuộc triễn lãm Venice Biennale kỳ thứ 49 vào năm 2001.

Năm 2000 ông là người thứ năm được National Gallery, London mời cộng tác trong chương trình artist-in-residence. Đây là một chương trình hai năm nhằm tạo điệu kiện cho một nghệ sĩ sáng tạo có cơ hội nghiên cứu những tác phẩm trong bộ sưu tầm của viện bảo tàng và sáng tạo nên những tác phẩm của riêng mình. Kết quả của thời gian này là cuộc trưng bầy vào năm 2003 tại National Gallery, London, với bốn tác phẩm điêu khắc độc đáo: "Man in Boat", tượng một người đàn ông khỏa thân, nhỏ hơn ngươi thường, ngồi khoanh tay lọt thỏm hiu quạnh, dáng như phó mặc, trong một cái thuyền như trôi trong hư không; "Mother and Child", tượng một người đàn bà vừa trải qua cuộc "vượt cạn" còn nằm trên bàn sinh, mệt nhọc, tóc bết mồ hôi bơ phờ song vẫn cố ngóc đầu nhìn đứa con sơ sinh cuộn nằm trên bụng mình như chưa muốn dời sự bảo bọc trong bụng mẹ, nhỏ hơn người thường; tượng "Pregnant woman" như đã mô tả ở trên; và tượng một em bé sơ sinh, bức tượng duy nhất lớn bằng người thật, được quấn trong một cái mền mầu nâu có cột giây xung quanh, nằm ngủ an bình, đầu gối trên một cái gối bọc áo trắng. Hình ảnh về những tác phẩm này có thể tìm thấy ở các Web sites sau: James Cohan Gallery, http://www.jamescohan.com/artists/ronmueck/index.html, và BBC Editors Review, http://www.bbc.co.uk/dna/collective/A1015435. Độc giả cũng có thể xem một phim tài liệu về sinh hoạt nặn tượng của Mueck tại National Gallery, London tại http://brooklynmuseum.blip.tv/file/1177431/.

Tác phẩm điêu khắc của Mueck cũng đã gặp những chỉ trích, có lẽ vì nhiều người không thấy thoải mái khi nhìn những pho tượng vừa trần truồng, vừa hiện thực với đầy đủ sắc mầu thiên nhiên, khác với điêu khắc truyền thống chỉ có một mầu, lại có tượng quá vĩ đại, phô bầy lộ liễu. Điển hình là bức “Pregnant Woman” cao lớn, sừng sững, và "Mother and Child" tuy nhỏ hơn người thường song có sức mô tả vừa mãnh liệt lại vừa dịu dàng, lại nói lên được sự mong manh của người đàn bà có thai sắp tới lúc khai hoa nở nhụy, hoặc vừa sanh nở, đầy ắp nhân tính. Rất ít người đã được thấy tận mắt hình ảnh một người đàn bà mang thai khỏa thân, và nhất là cảnh người đàn bà vừa sanh con, cuống rốn của đứa hài nhi còn nối liền với tử cung của người mẹ như bịn rịn chưa muốn dời khỏi nơi yên ấm đầy bảo bọc, coi đó là một điều cấm kỵ, hoặc rất riêng tư của người đàn bà.

Với tính nhạy cảm và niềm đam mê cao độ của một nghệ sĩ tạo hình, Mueck đã say sưa một cách hồn nhiên -- cái hồn nhiên mà tôi nghĩ có lẽ do ở chỗ ông không hề bị nhào nắn trong một khuôn khổ trường ốc giáo điều nào và do cả ảnh hưởng từ một thời thơ ấu vây quanh bởi những đồ chơi trong xưởng sản xuất đồ chơi của bố mẹ -- mô tả đời sống như ông cảm nhận được, cộng với những nghiên cứu tìm tòi rất công phu để có thể lột tả được những chi tiết rất thực về người đàn bà mang thai, chẳng hạn, một cách tài tình và sống động. Brian Kennedy, giám đốc National Gallery of Australia, trong bài nói chuyện vào tháng 3 năm 2004, hiện có sẵn trên Web tại http://www.nga.gov.au/Mueck/director.cfm, đã mô tả khung cảnh xưởng điêu khắc dành riêng cho Mueck tại National Gallery, London, nơi ông thực hiện pho tượng "Pregnant Woman", như sau:

“Xưởng điêu khắc nơi Ron Mueck làm việc là một bằng chứng đáng kinh ngạc về mức tận tụy của ông. Tại một góc phòng trên nền nhà là một tấm nệm, nơi nghỉ ngơi đơn sơ của ông sau cả đêm loay hoay với công trình nặn tượng. Một cuốn sách về thai nghén nằm giữa những khúc chân tượng loại bỏ của thời gian chuẩn bị cho pho tượng.

"Mueck đặc biệt quan tâm tới những chi tiết hiện thực dù nhỏ nhặt tới đâu. Đôi chân của tượng đạp vững vàng trên nền nhà, chống đỡ tấm thân rã rời. Từ những móng tay, đầu gối, núm vú, tất cả được diễn tả rất hiện thực một cách tinh vi, kết quả của một công trình nhận xét và nghiên cứu tỉ mỉ."

Tôi thú vị nhất là lời giải thích tại sao pho tượng nhắm mắt, cho thấy sự cảm nhận vô cùng tế nhị của điêu khắc gia. "Một hôm trong lúc ngồi trong tiệm cà phê của National Gallery [London]," vẫn theo lời kể của Kennedy, "ông [Mueck] để ý tới một phụ nữ có thai với đôi mắt nhắm nghiền như chìm trong một suy nghĩ riêng tư, cho phép người khác chiêm ngưỡng tình trạng mang thai của mình [mà không cảm thấy bị bối rối].

"Mueck đi tới quyết định là pho tượng của ông cũng sẽ nhắm mắt để có được sự riêng tư đồng thời vẫn cho phép người xem chiêm ngưỡng hình ảnh mang thai mà ít bị cảm thấy bối rối trước hình ảnh khỏa thân. Đôi mắt của pho tượng 'Dead Dad' cũng nhắm nghiền. Những đề tài hóc búa như chết chóc và mang thai sẽ khó thực hiện hơn nếu đối tượng mở mắt," ông Kennedy kể.

Hiện bức "Pregnant woman" thuộc quyền sở hữu của và được trưng bầy thường trực tại National Gallery of Australia, ở Canberra bên Úc, cùng với một số tài liệu về sự hình thành pho tương này do Mueck cung cấp cùng với pho tượng độc nhất vô nhị này.

Hình ảnh:

Các bà mẹ và con cái của họ đang chiêm ngưỡng bức tượng "Pregnant Woman" của điêu khắc gia Ron Mueck trong cuộc triển lãm lưu động, "Ron Mueck: The Making of the Pregnant Woman 2002", ngày 24 tháng 2 năm 2005 tại National Gallery of Victoria ở Melbourne, Úc. Người của pho tương làm bằng fiberglass và đầu bằng silicon để gắn tóc và lông mày cho dễ. (Ảnh William West/Getty Images, http://www.canada.com/cityguides/ottawa/galleries/ron_mueck.html?g=0)

Mother and Child, 2001 mixed media 9 1/2 X 35 X 15 inches
http://www.jamescohan.com/artists/ronmueck/index.html?page=1&num_pages=1&image=440


* Blog của Trùng Dương là blog cá nhân. Các bài viết trên blog được đăng tải với sự đồng ý của Ðài VOA nhưng không phản ánh quan điểm hay lập trường của Chính phủ Hoa Kỳ.